SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Có nên sử dụng sách, giáo trình photocopy trong nhà trường?

16:33, 07/04/2022
Các tiệm photocopy trước cổng trường cao đẳng, đại học bày bán công khai những bản sao sách và giáo trình, còn sinh viên thì "quay lưng" với tài liệu chính thống.

Trước các cổng trường cao đẳng, đại học trên địa bản TP.HCM không khó để tìm mua giáo trình photocopy từ các môn học đại cương cho đến các môn chuyên ngành.  

Bản sao sách, giáo trình bán công khai trước cổng trường

Dọc tuyến đường gần Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM, đường Võ Văn Ngân (Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM), đường Hoàng Diệu (Đại học Ngân hàng TP.HCM)… bản sao sách, giáo trình được các tiệm photocopy bày bán một cách công khai.

Hàng trăm cuốn giáo trình photocopy, hàng chục đầu sách ngoại ngữ, sách Kinh tế chính trị Mác-Lê Nin, Nhập môn Xã hội học, Cơ sở Văn hóa Việt Nam, Toán cao cấp… chất đống trên kệ. Giá bán thì luôn ở mức rẻ hơn sách gốc, hấp dẫn với những sinh viên muốn tiết kiệm chi phí.

Chủ một tiệm photocopy cho biết vào đầu mỗi năm học đều có một đại diện của mỗi lớp đến tiệm đặt sách photocopy với số lượng lớn, lên đến hàng trăm cuốn. Vì vậy các cửa hàng thường chuẩn bị trước để khi sinh viên có nhu cầu là bán ngay.

Hoàng Vy (Sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết: “Mình thường sử dụng cả giáo trình gốc lẫn giáo trình photocopy để phục vụ cho các môn học. Giáo trình photocopy mình dùng khi không tìm thấy những sách, tài liệu tham khảo bản gốc. Hơn nữa việc dùng tài liệu photocopy cũng giúp tiết kiệm chi phí cho sinh viên rất nhiều, vì có những môn chỉ cần tham khảo sách một vài lần mà bỏ ra số tiền lớn để mua sách gốc thì hơi phí”.

sach

 Sách ngoại ngữ photo được bày bán tràn lan

Đồng quan điểm, Bích Phượng (Sinh viên Đại học Mở TP.HCM) chia sẻ giáo trình photocopy được sinh viên ưa chuộng vì có thể tiết kiệm được tiền. “Đa số mình dùng giáo trình sao chép là nhiều, vì so với việc mua sách gốc, bản photocopy giá cả hợp lý hơn với sinh viên. Nhất là kì học có nhiều môn, nếu mua giáo trình gốc hay sách thì chi phí quá cao”, Bích Phượng nói.

Nhiều sinh viên sử dụng giáo trình photocopy không phải chưa biết đến Luật Sở hữu trí tuệ. Thế nhưng khi gặp một số vấn đề như sách không tái bản, giá thành cao, không tìm được bản gốc, sách ở thư viện không đủ để cung cấp, sinh viên buộc phải sử dụng giáo trình photocopy.

Nắm được nhu cầu của sinh viên, các tiệm photocopy hiện nay đều chuẩn bị sẵn hàng trăm giáo trình mỗi môn học, chỉ cần hỏi là có ngay mà không phải mất thời gian chờ đợi. Mỗi bản sao giáo trình có sẵn được bán với giá từ 10.000 - 15.000 đồng, tùy thuộc vào độ dày của sách. Đa số, các bản sao này chữ in thường mờ hoặc bị lem, thậm chí còn chữ viết chi chít trong sách.

Ngoài ra, thị trường sách, giáo trình “lậu” còn được bán nhộn nhịp trong các hội nhóm trên mạng xã hội với lời chào mời nhiệt tình.

Thực tế, chỉ có một phần nhỏ sinh viên tự chủ động tìm kiếm tài liệu để phục vụ cho bản thân. Đa số chỉ mua hoặc tìm kiếm tài liệu sau khi giảng viên giới thiệu hoặc bắt buộc có tài liệu mới được tham gia giờ học. Vì vậy, việc bày bán sẵn các bản sao tài liệu học tập sẽ khiến bản gốc khó khăn trong việc tiêu thụ dẫn tới tồn kho, gây ảnh hưởng việc chỉnh sửa, tái bản hoặc thay thế giáo trình.

ly luan

Sách photo - Sách gốc 

Sinh viên có nên dùng bản sao tài liệu học tập?

Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn luật sư TP Hà Nội) pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm do cá nhân, tổ chức sáng tạo ra hoặc sở hữu. Tác phẩm được bảo hộ bao gồm sách giáo khoa, giáo trình, bài giảng... Bảo hộ quyền tác giả nhằm ghi nhận nỗ lực sáng tạo, công sức lao động trí óc, sự đầu tư tiền bạc, thời gian của tác giả. Có ý nghĩa quan trọng đối với chủ thể nắm quyền sở hữu, chủ thể sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Do đó, pháp luật về sở hữu trí tuệ hiện hành quy định các chủ thể tiếp cận tác phẩm phải tôn trọng quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả hoặc chủ sở hữu.

Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 và 2019 có quy định những trường hợp nào được sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao và những trường hợp phải trả tiền nhuận bút, thù lao; cùng những hành vi bị xem là xâm phạm quyền tác giả.

"Xét hành vi cụ thể như photocopy sách và giáo trình, có thể liên hệ đến một số trường hợp được phép sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao như tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy cá nhân được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

Hành vi tự sao chép ở điểm a được áp dụng đối với các trường hợp nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân không nhằm mục đích thương mại.

Trường hợp sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ, việc sao chép không quá một bản, thư viện không được sao chép và phân phối bản sao chép tác phẩm tới công chúng, kể cả bản sao kỹ thuật số", luật sư Truyền cho biết.

Ngoài một số trường hợp như trên, việc photocopy sách và giáo trình không được sự cho phép của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Tùy theo từng hành vi xâm phạm cụ thể, căn cứ theo tính chất xâm phạm và mức độ xâm phạm mà tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả có thể cân nhắc lực chọn các biện pháp bảo vệ quyền tác giả phù hợp có thể là biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.

Với biện pháp dân sự, chủ thể quyền có thể yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc một số các biện pháp để xử lý như: Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; Buộc xin lỗi, cải chính công khai; Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; Buộc bồi thường thiệt hại; Buộc tiêu hủy.

Với biện pháp hành chính, hành vi xâm phạm quyền tác giả sẽ bị xử phạt khi gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội theo quy định tại Nghị định 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 và Nghị định 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017, mức phạt tiền từ 5 triệu đồng - 35 triệu đồng, đồng thời với biện pháp khắc phục buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.

Đối với biện pháp hình sự, hành vi xâm phạm quyền tác giả có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 225 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

sach ban

Sách, giáo trình photo được bày bán trên các hội nhóm với giá rẻ 

“Việc sử dụng tác phẩm photocopy, sao chép trái phép cũng được xem là hành vi làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, gây phương hại đến quyền tài sản của tác giả. Nghị định 131/2013/NĐ-CP có quy định về mức xử phạt đối với hành vi tàng trữ tác phẩm bị sao chép lậu với mức phạt tiền từ 5 triệu đồng - 10 triệu đồng. Tuy nhiên, việc xử lý trường hợp này tùy trường hợp với tính chất và mức độ cụ thể có thể nhắc nhở, cảnh cáo theo quy chế, nội quy của từng đơn vị, cơ quan, tổ chức”, luật sư Truyền cho biết.

Như vậy, sinh viên photocopy giáo trình, sách để phục vụ việc học không bị xem là hành vi xâm phạm Quyền Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, từ nhu cầu của sinh viên, các đối tượng lợi dụng để photocopy sách, giáo trình gốc rồi ngang nhiên bán với mục đích thương mại, thu được khoản lợi nhuận lớn. Điều này làm ảnh hưởng đến công sức, thu nhập và tâm huyết của các tác giả, thậm chí việc tái bản nhà xuất bản cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thế nên, việc cho phép sinh viên sử dụng bản sao tài liệu, giáo trình học tập có thể xem là hình thức tiếp tay vi phạm bản quyền tác giả. 

Vậy làm thế nào để có thể hạn chế việc sử dụng bản sao tài liệu trong trường học? Liệu có phải cơ quan chức năng đang dễ dãi trong việc quản lý, để các tiệm photocopy ngang nhiên bán số lượng lớn bản sao tài liệu bán với mục đích lợi nhuận? 

Võ Liên

Tin khác

Tài sản trí tuệ 4 giờ trước
(SHTT) - Chiều 25/4, Đội Quản lý thị trường số 5 Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương phối hợp với Đội 3 Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an huyện Ninh Giang và Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hải Dương tổ chức giám sát việc tiêu hủy 10.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tài sản trí tuệ 6 giờ trước
(SHTT) - Cơ quan Quản lý Thực phẩm Singapore đã thông báo thu hồi một số thực phẩm có xuất xứ từ Việt Nam gồm nem cuốn hải sản Li Chuan (750g), dimsum tôm Bibigo Mandu (350g) và Mini Mandu.
Tài sản trí tuệ 6 giờ trước
(SHTT) - Ngày 24/4/2024, Đội QLTT số 1, Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh chủ trì phối hợp với lực lượng Hải quan, Công an kiểm tra, bắt giữ 10.250 con vịt giống (khoảng 2-4 ngày tuổi) không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
Sở Y tế TP.HCM phát hiện cơ sở mang tên “LuxCell - Ứng dụng liệu pháp tế bào gốc trong y học tái tạo” ngang nhiên quảng cáo và hành nghề trái phép trong lĩnh vực khám, chữa bệnh và tàng trữ nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc tại địa chỉ số 186 – 186A Cách Mạng Tháng Tám, Phường 10, Quận 3.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phát hiện cơ sở kinh doanh tắm hơi, massage nhưng lại treo bảng hiệu Cheongdam - Dong cùng với các dòng chữ tiếng Hàn Quốc ngang nhiên quảng cáo là “phòng khám điều trị suy giãn tĩnh mạch thuộc top 1 châu Âu”.