SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 16/10/2024
  • Click để copy

Bộ Y tế cập nhật phác đồ điều trị Covid-19 mới cho trẻ em

07:56, 23/02/2022
(SHTT) - Trước thực trạng số ca dương tính COVID-19 là trẻ em, trong đó có nhóm dưới 12 tháng tuổi có nguy cơ diễn tiến nặng gia tăng mạnh, Bộ Y tế mới đây đã cập nhật phác đồ điều trị mới cho nhóm bệnh nhân này.

Cụ thể, vào ngày 22/2/2022, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký ban hành Quyết định 405 kèm "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ở trẻ em" thay thế quyết định số 5155 kèm văn bản ban hành ngày 8/11/2021.

Trong hướng dẫn mới, Bộ Y tế cho biết SARS-CoV-2 gây bệnh ở cả người lớn và trẻ em, tuy nhiên gần đây, số trẻ F0 đang có xu hướng gia tăng. Phần lớn trẻ mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc nhẹ với biểu hiện viêm hô hấp trên hoặc tiêu hóa (55%), trung bình (40%), nặng (4%), nguy kịch (0,5%). Tuy nhiên, trẻ nhũ nhi dưới 12 tháng tuổi có nguy cơ cao diễn tiến nặng. Trẻ em mắc Covid-19 thường ở thể nhẹ vì thế tỷ lệ nhập viện và tử vong ít so với người lớn.

Hướng dẫn mới cũng nêu rõ những điều cần biết về việc chẩn đoán và điều trị Covid-19 cho trẻ em như sau:

Khi nào trẻ được xác định là F0?

Trước đó, ca bệnh được xác định là những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ và có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR. Còn trong hướng dẫn mới, Bộ Y tế xác định 4 trường hợp xác định mắc Covid-19 bao gồm:

  • Trẻ có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 bằng phương pháp phát hiện vật liệu di truyền của virus (rRT-PCR).
  • Trẻ tiếp xúc gần và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với SARS-CoV-2.
  • Trẻ có yếu tố dịch tễ, có biểu hiện lâm sàng nghi mắc Covid-19 và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính.
  • Trẻ có yếu tố dịch tễ và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính 2 lần liên tiếp (xét nghiệm lần 2 trong vòng 8 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm lần một với SARS-CoV-2. Trong trường hợp xét nghiệm nhanh kháng nguyên lần thứ 2 âm tính thì cần phải có xét nghiệm rRT-PCR để khẳng định.
64f6076a93287a762339

Trẻ mắc Covid-19 diễn biến nặng được chăm sóc tích cực với máy thở. Ảnh: Duy Hiệu. 

5 mức độ diễn tiến bệnh ở trẻ em F0

- Trẻ nhiễm không triệu chứng

Đây là những trường hợp trẻ được chẩn đoán xác định mắc Covid-19 nhưng không có bất kỳ biểu hiện lâm sàng nào.

- Mức độ nhẹ

Trẻ mắc Covid-19 có những triệu chứng không điển hình như sốt, đau họng, ho, chảy mũi, tiêu chảy, nôn, đau cơ, ngạt mũi, mất khứu/vị giác, không có triệu chứng của viêm phổi.

Nhịp thở của trẻ bình thường theo tuổi, không có biểu hiện của thiếu oxy, nồng độ oxy máu (SpO2) ≥ 96% khi thở khí trời. Về thần kinh, trẻ tỉnh táo, sinh hoạt bình thường, bú mẹ/ăn/uống bình thường. Các xét nghiệm X-quang phổi bình thường.

Tuy nhiên, với trẻ có bệnh nền như béo phì, phổi mạn tính, suy thận mạn, gan mật, dùng corticoid kéo dài, suy giảm miễn dịch, tim bẩm sinh… cần theo dõi sát vì dễ diễn biến nặng.

- Mức độ trung bình

Trẻ có triệu chứng viêm phổi nhưng không có các dấu hiệu của viêm phổi nặng và rất nặng, gồm: thở nhanh, SpO2 khoảng 94 - 95% khi thở khí trời. Về thần kinh, trẻ tỉnh táo, mệt, ăn/bú/uống ít hơn. X-quang phổi có tổn thương dạng mô kẽ, kính mờ (thường 2 đáy phổi).

- Mức độ nặng

Trẻ có triệu chứng viêm phổi nặng, chưa có dấu hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng, bao gồm thở nhanh, dấu hiệu co rút lồng ngực hoặc thở rên; trẻ khó chịu, quấy khóc, bú/ăn/uống khó; SpO2 khoảng 90 - < 94% khi thở khí trời. X-quang phổi có tổn thương dạng mô kẽ, kính mờ lan tỏa ≥ 50% phổi.

- Mức độ nguy kịch

Trẻ được chẩn đoán nguy kịch khi có một trong các dấu hiệu sau: Suy hô hấp nặng, SpO2 < 90% khi thở khí trời, cần đặt nội khí quản thông khí xâm nhập.

Các dấu hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng: Tím trung tâm; thở bất thường, rối loạn nhịp thở. Về thần kinh, ý thức của trẻ giảm, khó đánh thức hoặc hôn mê; trẻ bỏ bú/ăn hoặc không uống được; hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS); huyết áp tụt, sốc, sốc nhiễm trùng; suy đa tạng; cơn bão cytokine.

Trong hướng dẫn mới này, Bộ Y tế xác định hội chứng viêm đa hệ thống (MIC-S) ở trẻ em mắc Covid-19 hiếm gặp, thường gặp ở giai đoạn muộn sau nhiễm SARS-CoV-2 khoảng 2-6 tuần, đây là biến chứng nặng có thể gây tử vong và có xu hướng gia tăng.

Đưa Remdesivir vào phác đồ điều trị trẻ em F0

thuoc remdesivir

 

Thuốc kháng virus Remdesivir lần đầu được đưa vào phác đồ điều trị Covid-19 ở trẻ em.

Thuốc được chỉ định điều trị cho người bệnh nội trú thể nhẹ có ít nhất một yếu tố nguy cơ, hoặc người bệnh suy hô hấp phải thở oxy, áp lực dương liên tục, oxy dòng cao, thở máy không xâm nhập; Nên phối hợp với thuốc chống viêm dexamethason.

Remdesivir không được dùng trong trường hợp có phản ứng quá mẫn với bất kỳ thành phần của thuốc; người suy chức năng thận, tăng enzym gan, có dấu hiệu viêm gan trên lâm sàng; suy chức năng đa cơ quan nặng.

Liều dùng:

- Trẻ em < 12 tuổi, cân nặng 3,5 - 4 kg: ngày đầu tiên dùng liều 5 mg/kg/liều, những ngày sau dùng 2,5 mg/kg/liều (2-5 ngày) truyền tĩnh mạch.

- Trẻ em ≥ 12 tuổi và cân nặng ≥ 40 kg: ngày đầu tiên dùng liều 200 mg, từ ngày thứ hai trở đi dùng liều 100 mg truyền tĩnh mạch.

Thời gian dùng: 5 ngày. Nếu sau 5 ngày điều trị, tình trạng lâm sàng không cải thiện hoặc bệnh tiến triển nặng hơn thì xem xét điều trị tiếp cho đến 10 ngày.

Linh An

Tin khác

Tin tức 16 giờ trước
(SHTT) - Thời gian gần đây, trên các mạng xã hội, đặc biệt là Tiktok, trào lưu 'bắt pen' đang xuất hiện tràn lan. Chuyên gia y tế cảnh báo, khi tham gia, người chơi sẽ phải đối mặt với nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí là đột quỵ
Tin tức 16 giờ trước
(SHTT) - Về đích NTM sớm hơn kế hoạch, huyện Triệu Sơn đặt ra mục tiêu về đích NTM nâng cao vào năm 2024. Theo đó, huyện đã nhanh chóng phát huy nội lực, tăng tốc để nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Tin tức 18 giờ trước
(SHTT) - Minh Tiến là một trong ba xã của huyện Ngọc Lặc cán đích Nông thôn mới (NTM) năm 2024. Đây là kết quả đáng tự hào sau hơn 10 năm đồng lòng, chung sức nỗ lực vượt khó của cả hệ thống chính trị và nhân dân.
Tin tức 20 giờ trước
(SHTT) - Sáng 14/10, tại Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Hà Nội lần thứ VIII, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thể hiện trách nhiệm, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác Hội và phong trào thanh niên nhiệm kỳ qua, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động nhiệm kỳ tới.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Chuyển đổi số đang là một trong những trọng tâm trong hoạt động của Đảng, Nhà nước, vì vậy, theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, cần có đột phá chiến lược cho chuyển đổi số, trong đó có đột phá về thể chế số, hạ tầng số, dữ liệu số và cán bộ số.
Liên kết hữu ích