SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 05/05/2024
  • Click để copy

Bình Dương phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao

09:21, 01/12/2015
Với lợi thế do thiên nhiên ưu đãi, thời gian qua, cùng với việc phát triển công nghiệp và đô thị, tỉnh Bình Dương chú trọng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao (KTC). Những cách làm hay, mô hình hiệu quả xuất hiện ngày càng nhiều, hứa hẹn tạo ra những đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội.

Những mô hình tiên phong

Chúng tôi đến thăm Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái tại xã An Thái, huyện Phú Giáo do Công ty cổ phần nông nghiệp U&I (Unifarm) làm chủ đầu tư vào một ngày cuối tháng 11. Đi một vòng quanh khu sản xuất rộng 412 ha với những vườn chuối, vườn quýt, vườn rau xanh tốt, Tổng Giám đốc Unifarm Phạm Quốc Liêm cho biết: Tất cả được trồng theo công nghệ hiện đại, kiểm soát tự động bằng máy tính, kết hợp phần mềm quản lý trang trại chuyên nghiệp của I-xra-en, có khả năng điều khiển từ xa qua in-tơ-nét để tưới nước và bón phân tự động, kiểm tra EC, pH và xử lý nước tưới, thông gió nhà kính, hiển thị và giải quyết sự cố.

Tại trang trại rộng hơn 5 ha của ông Lê Văn Dương ở xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, chúng tôi không khỏi trầm trồ khi được chủ nhân cho biết, chỉ sau ba năm đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại theo quy trình khép kín, để nuôi 120 nghìn gà đẻ, đến nay lợi nhuận thu hằng năm cả chục tỷ đồng. "Ba năm trước, tôi tập trung đầu tư công nghệ tiên tiến của nước ngoài, bảo đảm về môi trường, vệ sinh, giảm khả năng lây bệnh, nhờ vậy, tỷ lệ đẻ trứng của gà luôn đạt hơn 95% tổng lượng đàn” - ông Dương nói.

Với phương pháp thủy canh theo công nghệ Ô-xtrây-li-a trên diện tích 2 ha, mỗi năm, trang trại trồng cà chua của ông Nguyễn Văn Đẹp ở xã Phú An, thị xã Bến Cát, thu lợi nhuận cả tỷ đồng. Cây trồng được cách ly tuyệt đối với môi trường bên ngoài, tưới nước, bón phân bằng hệ thống tự động, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí nhân công. Theo ông Đẹp, mỗi năm, trang trại sản xuất hai vụ, năng suất bình quân đạt 150 tấn/ha/vụ. Với chất lượng tốt, hình thức đẹp, giá cà chua của trang trại luôn ổn định khoảng 15 nghìn đồng/kg.

Còn tại xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, trang trại lan den-do rộng hơn 4 ha của ông Mai Quốc Thái đã trở thành địa chỉ quen thuộc của khách hàng trong và ngoài nước, cho thu nhập mỗi năm hơn 2 tỷ đồng, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.

Khơi thông nguồn lực

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Dương, đến nay, toàn tỉnh có 1.622 ha cây trồng ứng dụng KTC trong sản xuất; gần 5,2 triệu con gà (chiếm 72,2% tổng đàn tại tỉnh) được nuôi theo công nghệ tiên tiến, tập trung chủ yếu tại các doanh nghiệp và trang trại lớn. Nhiều phương pháp kỹ thuật mới được áp dụng, giảm chi phí công lao động, tăng thu nhập cho nông dân, như sản xuất rau trong nhà lưới; sử dụng hệ thống tưới tự động, nhỏ giọt và phun sương theo công nghệ tự động hóa được chuyển giao từ I-xra-en; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý trang trại… Nhờ vậy, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có doanh thu đạt 500 đến 600 triệu đồng/ha/vụ.

Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Bình Dương Phạm Văn Bông cho biết: Tỉnh đã quy hoạch và triển khai bốn khu nông nghiệp KTC với tổng diện tích gần 980 ha. Cụ thể: Tại xã An Thái (huyện Phú Giáo), quy mô 412 ha do Unifarm làm chủ đầu tư; tại xã Hiếu Liêm (huyện Bắc Tân Uyên), quy mô 78,5 ha do Công ty TNHH sản xuất thương mại Tiến Hùng làm chủ đầu tư; tại xã Tân Hiệp và Phước Sang (huyện Phú Giáo), quy mô gần 472 ha do Công ty cổ phần đường Bình Dương làm chủ đầu tư; tại xã Vĩnh Tân (thị xã Tân Uyên), quy mô 17,6 ha do Công ty TNHH Ba Huân đầu tư. Hiện, một số sản phẩm của các khu nông nghiệp này đã được đưa vào hệ thống siêu thị trong nước và xuất khẩu rất hiệu quả.

Từ chủ trương đúng đắn đến việc chọn lựa nhà đầu tư phù hợp, đã tạo sự cộng hưởng, khơi thông được nguồn lực cho đầu tư ở Bình Dương. Điển hình như, Khu nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao An Thái được UBND tỉnh Bình Dương cấp Giấy chứng nhận đầu tư đầu năm 2010, đến nay, Unifarm đã đầu tư 200 tỷ đồng để thực hiện, trồng kín 380 ha diện tích canh tác, gồm: 340 ha cây ăn quả; 10 ha cây cảnh; 10 ha rau an toàn và 20 ha các loại cây trồng khác. Trong các loại cây ăn quả, có 180 ha chuối được trồng theo tiêu chuẩn Nhật Bản, Hàn Quốc; 140 ha cây có múi sản xuất theo quy trình VietGAP. Không chỉ phủ xanh diện tích bằng cây trồng ứng dụng công nghệ cao, Unifarm đã tiến tới chuyển giao công nghệ ra bên ngoài.

Dự án do Công ty TNHH Ba Huân đầu tư đã thực hiện đạt 100%; dự án của Công ty TNHH sản xuất thương mại Tiến Hùng đạt gần 70%; dự án của Công ty cổ phần đường Bình Dương đang triển khai trên diện rộng…

Nhân rộng những mô hình

Mặc dù đến cuối năm 2014, mặc dù tỷ trọng ngành nông nghiệp chỉ còn chiếm 3% trong cơ cấu kinh tế của Bình Dương, nhưng giá trị tuyệt đối lại tăng đáng kể. Theo đó, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đạt 14.272 tỷ đồng, tăng 15,6% so với năm 2010. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ từ sản xuất nông nghiệp KTC. Không chỉ vậy, nông nghiệp KTC còn góp phần tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, gắn kết chặt chẽ mối quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp, tạo nền tảng cho nông nghiệp hội nhập.

Những mô hình nông nghiệp KTC hiệu quả bước đầu đã có sự lan tỏa không chỉ trong phạm vi tỉnh Bình Dương. Với dự án của Unifarm, ngoài tạo việc làm cho 400 công nhân tại địa phương, doanh nghiệp này đã ký hợp đồng chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm chuối cho một số trang trại trong tỉnh và ở tỉnh Tây Ninh với diện tích hàng chục ha. Qua khảo nghiệm thực tế, Unifarm xác định chuối là loại cây trồng có thể phát triển lên đến hàng nghìn ha, do thổ nhưỡng phù hợp và nhu cầu tiêu thụ trên thị trường thế giới rất lớn. Do vậy, Unifarm sẽ tập trung phát triển mạnh vùng trồng chuối theo tiêu chuẩn quốc tế, trong đó chú trọng việc hợp tác các trang trại, nông hộ để chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Tuy vậy, để nông nghiệp KTC phát triển mạnh vẫn còn không ít khó khăn. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương Phạm Văn Cành nhận định: Một số dịch vụ, vật tư phục vụ cho nông nghiệp KTC còn phụ thuộc vào nhập khẩu, cho nên giá thành cao, do đó, việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ kỹ thuật cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Vốn đầu tư ban đầu để hình thành các khu nông nghiệp KTC lớn, do vậy vẫn còn ít nhà đầu tư vào cuộc. Trong khi đó, việc áp dụng các chính sách hỗ trợ cho các khu nông nghiệp KTC lại chưa có quy định, tiêu chí cụ thể. Sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước so với nước ngoài còn yếu, nhất là việc sản xuất thức ăn gia súc, chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm… Tuy nhiên với những gì đã đạt được từ chủ trương đúng đắn, tầm nhìn thông thoáng, chắc chắn những mô hình nông nghiệp KTC sẽ xuất hiện nhiều hơn tại Bình Dương. Khi ấy, những khó khăn nêu trên sẽ dần được khắc phục, và nhắc đến Bình Dương, nhiều người không chỉ biết là một trong những tỉnh đi đầu trong tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa…

Tin khác

Kinh tế 4 giờ trước
(SHTT) - Báo cáo tài chính quý I/2024 của các hãng hàng không nội địa ghi nhận mức doanh thu tăng trưởng ấn tượng so với con số thua lỗ của cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Triển lãm Quốc tế ngành sữa và sản phẩm sữa lần thứ 4 tại Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 30/5 đến 2/6 tại TPHCM, quy tụ gần 200 gian hàng là các thương hiệu, sản phẩm.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu “hạt tiêu” trong hơn 20 năm qua. Mặc dù giá tiêu liên tục tăng, tuy nhiên giá mặt hàng này của nước ta lại xếp chót bảng so với các nước xuất khẩu trên thế giới.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 4/2024 ước đạt 520 triệu USD, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 4 tháng qua, xuất khẩu ngành hàng này mang về 1,804 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Thực hiện chỉ đạo của Cục QLTT tỉnh, thời gian qua, các phòng chuyên môn, Đội QLTT các địa phương đã sớm xây dựng kế hoạch kiểm soát thị trường; chủ động phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn.