SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 02/05/2024
  • Click để copy

11 huyện miền núi Thanh Hoá được đầu tư hơn chục nghìn tỷ đồng cho phát triển kinh tế - xã hội

14:32, 11/08/2023
(SHTT) - Gần 3 năm qua Thanh Hoá đã đầu tư hơn 11 nghìn tỷ đồng cho phát triển kinh tế- xã hội khu vực miền núi tại 11 huyện trên địa bàn.

Phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi được tỉnh Thanh hoá đặc biệt quan tâm, từ năm 2021 Thanh Hoá đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành 11 huyện miền núi tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả chương trình phát triển kinh tế- xã hội khu vực miền núi tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2021-  2025. 

kt mnui

Thanh Hóa: Tạo mọi điều kiện để 11 huyện miền núi vươn lên phát triển

 Trong 3 năm giai đoạn 2021- 2023 tỉnh Thanh Hóa đã bố trí được hơn 11.446 tỷ đồng (trong đó vốn Trung ương hơn 6.429 tỷ, vốn ngân sách tỉnh hơn 1.725 tỷ, vốn huyện, xã và huy động hợp pháp khác hơn 2.963 tỷ đồng). Trong 28 chỉ tiêu, đến nay hoàn thành 9/28 chỉ tiêu đề ra, bằng 32,1%. Trong đó, nổi bật là lĩnh vực văn hóa – xã hội có chuyển biến tích cực, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện, trình độ dân trí được nâng lên. Tỷ lệ người dân biết chữ trong độ tuổi từ 15-35 tuổi đạt 99,51%; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh đạt 100%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi nhẹ cân chỉ còn ở mức 14,5%.

Công tác giảm nghèo được chú trọng, tỷ lệ hộ nghèo các huyện miền núi giảm từ 19,9% xuống còn 15,19% (giảm 4,81% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025); tỷ lệ hộ cần nghèo giảm từ 20,42% xuống còn 17,07%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 27,23% xuống còn 19,86%. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển, 100% đường giao thông đến trung tâm xã, trung tâm huyện hư hỏng được sửa chữa, nâng cấp; 100% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; tỷ lệ thôn, bản có nhà văn hóa - khu thể thao đạt 82,2%. Tình hình chính trị - xã hội được ổn định, quốc phòng – an ninh được củng cố.

gai xinh

Kinh tê - xã hội 11 huyện miền núi Thanh Hoá ngày càng khởi sắc

Kinh tế khu vực 11 huyện miền núi tiếp tục phát triển. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2022 đạt 385.406 tấn, tăng 15.579 tấn so với năm 2020; chăn nuôi phát triển theo hướng liên kết, hợp tác sản xuất, tập trung phát triển nhóm con nuôi đặc sản; đã phát triển được 129 trang trại chăn nuôi. Lâm nghiệp phát triển theo hướng bền vững, diện tích rừng trồng mới giai đoạn 2021-2023 ước đạt 33.427 ha, vượt kế hoạch đề ra; tỷ lệ che phủ rừng đạt 70,15%; diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC 26.844,66 ha, tăng 6.604,68 ha so với năm 2020; khai thác trên 2.176 nghìn m3 gỗ, 181 triệu cây tre luồng và 232 tấn nguyên liệu giấy. Chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển sản phẩm OCOP được quan tâm chỉ đạo thực hiện; đến nay, trên địa bàn 11 huyện miền núi có 61 xã, 645 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 72 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được công nhận.

Công nghiệp, xây dựng phát triển khá, giá trị sản xuất năm 2022 đạt 26.125 tỷ đồng, gấp 1,34 lần so với năm 2020. Tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất công nghiệp các lĩnh vực thế mạnh của khu vực miền núi như: chế biến nông, lâm sản; sản xuất đồ thủ công, mỹ nghệ; công nghiệp khai khoáng, vật liệu xây dựng. Đến nay, khu vực 11 huyện miền núi có 11 cụm công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 455,52 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 2.813,5 tỷ đồng. Dịch vụ, thương mại đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân. Hoạt động xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu, lối mở biên giới có bước phát triển, năm 2022 giá trị xuất, nhập khẩu qua biên giới đạt 267,1 triệu USD (trong đó, xuất khẩu 262,6 triệu USD; nhập khẩu 4,5 triệu USD). Hoạt động du lịch tiếp tục có bước phát triển, nhất là du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; năm 2022 các huyện khu vực miền núi đón trên 1,43 triệu lượt khách, tăng 95% so với năm 2021 (trong đó, khách quốc tế trên 88.900 lượt), tổng thu du lịch ước đạt 1.980 tỷ đồng, tăng 132% so với năm 2021.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư. Đến nay, 100% đường ô tô từ thôn, bản đến trung tâm xã được cứng hóa; 68% đường giao thông thôn, bản được nhựa hóa, bê tông hóa; đã đầu tư xây dựng 135 công trình hồ chứa, đập, kênh mương từ nguồn vốn các Chương trình MTQG, Chương trình an toàn hồ, đập và xử lý đê địa phương, vốn vay WB… Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh ước đạt 93,6%, tăng 2,8% so với năm 2020 (trong đó, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế đạt 39,8%). Hoàn thành đầu tư hạ tầng cấp điện cho 23 thôn, bản của 06 huyện; năm 2023, tiếp tục đầu tư cấp điện cho 857 hộ dân thuộc 14 thôn, bản còn lại chưa có điện lưới quốc gia của 02 huyện (Thường Xuân, Mường Lát). Hạ tầng mạng lưới viễn thông, truyền hình được mở rộng; đến nay, có 2.904 trạm thu phát sóng thông tin di động và 363 trạm truy cập Internet, đảm bảo phủ sóng, cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, truyền hình đến 100% trung tâm các xã và 99,7% thôn, bản trên địa bàn.

Hoạt động văn hóa, thể thao được quan tâm; tỷ lệ thôn, bản có nhà văn hóa - khu thể thao đạt 82,2%; tỷ lệ thôn, bản, khu phố được công nhận danh hiệu khu dân cư văn hóa đạt 74,6%; tỷ lệ thôn, bản có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên đạt 56%. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn; tỷ lệ người dân biết chữ trong độ tuổi từ 15-35 tuổi đạt 99,5%; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường ngày càng tăng (mầm non 99,62%; tiểu học 99,9%; THCS 99,2%; THPT 87%). Đến nay, 100% số trường có phòng học kiên cố; có 449/616 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 72,8%, tăng 14,7% so với năm 2020. Ngành y tế tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; trên địa bàn có 12 bệnh viện, 175 trạm y tế; tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ đạt 91,4%; tỷ lệ xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế đạt 93,1%; tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt 81,5%. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được tăng cường; trên địa bàn 11 huyện miền núi hiện có 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 02 trường trung cấp nghề, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; từ năm 2022 đến nay, đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho 24.610 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 56,2%.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi còn một số khó khăn, hạn chế đó là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền một số địa phương trong triển khai thực hiện Chương trình còn thiếu chủ động, hiệu quả thấp. Còn 18/28 chỉ tiêu chưa đạt, trong đó có một số chỉ tiêu khó đạt kế hoạch như: thu nhập bình quân đầu người; tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ đồng bào dân tộc tham gia bảo hiểm y tế... Vùng dân tộc thiểu số và miền núi là khu vực khó khăn nhất tỉnh, chất lượng tăng trưởng chưa bền vững; kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu kém; đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế về năng lực chỉ đạo và công tác chuyên môn; trình độ dân trí còn thấp, một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính quyền; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao so với bình quân chung của tỉnh. Nguồn vốn ngân sách tỉnh bố trí thực hiện các đề án, dự án của Chương trình còn hạn chế; công tác huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện Chương trình gặp nhiều khó khăn... 

Nguyễn Khang

Tin khác

Tin tức 8 giờ trước
Trong những năm gần đây lượng khác du lịch đổ về Thanh Hóa rất lớn, riêng 5 ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay Thanh Hóa đã đón được khoảng 1,5 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt hàng ngàn tỉ đồng.
Tin tức 19 giờ trước
(SHTT) - Liên tục đưa ra thị trường các giải pháp chăm sóc da dựa trên khoa học và có nguồn gốc từ thiên nhiên, Kiehl's đã xây dựng danh tiếng cho mình như là nơi cung cấp mọi giải pháp đột phá trong chăm sóc da cho cả gia đình.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Tỉnh Quảng Ninh đạt được nhiều thành tựu to lớn, nổi bật, trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Làm việc xuyên đêm khiến nhiều sinh viên luôn trong tình trạng thiếu ngủ trầm trọng, ảnh hưởng đến kết quả học tập, sức khỏe sa sút,... Dẫu biết những hệ lụy nguy hiểm ẩn sau nguồn thu nhập của mình, nhiều bạn trẻ vẫn chấp nhận vì những lý do khác nhau.
Tin tức 2 ngày trước
Nhiều gian hàng với hàng trăm sản phẩm OCOP đặc trưng, tiêu biểu huyện Thiệu Hoá năm 2024.