Chân dung 5 nhà khoa học nữ Việt Nam nhận giải L’Oreal – Unesco năm 2017
Ngày 12/1, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chương trình giải thưởng nghiên cứu khoa học dành cho nữ giới L'Oreal-UNESCO vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học đã trao giải thưởng Nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2017 và học bổng nghiên cứu khoa học cho các nhà nghiên cứu tiềm năng của Việt Nam năm 2017.
Tiêu chí chọn lựa được dựa trên thành tích nghiên cứu khoa học nổi bật thông qua số lượng các bài viết được đăng tải trên các tạp chí quốc tế, các ấn phẩm khoa học được xuất bản, các hoạt động nghiên cứu khoa học đã và đang tham gia, vai trò hình mẫu cho các thế hệ nghiên cứu trẻ.
Chương trình giải thưởng này được dành cho tất cả các nhà khoa học nữ đang làm việc và nghiên cứu tại Việt Nam có quá trình nghiên cứu khoa học, đóng góp lâu dài vào sự phát triển của khoa học Việt Nam.
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Giáo sư, Viện sỹ Châu Văn Minh cho biết hành trình nghiên cứu khoa học đòi hỏi ở những người đam mê nhiều sự hy sinh, công sức và thời gian theo đuổi những nghiên cứu cống hiến cho ích lợi cho nhân loại.
Với những nhà khoa học nữ, hành trình này sẽ đặc biệt vất vả, khó nhọc hơn bởi họ còn phải hoàn thành trách nhiệm gia đình bên cạnh những đam mê nghiên cứu khoa học...
Tại buổi trao giải, TS. Nguyễn Thị Hoài, Trưởng khoa Dược, Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế và TS. Trần Thị Ngọc Dung, Trưởng phòng Công nghệ thân thiện môi trường, Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã giành giải nhà khoa học nữ xuất sắc nhất 2017 với giá trị mỗi giải thưởng là 50 triệu đồng.
Đáng chú ý nhất là Tiến sỹ Trần Thị Ngọc Dung, Trưởng phòng Công nghệ thân thiện môi trường, Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Chị được vinh danh về những nghiên cứu mang tính ứng dụng về vật liệu Na no.
Các sản phẩm mà tiến sỹ Trần Thị Ngọc Dung và nhóm nghiên cứu đã hoàn thành được đánh giá có tính kháng khuẩn trên hàng chục loại vi sinh vật gây bệnh trên người. Các sản phẩm đã được sản xuất với số lượng lớn và ứng dụng thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Các nghiên cứu của tiến sỹ Trần Thị Ngọc Dung mang tính ứng dụng lớn, có thể ứng dụng trong các loại sản phẩm như băng gạc điều trị vết thương, vết loét lâu lành, bộ dụng cụ lọc dùng cho mục đích làm sạch nước quy mô gia đình, khẩu trang phòng chống ô nhiễm môi trường, dung dịch vệ sinh phụ nữ...
3 nhà khoa học nữ trẻ khác là TS. Trần Thị Phương Thảo (Đại học Dược Hà Nội) với đề tài nghiên cứu phát triển dẫn chất mới ức chế enzyme glutaminyl cyclase hướng tới điều trị bệnh Alzheimer; TS Hoàng Thị Đông Quỳ (Trường Đại học Quốc gia TP.HCM) với đề tài vật liệu polymer composite/nanocomposite chống cháy trên nền polyurethane xốp sử dụng chất chống cháy thân thiện môi trường và TS. Nguyễn Lệ Thu (Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) với đề tài nghiên cứu vật liệu silicon thông minh có khả năng nhớ hình và tự lành ứng dụng làm vật liệu y sinh cấy ghép và màng phủ tự làm lành vết xước, sẽ nhận được học bổng nghiên cứu khoa học trị giá mỗi giải 150 triệu đồng.
Bắt đầu tổ chức giải thưởng tại Việt Nam từ năm 2009, đến nay, chương trình đã vinh danh và trao học bổng cho 18 nhà khoa học nữ xuất sắc của Việt Nam đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau gồm Hà Nội, TP.HCM, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Huế và Cần Thơ.
7 năm qua, Giải thưởng đã vinh danh 18 nhà khoa học nữ xuất sắc của Việt Nam, trong đó 2 tiến sĩ tiếp tục đạt giải thưởng Nhà khoa học nữ trẻ tài năng thế giới qua những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu khoa học.
- Chân dung nhà khoa học nữ Việt Nam được nhận huy chương Puskin năm 2017
- Những thành tựu y học ấn tượng nhất năm 2017
- Những thành tựu khoa học nổi bật nhất năm 2017
Hải Lam (t/h)