SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 29/04/2024
  • Click để copy

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Cần nâng cao vị thế, phát triển, đổi mới lực lượng nhà giáo

14:24, 15/08/2023
(SHTT) - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn hy vọng lực lượng nhà giáo cần phải tự đổi mới. Tự đổi mới mình, đổi mới bản thân từ quan niệm, nhận thức tới phương pháp, không sợ hãi, e ngại, né tránh đổi mới bản thân.

 Phát biểu tại chương trình "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục" sáng ngày 15/8, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Nguồn lực quan trọng nhất của giáo dục là nhà giáo, nhân tố quyết định thành công chất lượng giáo dục là nhà giáo. Chất lượng đội ngũ nhà giáo sẽ quyết định chất lượng đổi mới của ngành giáo dục.

Ở thời điểm này lực lượng nhà giáo có gần 1,6 triệu, cả giáo viên mầm non, phổ thông, thường xuyên, cao đẳng, đại học và các tổ chức giáo dục khác. Đây là lực lượng hùng hậu, vốn rất quý của ngành để chúng ta hoàn thành các mục tiêu to lớn, vẻ vang mà ngành giáo dục đặt ra, Chính phủ giao phó.

Bộ trưởng chia sẻ tâm tư: "Lãnh đạo Bộ xác định phát triển đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, bền vững nhất, quyết định nhất để hoàn thành nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục; việc phát triển đội ngũ nhà giáo là giải pháp của mọi giải pháp; nhà giáo là tài sản quý nhất của ngành chúng ta.

Lãnh đạo Bộ sẽ cố gắng làm mọi việc, mọi biện pháp để có thể nâng cao vị thế, phát triển lực lượng nhà giáo, đổi mới lực lượng nhà giáo. Có những việc đã làm được, chưa làm được, có thể không làm được nhưng trong suy nghĩ, tình cảm và hành động của tôi và các đồng nghiệp, các cán bộ quản lý ở Bộ thì luôn luôn đau đáu".

nha giao

 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng gửi gắm những điều mong đợi tới các nhà giáo: "Điều thứ nhất là cần thực hiện thật tốt Chương trình GDPT 2018. Chương trình GDPT 2018 là một nhân tố mới rất quan trọng, đây là cơ hội lớn cho chúng ta. Khi nhận nhiệm vụ làm Bộ trưởng, đọc chương trình mới, tôi ngạc nhiên là một chương trình mới, hiện đại như vậy mà mấy năm trước đã được thông qua các cấp và đưa vào thực tế.

Đưa được chương trình vào triển khai thực tế là cơ hội của ngành, của chúng ta. Chương trình rất nhiều cái mới, sự tiếp nhận của cái mới không mấy dễ dàng. Dù chương trình mới còn điểm này, điểm khác phải điều chỉnh, nhưng nhìn chung chương trình được đánh giá là mới, hiện đại, là chỗ dựa cho thay đổi giáo dục; chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực".

Bên cạnh đó, ông cũng hy vọng lực lượng nhà giáo cần phải tự đổi mới. Tự đổi mới mình, đổi mới bản thân từ quan niệm, nhận thức tới phương pháp, không sợ hãi, e ngại, né tránh đổi mới bản thân. Ai cũng có thể làm được, vấn đề có dám làm hay không. Cái gì mới chưa biết, chưa hiểu, chưa thuần thục cùng tìm hiểu.

Cùng với đó, cần thay đổi vai trò, vị trí của nhà giáo. Nhà giáo từ chỗ là người chủ yếu truyền thụ kiến thức chuyển sang là người tổ chức, dẫn dắt, hướng dẫn, hỗ trợ cho học sinh để học sinh tự hình thành năng lực, tự tích luỹ kiến thức. Sự thay đổi này hết sức quan trọng mà mỗi nhà giáo cần ý thức được.

Cũng theo Bộ trưởng, cần thay đổi từng môn học, vị trí từng môn học. "Mới đây tại Hội nghị Toán học toàn quốc, tôi có trao đổi với các nhà Toán học về đổi mới dạy và học môn Toán ở bậc phổ thông. Đây là thay đổi tư duy chứ không chỉ mải miết dạy cho học sinh giải Toán. Chúng ta phải đổi mới giáo dục môn Ngữ văn, lấy đó làm công cụ để phát triển về tinh thần, đạo đức, thẩm mỹ, thái độ của học sinh. Chúng tôi phải đổi mới các môn học, nhất là những môn học mới, môn học chăm chút cho sự phát triển toàn diện. Sự thay đổi của từng môn học cụ thể ấy gộp lại sẽ mang lại sự thay đổi thực sự theo chiều sâu trong giáo dục", Bộ trưởng chia sẻ.

Không chỉ vậy, nhà giáo cần thay đổi quan niệm và cách sử dụng sách giáo khoa - đây là điểm quan trọng. Trong giai đoạn trước chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào sách giáo khoa, sách giáo khoa là chỗ dựa, dạy phải theo đó, học phải theo đó, kiểm tra không được ra ngoài, học gì phải thi đó. Chúng ta bị khuôn hẹp, bị khuôn cứng, bị lệ thuộc vào sách giáo khoa.

Giáo viên trong các cơ sở giáo dục phổ thông cũng cần điều chỉnh cả thói quen trong chuyên môn và sinh hoạt tập thể. Vai trò của giáo viên trong chương trình giáo dục phổ thông mới được nhiều quyền hơn, chủ động hơn – cần được phát huy. Giáo viên có quyền quyết định các nội dung, tuần tự bài học, tổ chức kiểm tra đánh giá – điều này vốn chưa từng có trước đây.

Minh Thư

Tin khác

Tin tức 14 giờ trước
(SHTT) - Bộ GD&ĐT vừa có văn bản yêu cầu các trường học trên toàn quốc kiểm tra, đánh giá hoạt động của các công trình nước sạch, công trình vệ sinh trong trường.
Tin tức 14 giờ trước
(SHTT) - Từ ngày 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5, thí sinh đang học lớp 12 sẽ chính thức thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến. Dự kiến năm nay có trên 1 triệu thí sinh sẽ đăng ký tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tin tức 17 giờ trước
Văn phòng tư vấn về sở hữu trí tuệ miễn phí sẽ được đặt tại 31 Hàn Thuyên, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM, với kỳ vọng thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo cho nhiều doanh nghiệp, trường đại học, sinh viên,…
Tin tức 18 giờ trước
(SHTT) - Theo thông tin từ Hội Hóa học Việt Nam, cả 10 học sinh Việt Nam tham gia kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế Mendeleev lần thứ 58, năm 2024 đều đạt giải với 1 huy chương Vàng, 5 huy chương Bạc và 4 huy chương Đồng. Với thành tích này, Việt Nam xếp hạng 3 toàn đoàn.
Tin tức 1 ngày trước
Tạp chí Tiếp thị & Gia đình vừa bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Tánh (bút danh Pha Lê) làm Trưởng VPĐD miền Nam.