SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

‘Vườn ươm’ nhỏ cho những nhà sáng chế trẻ

10:52, 21/10/2022
Hội tụ những sinh viên có chung niềm đam mê, Câu lạc bộ Nghiên cứu khoa học BK-Maker (TP Đà Nẵng) dù chỉ mới 5 tuổi đã khẳng định vị thế qua “cơn mưa” giải thưởng. Nơi đây như “vườn ươm” nhỏ của những nhà sáng chế trẻ tài năng, sáng tạo nhiều sản phẩm hữu ích cho cộng đồng.

Ra đời năm 2017, CLB BK-Maker (tiền thân là E-Maker) trực thuộc khoa Điện, Trường Đại học Bách Khoa TP Đà Nẵng là nơi hội tụ những sinh viên có chung đam mê nghiên cứu khoa học, sáng chế. Hiện CLB BK-Maker đang có 18 thành viên chính thức, gần 100 cộng tác viên đến từ nhiều khoa.

Nhiều sản phẩm của CLB BK-Maker đã được đón nhận như Robot vận chuyển thức ăn, Robot vệ sinh tấm pin năng lượng mặt trời, Hệ thống tái chế rác thải nhựa thành nhiên liệu cho máy in 3D,…

Những nhà sáng chế trẻ

CLB BK-Maker là một tên tuổi không mới trong làng sáng chế trong những năm gần đây khi “ẵm” nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi sáng tạo, khởi nghiệp. Trái ngược với sự hào nhoáng ấy, “đại bản doanh” của CLB tại trường Đại học Bách Khoa TP Đà Nẵng là căn phòng nhỏ đầy ắp cỗ máy đồ sộ phục vụ nghiên cứu. Góc tường xếp kín những bằng khen từ hàng chục cuộc thi sáng tạo.

Nguyễn Xuân Tiến – Phó Chủ nhiệm CLB chia sẻ để trở thành thành viên chính thức của CLB là hành trình gian nan cho các tân sinh viên. Các ứng viên đăng ký phải trải qua ba vòng thi. “Có sinh viên dự thi 2 - 3 lần nhưng chưa đáp ứng đủ yêu cầu sẽ được làm cộng tác viên và chờ đợi cơ hội”, Tiến kể.

Ở ngay bên cạnh, Lê Nhất Chính – Trưởng Ban Kỹ thuật của CLB niềm nở giới thiệu: “Em tham gia CLB từ năm nhất, trải qua nhiều kỷ niệm đẹp với các bạn ở nơi đây”.

CLB sang tao - anh 1

 CLB BK-Maker cùng nhau học tập sáng tạo

Ngày đầu khi mới tham gia CLB, Chính và Tiến đã hăm hở đưa ra ý tưởng sẽ lắp thiết bị cảm biến thông báo ở cổng phụ của trường, giúp việc đóng/mở cổng thuận tiện hơn. “Em nghĩ phải dùng kỹ thuật cao để hỗ trợ việc ra vào cổng trường cho sinh viên, nhưng sau khi thuyết trình ý tưởng với Ban Chủ nhiệm, em nhận ra có những thứ chỉ cần giải quyết đơn giản. Từ ý tưởng đó, em đã có bài học vỡ lòng về tư duy thiết kế, tư duy sáng tạo trước các vấn đề trong cuộc sống”, Tiến kể.

Xuân Tiến cho biết sau quá trình trưởng thành từ CLB, hiện chàng sinh viên trẻ đã tự tin trình bày ý tưởng, học hỏi từ người tiền nhiệm và thành viên khác. Ý tưởng của nhóm bạn trẻ đa phần khởi nguồn từ sự thấu hiểu những vất vả của người lao động, lấy nhu cầu của cộng đồng làm trung tâm nghiên cứu.

Vừa điều khiển con robot không dây ở góc phòng với 2 chế độ tự động và thủ công, có khả năng gấp gọn, Nhất Chính vừa nói: “Tấm pin năng lượng mặt trời khi bẩn làm giảm năng suất. Robot hỗ trợ sẽ giảm bớt gánh nặng thời gian, công sức, tiền bạc, thay người làm sạch bằng chổi lau và nước”.

Tiến sĩ Ngô Đình Thanh – giảng viên khoa Điện, Chủ nhiệm CLB kể lại: "Một ngày đầu mùa dịch Covid-19, sinh viên gặp tôi, trăn trở hỏi chúng ta có nên làm gì đó? Ba ngày sau CLB đã cho ra đời chiếc máy sát khuẩn tự động, công suất phục vụ 1.000 lượt/ngày."

“Có lúc đơn đặt hàng nhiều, lực lượng mỏng, tưởng như không thể tiếp tục. Dịch bùng phát mạnh, em Phan Thị Mai - thành viên nòng cốt của nhóm nhà ở Huế phải thuyết phục mãi bố mẹ mới cho vào lại Đà Nẵng làm việc một ngày, cùng các thành viên nâng cấp sản phẩm và trở về nhà ngay”, TS. Thanh nhớ lại.

Chiếc máy nhỏ qua nhiều phiên bản điều chỉnh trở nên tối ưu và được Bệnh viện Đà Nẵng đón nhận. Sau đó, Sở Y tế TP Đà Nẵng đặt mua 50 chiếc phân phát rộng rãi cho các đơn vị trực thuộc.

PGS.TS Đoàn Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng cho biết: “Sản phẩm không phức tạp song nghiên cứu chế tạo công phu để đạt được yêu cầu của bệnh viện, lượng phun sương vừa đủ, giọt không rơi xuống sàn”.

CLB sang tao - anh 2

 Thầy Thanh (áo trắng), Chủ nhiệm CLB chia sẻ kinh nghiệm với các bạn sinh viên.

Đó chỉ là vài sản phẩm, vài gương mặt nổi trội trong danh sách dài sản phẩm các nhà sáng chế trẻ BK-Maker đã làm.

Vận hành không gian sáng chế mơ ước

“Người cha” của BK-Maker, thầy Ngô Đình Thanh nói: “Trước đây, tôi thường mơ ước có một không gian sáng chế, đổi mới sáng tạo cho sinh viên”.

Ước mơ thành hiện thực khi không gian sáng chế nhỏ nhanh chóng là điểm đến yêu thích của sinh viên. CLB phối hợp liên ngành thay vì chỉ có khoa Điện, đã tạo ra những sản phẩm sáng tạo đa sắc khác biệt. Thầy Thanh từng bước mở rộng CLB dành cho sinh viên toàn trường.

BK-Maker dẫn dắt sinh viên “thực chiến”, phát triển tư duy thiết kế, kiến tạo những phiên bản mới mẻ phục vụ cộng đồng. “Mới đề xuất ý tưởng, Ban Giám hiệu cũng lo lắng việc sử dụng hiệu quả không gian, thiết bị. Tôi phải đứng ra cam kết”, thầy Thanh chia sẻ.

CLB sang tao - anh 3

 

Các chuyên gia, doanh nghiệp và thế hệ đầu của BK-Maker luôn sẵn sàng trở về “ngôi nhà chung” chia sẻ kinh nghiệm. Những kỹ năng như: Làm việc nhóm, tư duy thiết kế, kỹ năng mềm trở thành hành trang cho các em thỏa sức “vẫy vùng” sáng tạo.

CLB nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất từ Ban Giám hiệu, khoa Điện và các cựu sinh viên. Sau này, thầy và trò cùng bỏ thêm tiền nhận được từ các giải thưởng để nuôi đam mê, một số sản phẩm chất lượng có sự “đỡ đầu” kinh phí từ các doanh nghiệp.

“Khó khăn nhất là lúc đại dịch không gặp nhau nhưng vẫn tổ chức hoạt động chung như tập huấn, hội thảo trực tuyến để gắn kết thành viên”, TS. Thanh nói.

Tạo nên truyền thống của BK-Maker, các thế hệ tiếp nối nhau làm việc tại các tập đoàn lớn, đi trên con đường nghiên cứu khoa học, học lên thạc sĩ tại Đài Loan, Pháp, Tiến sĩ tại Hàn Quốc, học bổng quốc tế nghiên cứu tại châu Âu…

“Xuất phát điểm người dám khởi nghiệp chính là những sinh viên dám nghiên cứu khoa học công nghệ. UBND TP Đà Nẵng đang có chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tạo môi trường, khuyến khích đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương”, bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết.

Bảo Hòa

Tin khác

Khoa học Công nghệ 1 giờ trước
(SHTT) - Ngày 25/4, tại Hà Nội, "Triển lãm sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo" đã chính thức diễn ra. Chương trình với 20 gian hàng đến từ các đơn vị, doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ trở thành nơi hỗ trợ kết nối, xúc tiến giao dịch công nghệ.
Khoa học Công nghệ 3 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Bộ Giao thông vận tải Hàn Quốc đã có thông báo về việc các nhà sản xuất Hyundai, Kia và hai nhà sản xuất ô tô khác sẽ triệu hồi hơn 200.000 xe ô tô do phát hiện linh kiện bị lỗi được sử dụng lắp đặt.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Ông Trần Xuân Bách, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng sự sáng tạo và đổi mới đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày và một nhân tố quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và xã hội.
Khoa học Công nghệ 2 ngày trước
(SHTT) - VASA-1, công cụ AI mới của Microsoft, có thể chuyển đổi ảnh chân dung thành video nói hoặc hát với âm thanh cho trước một cách chân thực.
Khoa học Công nghệ 2 ngày trước
(SHTT) - Tối 23/4, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17 (2022 - 2023).
Liên kết hữu ích