Cảnh báo: 1000 game di động và ứng dụng đang nghe lén điện thoại người dùng
Theo thông tin được đăng tải trên tờ New York Times, đã xác định được hơn 250 trò chơi trên Cửa hàng Google Play và App Store có đính kèm một loại phần mềm đặc biệt để giám sát thói quen xem TV của người dùng. Phần mềm này được phát triển bởi một công ty có tên Alphonso và những app tích hợp công cụ này thường không nói rõ chúng đang làm những gì và đều cố ý giấu tính năng theo dõi hành vi xem TV bằng cách để xuống cuối đoạn Descriotion trên Google Play. Tức là mặc định nó sẽ bị ẩn đi và người dùng phải nhấn nút Read More thì mới thấy.
Sử dụng micro của smartphone, phần mềm này có thể thu thập chi tiết những chương trình TV mà người dùng đang xem bằng cách xác định tín hiệu âm thanh trong quảng cáo và nội dung chương trình. Thậm chí, nó còn có thể so sánh để kết hợp thông tin đó với dữ liệu vị trí của người dùng. Các thông tin này sau đó có thể được sử dụng để các công ty tiếp thị nhắm mục tiêu quảng cáo chính xác hơn.
Được biết, phần mềm được tích hợp vào các trò chơi và ứng dụng trên đều có thể phát hiện âm thanh ngay cả khi người dùng đang đặt smartphone ở trong túi, nếu ứng dụng đang được chạy ẩn.
Trước vấn đề này, Alphonso từ chối cho biết có bao nhiêu người dùng đã bị thu thập dữ liệu cũng như không thể tiết lộ tên của khoảng 1.000 trò chơi và ứng dụng đã sử dụng phần mềm của mình. Cùng với đó, đại diện của công ty cũng cho biết thêm rằng phần mềm không ghi lại lời nói của người dùng và theo như mô tả ứng dụng cùng chính sách bảo mật thì công ty không thể truy cập vào micro và địa điểm trừ khi được cho phép.
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra tình trạng trên, Ủy ban Thương mại Liên bang tại Mỹ FTC đã từng cảnh báo nhiều công ty có hành vi này trong quá khứ. Vào năm 2016, hàng loạt các nhà phát triển ứng dụng Android đã sử dụng một loại công cụ tương tự tên là SilverPush và đã bị FTC buộc phải thông báo cho người dùng về những thông tin mà ứng dụng này thu thập và vì sao lại cần thu thập.
Còn trong năm 2017, hãng Vizio đã phải chi ra 2,2 triệu USD để dàn xếp các vụ kiện liên quan tới việc Smart TV của hãng theo dõi và bán thông tin khách hàng mà không có sự cho phép của người dùng.
Ứng dụng Facebook trên di động cũng đã từng bị cáo buộc sử dụng micro để ghi âm mọi âm thanh xung quanh người dùng. Theo đó, công cụ ghi âm được tích hợp sẵn để phục vụ mục đích quảng cáo của mạng xã hội lớn nhất hành tinh.
Không chỉ tìm các quảng cáo phù hợp, Facebook còn bị nghi đang tìm cách ăn cắp thông tin cá nhân của mọi người dù họ không dùng mạng xã hội.
Sau những cáo buộc này, đại diện Facebook cũng thừa nhận ứng dụng trên di động của hãng có khả năng nghe mọi âm thanh xung quanh người dùng. Tuy nhiên, hãng trấn an rằng tính năng này chỉ giúp mạng xã hội hiểu các thành viên của mình hơn và hiển thị các quảng cáo phù hợp với sở thích và mối quan tâm của họ.
Tuy nghiên, một người phát ngôn khác của Facebook lại trả lời The Independent rằng: "Hãng không hề nghe lén người dùng phục vụ mục đích quảng cáo hay kiểm soát bảng tin. Các nhãn hàng chỉ có thể tìm tập khách hàng mục tiêu dựa trên sở thích và thông tin cá nhân của họ chứ không phải từ dữ liệu ghi âm của Facebook".
- Chân dung chàng trai 17 tuổi "vạch mặt" Apple chơi xấu
- Rò rỉ sáng chế màn hình cuộn có cảm biến vân tay của Samsung
- Top 5 điện thoại dưới 4 triệu có bảo mật vân tay đáng mua nhất 2018
Linh Hà(t/h)