SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 02/05/2024
  • Click để copy

Chuyện ông Năm Toàn quyết không bán mảnh đất hơn 200 tỷ để giữ nghề đúc lư đồng

09:13, 25/04/2022
Nằm sâu trong con đường Nguyễn Duy Cung (Phường 12, quận Gò Vấp), xưởng đúc lư đồng của ông Năm Toàn vẫn miệt mài tạo ra những chiếc lư đồng, mặc dù hiện tại chẳng bán được bao nhiêu.

Ngày nay, sự phát triển cùng những biến động của thị trường đã khiến nghề làm lư đồng nổi tiếng một thời dần bị mai một theo năm tháng. Xưởng lư đồng của ông Năm Toàn là một trong số ít các cơ sở còn sót lại trong làng nghề đúc lư này.

Làng nghề hiếm hoi còn sót lại giữa lòng thành phố 

Ông Trần Minh Toàn (còn gọi là Năm Toàn, 62 tuổi, ngụ tại Gò Vấp, TP.HCM) – chủ cơ sở đúc lư đồng Năm Toàn cho biết: “Cụ tổ trước kia gốc ở ngoài Hà Nội, sau mới đem vô Huế rồi dần truyền vào miền Nam. Cái gốc là có từ cả ngàn năm rồi. Tôi học nghề này từ hồi 12 tuổi đến năm nay 62 tuổi, phải nói là tuổi nghề cũng 50 năm rồi”.

1

Ông Trần Minh Toàn - chủ cơ sở đúc lư đồng Năm Toàn

Với diện tích hơn 2.000m2, xưởng lư đồng Năm Toàn là nơi tạo điều kiện việc làm cho 15 người dân lao động ở gần đó. Đa số, các lao động làm việc tại xưởng đều là những người thuộc độ tuổi trung niên từ khoảng 40 tuổi trở lên. Theo ông Năm Toàn, xưởng của ông dạy nghề cho các lao động bằng cách cầm tay chỉ việc, trực tiếp hướng dẫn cho con cháu của mình, rồi sau đó con cháu hướng dẫn cho các lao động còn lại.

Để tạo ra những chiếc lư đồng vàng rực, sáng loáng phải trải qua rất nhiều công đoạn bao gồm: làm khuôn ruột, đúc khuôn sáp, bao bọc 2 lớp đất sét, phơi khô, nấu đồng, đổ đồng, làm nguội, mài giũa, chạm khắc hoa văn và đánh bóng lư đồng,..

2

Cơ sở đúc lư đồng Năm Toàn nằm ở số 78 Nguyễn Duy Cung, Phường 12, quận Gò Vấp.

3

  Công đoạn đắp đất sét tạo hình cho lư đồng.

Mỗi sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đẹp hay không phụ thuộc vào sự tỉ mỉ khéo léo của các nghệ nhân khi thổi hồn mình vào từng công đoạn tạo ra sản phẩm. Giá của mỗi sản phẩm lư đồng tại cơ sở này là từ 2,5 triệu đến 20 triệu tuỳ theo kích thước, chất liệu và hình dáng.

4

  Một số sản phẩm lư đồng, tượng thờ bằng đồng thành phẩm.

5

 Ngoài lư đồng, cơ sở còn sản xuất nhiều sản phẩm bằng đồng khác như: đồ lưu niệm, bình hoa,...

Quyết tâm “giữ lửa” nghề đúc lư đồng

Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, với sự cạnh tranh của sản phẩm lư công nghiệp cùng sức ép của kinh tế thị trường, nhiều cơ sở đã không thể tiếp tục duy trì nghề nữa. Hiện nay làng nghề này đang có nguy cơ bị mai một và chỉ còn 4 cơ sở đúc lư hoạt động là: Năm Toàn, Ba Cồ, Sáu Bảnh và Hai Thắng.

Lý giải về nguyên nhân khiến nhiều cơ sở không còn hoạt động nữa, ông Năm Toàn bộc bạch: “Thứ nhất, thợ càng ngày càng hiếm, ít có ai theo làm nghề của mình, họ không yêu nghề. Thứ hai là cực, làm cái thủ công nó cực, quản lý cực nên mấy cơ sở khác có nơi bán đất, có nơi thì cất nhà trọ”.

Theo ghi nhận tại xưởng đúc đồng Năm Toàn, trong số 15 lao động ở xưởng, chỉ có hai thanh niên làm việc tại đây là anh La Thành Nghĩa (17 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) và anh Lê Hoàng Phúc (27 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn). Với quyết tâm giữ nghề cho gia đình, anh Lê Hoàng Phúc - cháu ruột của ông Năm Toàn chia sẻ: “Thu nhập của tôi chỉ giống như công nhân bình thường ở ngoài thôi. Biết là công việc này thu nhập không cao nhưng cái nghề của ông bà mình để lại, mình nhất định phải giữ”.

6

  Anh La Thành Nghĩa - cháu ruột của ông Năm Toàn, đang học nghề tại xưởng.

Đặc biệt, trong đợt dịch Covid – 19 vừa qua, nền kinh tế cả nước bị ảnh hưởng dẫn đến việc buôn bán, kinh doanh lư đồng vốn đã không mấy ổn định nay còn khó khăn hơn. Theo ông Năm Toàn, vì đợt dịch Covid-19, người dân đa số đều khó khăn, buôn bán cũng không còn được như trước nên ông đã phải cắt giảm nhân sự để có thể duy trì việc sản xuất cho xưởng.

Bà Nguyễn Thị Thuý (55 tuổi, ngụ Gò Vấp, TP.HCM) - chủ hộ bán lẻ lư đồng cho biết: “Chỉ có Tết là bán được nhiều hơn, còn đa phần bây giờ cũng hiếm có ai mua. Lư người ta mua về xài cũng mấy chục năm, bởi vậy đâu có bán được nhiều”. 

Video: Quy trình để tạo ra một lư hương đồng ở xưởng ông Năm Toàn

Mặc dù đứng trước nhiều khó khăn trong kinh doanh nhưng ông Toàn vẫn khẳng định: “Đất của tôi ở đây nhiều người muốn mua với giá khoảng 200 tỷ, bởi vì diện tích tới 2000m2, nhưng tôi quyết tâm không có bán, không đập xưởng xây trọ như người ta, mà mình giữ lại nghề là giữ cho con cháu của”.

Được biết, hiện tại ông Năm Toàn có hai người con trai. Người con lớn đang công tác trong ngành phòng cháy chữa cháy, người con thứ hai hiện đang theo nghề đúc đồng và làm việc tại xưởng để tiếp tục “giữ lửa” cho làng nghề đúc lư đồng An Hội.

Những năm 1975 là thời điểm mà làng nghề đúc lư đồng An Hội tại TP.HCM phát triển nhất. Cả làng có đến 50 cơ sở đúc lư đồng với hàng trăm nghệ nhân làm nghề. Theo lời kể của các bậc cao niên, làng đúc đồng ở Sài Gòn ban đầu có mặt tại khu Chợ Quán, Phú Lâm vào đầu thế kỷ 19. Sau đó, được ông Trần Văn Kỉnh (người dân hay gọi là Năm Kỉnh) sang các lò học nghề. Đến khi thạo việc, ông quay lại khu Gò Vấp để mở xưởng hoạt động. Tính đến nay làng đúc lư đồng An Hội nằm trên đường Nguyễn Duy Cung (quận Gò Vấp, TP.HCM) đã có truyền thống hơn 200 năm.

Như Quỳnh - Tường Vi

Tin khác

Tin tức 7 giờ trước
Trong những năm gần đây lượng khác du lịch đổ về Thanh Hóa rất lớn, riêng 5 ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay Thanh Hóa đã đón được khoảng 1,5 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt hàng ngàn tỉ đồng.
Tin tức 18 giờ trước
(SHTT) - Liên tục đưa ra thị trường các giải pháp chăm sóc da dựa trên khoa học và có nguồn gốc từ thiên nhiên, Kiehl's đã xây dựng danh tiếng cho mình như là nơi cung cấp mọi giải pháp đột phá trong chăm sóc da cho cả gia đình.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Tỉnh Quảng Ninh đạt được nhiều thành tựu to lớn, nổi bật, trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Làm việc xuyên đêm khiến nhiều sinh viên luôn trong tình trạng thiếu ngủ trầm trọng, ảnh hưởng đến kết quả học tập, sức khỏe sa sút,... Dẫu biết những hệ lụy nguy hiểm ẩn sau nguồn thu nhập của mình, nhiều bạn trẻ vẫn chấp nhận vì những lý do khác nhau.
Tin tức 2 ngày trước
Nhiều gian hàng với hàng trăm sản phẩm OCOP đặc trưng, tiêu biểu huyện Thiệu Hoá năm 2024.