Các nhà khoa học phát triển máy tính chạy bằng tảo lục lam
Các nhà khoa học đã sử dụng tảo để cung cấp năng lượng cho một chip máy tính năng lượng thấp trong 6 tháng.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Cambridge đã niêm phong một đàn vi khuẩn lam, với tên gọi tảo lục lam, bên trong một vỏ bọc kim loại có kích thước bằng một cục pin AA. Theo New Scientist, thiết bị này sau đó được để trên bệ cửa sổ, nơi tảo quang hợp, tạo ra một dòng điện cực nhỏ cung cấp năng lượng cho chip ARM Cortex-M0 +.
Hệ thống này chỉ mang tính khái niệm, nhưng những người tạo ra hy vọng những con chip chạy bằng tảo có thể được sử dụng trong các thiết bị hỗ trợ mạng trong tương lai. Họ nói rằng lợi thế của việc sử dụng tảo so với pin truyền thống hoặc năng lượng mặt trời là nó có tác động tới môi trường nhỏ hơn và có khả năng cung cấp năng lượng liên tục.
Giáo sư Christopher Howe - tác giả chính của bài báo cho biết: “Các thiết bị hỗ trợ mạng ngày càng phát triển cần một lượng điện năng ngày càng tăng và chúng tôi nghĩ rằng điều này sẽ phải đến từ các hệ thống có thể tạo ra năng lượng, thay vì chỉ lưu trữ nó như pin”.
“Thiết bị quang hợp của chúng tôi không hoạt động theo cách của pin vì nó liên tục sử dụng ánh sáng làm nguồn năng lượng”, ông nói thêm.
Theo báo cáo của New Scientist, chip ARM chạy bằng tảo được sử dụng để thực hiện các phép tính rất cơ bản, trong đó nó tiêu thụ 0,3 microwatt một giờ. Mặc dù mức sử dụng năng lượng của các máy tính bình thường khác nhau dựa trên các yếu tố như khối lượng công việc và tuổi tác, nhưng đây là một phần nhỏ của lượng điện cần thiết để chạy một máy tính trung bình. Nếu một máy tính để bàn bình thường tiêu thụ 100 watt điện một giờ, sẽ cần khoảng 333.000.000 "pin" tảo để máy tính hoạt động.
Các nhà nghiên cứu dự án sẽ cần phải mở rộng quy mô giải pháp của họ, nhưng họ nói rằng các nguyên nhân cơ bản của việc tạo ra năng lượng từ tảo đang được cải thiện. Họ nói rằng tảo họ sử dụng không cần cho ăn, chúng tự tạo ra thức ăn từ ánh sáng mặt trời tự nhiên và có thể tiếp tục sản xuất năng lượng vào ban đêm dựa trên năng lượng dự trữ vào ban ngày.
Tiến sĩ Paolo Bombelli - tác giả đầu tiên của bài báo cho biết: “Chúng tôi rất ấn tượng về cách hệ thống hoạt động ổn định trong một thời gian dài và chúng tôi nghĩ rằng nó có thể dừng lại sau vài tuần nhưng nó vẫn tiếp tục phát triển”.
Mặc dù sử dụng tảo theo cách này rất bất thường, nhưng đây cũng là một phần của lĩnh vực nghiên cứu đang phát triển với tên gọi “quang điện sinh học”. Mục đích của lĩnh vực này nhằm khai thác năng lượng được tạo ra bởi các vi sinh vật sinh học chuyển đổi ánh sáng thành điện năng một cách tự nhiên thông qua quá trình quang hợp.
Mặc dù quá trình này kém hiệu quả, với việc thực vật chỉ hấp thụ 0,25% năng lượng của ánh sáng mặt trời (so với 20% được hấp thụ trong các tấm pin mặt trời), những người ủng hộ cho biết các hệ thống năng lượng quang điện sinh học có thể sản xuất với giá thành thấp và thân thiện với môi trường. Trong tương lai, họ hy vọng tảo có thể hoạt động như các trạm phát điện di động trên mặt nước bên cạnh các trang trại gió ngoài khơi.
Mỹ Linh