Cảnh báo: Tràn lan quảng cáo sản phẩm Tiểu đường Bà Sáu sử dụng giấy tờ giả mạo cơ quan chức năng
Theo thông tin được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đăng tải chiều ngày 16/8/2023, qua công tác hậu kiểm, Cục đã phát hiện trên mạng xã hội xuất hiện quảng cáo sản phẩm Tiều đường Bà Sáu có sử dụng hình ảnh Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo giả mạo.
Trong thông tin cảnh báo, Cục An toàn thực phẩm khẳng định Cục không cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 7335/2020/ĐKSP ngày 07/08/2020 và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 3735/2020/XNQC-ATTP ngày 20/11/2020 cho sản phẩm Tiểu đường Bà Sáu của Nhà thuốc Bà Sáu (địa chỉ: Số 9B tổ 9, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, thành phố Hà Nội).
Theo tìm hiểu của PV Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo, hiện sản phẩm Tiểu đường Bà Sáu đang sử dụng hình ảnh các giấy tờ giả mạo nêu trên để quảng cáo tại nhiều website/ link như:
https://www.suckhoedoisongnguoiviet.online/tieuduongbasauchinhhang?fbclid=IwAR07BzLc1JJC6HnQTiWtuhQdAIZpG4R7JXEe78T1qoP9cmYQTnaGmQVkpsU;
https://www.tieuduongbasau.xyz/
Trong các nội dung này cũng sử dụng hình ảnh của nghệ sĩ Quyền Linh để quảng cáo cho sản phẩm Tiểu đường Bà Sáu. Tuy nhiên, vào tháng 2 năm nay, trên tài khoản Facebook chính của của nam nghệ sĩ, anh đã đăng tải nội dung đính chính về việc không ký hợp đồng quảng cáo cho sản phẩm này.
Hiện, Cục An toàn thực phẩm đã chuyển thông tin vụ việc đến Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) - Công an thành phố Hà Nội.
Trong thời gian các cơ quan chức năng xử lý vụ việc, để bảo đảm an toàn sức khoẻ, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm Tiều đường Bà Sáu có thông tin theo Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo giả mạo. Trường hợp phát hiện sản phẩm có thông tin trên, thông báo ngay cho cơ quan chức năng của địa phương để xử lý theo quy định.
Liên quan tới việc sử dụng các thông tin giả để quảng cáo thực phẩm chức năng, lừa dối người tiêu dùng, vào ngày 31/7, Cục An toàn thực phẩm cũng đã đăng tải thông tin cảnh báo về việc tại website http://www.huongphuckhi.asia/, facebook https://www.facebook.com/100089719672293/posts/1166493740905296/?vh=e&extid=MSG-UNK-UNK-UNK-IOS_GK0T-GK1C và một số trang mạng xã hội đã lợi dụng hình ảnh và danh tính của PGS.TS. Trần Thị Hồng Phương, nguyên Phó Cục trưởng Cục Y, Dược cổ truyền Bộ Y để quảng cáo cho sản phẩm Hương Phục Khí.
Đồng thời, tại các đường link nêu trên có đăng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 204/2019/ĐKSP ngày 08/01/2019 và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 1312/2020/XNQC-ATTP ngày 13/4/2019. Cục An toàn thực phẩm khẳng định các giấy tờ này là giấy tờ giả mạo, không có sản phẩm tên Hương Phục Khí đăng ký tại Cục An toàn thực phẩm.
Hiện, vụ việc cũng đang được Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý vụ việc, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm Hương Phục Khí được quảng cáo vi phạm nêu trên, tránh thiệt hại về kinh tế và sức khỏe.
Trước đó, vào ngày ngày 16/6 ,Cục An toàn thực phẩm cũng đưa ra thông tin cảnh báo về việc quảng cáo và bán sản phẩm Thyroid Medication kèm theo Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm giả mạo và có ghi sản phẩm thuộc nhóm điều trị tuyến giáp trên mạng xã hội.
Cục An toàn thực phẩm cho hay nhận được phản ánh trên Facebook có quảng cáo và bán sản phẩm THYROID MEDICATION kèm theo giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm giả mạo và có ghi sản phẩm thuộc nhóm điều trị tuyến giáp.
Cục An toàn thực phẩm đã chuyển thông tin vụ việc đến Công an TP.HCM.
Trên cơ sở công văn trả lời của Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an quận Tân Bình, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm của sản phẩm THYROID MEDICATION nêu trên là giả mạo.
Trên các trang quảng cáo, sản phẩm này được giới thiệu là được nhập khẩu từ Đức, điều trị ung thư, điều trị u tuyến giáp - u bướu, u xơ tử cung, u nang buồng trứng...
Thái An
TIN LIÊN QUAN
-
Cảnh báo: Sử dụng giấy tờ giả để quảng cáo sản phẩm Hương Phục Khí
-
Cảnh báo: Xuất hiện nhiều thuốc giả mang nhãn mác Rotexmedica sản xuất, Rotex Việt Nam nhập khẩu
-
Cảnh báo: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kacyf Aquami vi phạm quy định quảng cáo
-
Cảnh báo: TPBVSK Reishi Kids® Protect 'nổ' quảng cáo, lừa dối người tiêu dùng