Chế tài nào cho việc sản xuất thuốc điều trị COVID-19 giả?
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với sự lây lan mạnh mẽ của biến thể Delta trên khắp thế giới, không ít người dân đang đặc biệt quan tâm và sẵn sàng “chi tiền” để mua các loại thuốc được cho là “thần dược” điều trị COVID-19.
Lợi dụng điều này, các đối tượng đã sản xuất, buôn bán một lượng lớn thuốc không rõ nguồn gốc nhằm thu lợi.
Những vụ việc xuất thuốc điều trị COVID-19 giả lớn nhất cả nước
Mới đây nhất là vụ việc Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện Nguyễn Đức Thuận (SN 1975, thường trú tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chở 1 thùng carton nghi vấn chứa tân dược giả nên tiến hành kiểm tra.
Kết quả phát hiện có 150 hộp thuốc điều trị COVID-19 hiệu TERPINCODEIN. Thuận khai nhận đây là tân dược giả, do Thuận tự mua nguyên liệu, đem về sản xuất rồi bán ra thị trường kiếm lời.
Từ lời khai của Thuận, cơ quan Công an tiến hành khám xét khẩn cấp tại 3 địa điểm là nơi sản xuất, tàng trữ, buôn bán tân dược giả tại quận Phú Nhuận, quận Tân Bình và quận 8 đã phát hiện khu vực sản xuất tân dược giả là… nhà vệ sinh.
Qua khám xét, Công an đã tạm giữ số lượng rất lớn nguyên liệu sản xuất thuốc, hơn 630.000 viên thuốc tân dược giả các loại và công cụ, phương tiện sản xuất; trong đó có 3.116 hộp thuốc phòng, chữa trị COVID-19 giả các nhãn hiệu Neo-Cordion, Angmentin, 2,5kg thuốc viên màu trắng không nhãn hiệu dùng để sản xuất thuốc Fugacar giả, 100 vỉ Neo-codien, 100 lọ thuốc Staragan 500 loại 200 viên/lọ, 50 lọ thuốc Staragan đã bóc nhãn hiệu…
Trước đó, ngày 18/8, Phòng Cảnh sát kinh tế đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh phát hiện kho thuốc và trang thiết bị y tế không có nguồn gốc, xuất xứ tại một căn nhà trên đường Tô Hiến Thành (Quận 10) do Đặng Thị Hồng Duyên và Đặng Khánh Dư làm chủ, thu giữ 800 bộ test nhanh COVID-19, 460 hộp thuốc tân dược hiệu Salbutant, 700 hộp Efferalgan và nhiều thuốc tân dược, vitamin, viên xông mũi không có hóa đơn chứng từ.
Từ việc phát hiện, khám phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc phòng, chữa trị COVID giả và trang thiết bị y tế không rõ nguồn gốc nêu trên, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hồ Chí Minh đã ngăn chặn kịp thời việc đưa số hàng giả này ra tiêu thụ trên thị trường, góp phần vào hiệu quả công tác phòng chống dịch của thành phố, bảo vệ quyền lợi, an toàn, sức khỏe cho người dân, nhất là các nạn nhân đang tự chữa trị COVID tại nhà hoặc tại các cơ sở y tế.
Chế tài xử lý việc sản xuất thuốc điều trị COVID-19 giả
Chia sẻ về vấn đề này với VOV, dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó giám đốc Công ty Luật TGS cho rằng, theo quy định tại điểm a Khoản 5 Điều 6 Luật Dược năm 2016, hành vi kinh doanh thuốc giả, nguyên liệu làm thuốc giả là hành vi bị nghiêm cấm.
Về chế tài xử phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh tuỳ theo mức độ, tính chất mà sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
“Với tính chất đơn giản, quy mô nhỏ, chưa gây hậu quả lớn không đến mức phải xử lý hình sự, các đối tượng vi phạm sẽ phải chịu chế tài hành chính quy định tại Điều 9, Điều 10 Nghị định 98/2020 do Chính Phủ ban hành ngày 26/08/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Mức phạt quy định tại hai Điều này đối với hành vi nêu trên là từ 2.000.000 đồng cho đến 140.000.000 đồng (đối với cá nhân buôn bán hàng giả là thuốc) hoặc từ 10.000.000 đồng cho đến 200.000.000 đồng (đối với cá nhân sản xuất hàng giả là thuốc). Với tổ chức vi phạm quy định tương tự thì mức phạt sẽ gấp hai lần mức tiền theo các quy định trên”- luật sư Hùng thông tin.
Đối với các hành vi nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” theo quy định tại Điều 194 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Riêng đối với tội danh này cũng quy định phần chế tài riêng cho cá nhân và pháp nhân.
Cá nhân phạm tội tuỳ theo các tình tiết định tội, định khung như: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại; Giá trị của hàng hoá tính theo giá bán; Giá trị hàng hoá tính theo giá trị của hàng thật; Tỷ lệ thương tật gây ra cho người khác nếu có; Có gây ra chết người hay không,... mà có thể phải đối mặt mức án từ 02 năm tù giam đến 20 năm tù giam, chung thân hoặc tử hình.
Pháp nhân phạm tội có thể bị phạt tiền từ 01 tỷ đồng cho đến 20 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ vĩnh viễn,...
Theo luật sư Hùng, trong tình hình cả nước đang gồng mình từng phút từng giây để chống chọi với đại dịch Covid, đã có rất nhiều người tử vong và còn nhiều người khác cũng đang đứng trên bờ vực của sự sống, vậy mà có các cá nhân, tổ chức lợi dụng dịch bệnh để kiếm lời bằng cách sản xuất, buôn bán hàng giả là điều không thể chấp nhận được. Đây không chỉ là một tình tiết tăng nặng theo quy định tại điểm l Khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015 mà còn trái với đạo đức con người. Luật sư Hùng cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải xử lý triệt để và có chế tài thật sự nghiêm khắc để trừng phạt thích đáng tạo tính răn đe cho xã hội, không để sự việc tương tự tiếp tục diễn ra.
Minh Anh