SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 03/05/2024
  • Click để copy

Vừa vui mừng, vừa âu lo với vốn FDI

09:31, 24/09/2015
Quy mô của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được mở rộng nhanh chóng, trở thành một nguồn lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời kỳ hậu WTO. Tuy nhiên, chất lượng của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn là vấn đề cần quan tâm khi các doanh nghiệp FDI chủ yếu là gia công chế biến.

Đây là nhận định trong báo cáo giám sát của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có tên gọi “Kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO)”.

Động lực của nền kinh tế

Báo cáo cho biết, sau khi gia nhập WTO, huy động vốn đầu tư xã hội tiếp tục tăng về số tuyệt đối nhưng có sự chuyển dịch cơ cấu đầu tư đúng hướng: tỷ trọng đầu tư từ vốn nhà nước giảm dần và tỷ trọng từ khu vực ngoài nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng dần.

Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 21,7% tổng đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2014 (mức cao nhất sau khi Việt Nam gia nhập WTO là 30,9% năm 2008, thấp nhất là 21,6% năm 2012) cao hơn so với trước năm 2007 (năm 2005: 14,9%; năm 2006: 16,2%).

Giai đoạn 2007-2009 là giai đoạn bùng nổ vốn FDI. Năm 2007, vốn FDI đăng ký là 21,35 tỉ đô la Mỹ, gấp 1,78 lần so với năm 2006. Năm 2008 là năm thu hút vốn FDI đăng ký cao nhất, đạt 71,7 tỉ đô la Mỹ, gấp 3,36 lần so với năm 2007.

Sau đó, khi kinh tế thế giới gặp khủng hoảng, vốn FDI giảm dần từ năm 2009 đến năm 2011; tăng dần từ năm 2012 đến nay, và năm 2014 ở mức 21,9 tỉ đô la Mỹ vốn đăng ký.

Một số lĩnh vực có số vốn FDI đăng ký ở mức cao (lũy kế dự án còn hiệu lực đến hết năm 2014) là công nghiệp chế biến, chế tạo (141,4 tỉ đô la Mỹ); hoạt động kinh doanh bất động sản (48,3 tỉ đô la Mỹ).

FDI đã bổ sung nguồn vốn quan trọng cho phát triển kinh tế, trong giai đoạn 2007-2014 mức vốn FDI giải ngân tương đối cao. Mức vốn giải ngân năm 2007 là 8,03 tỉ đô la Mỹ; năm 2008 là 11,5 tỉ đô la Mỹ; năm 2009 là 10 tỉ đô la Mỹ; năm 2010 và 2011 là 11 tỉ đô la Mỹ; năm 2012: 10,05 tỉ đô la Mỹ; năm 2013: 11,5 tỉ đô la Mỹ; và năm 2014 là 12,5 tỉ đô la Mỹ.

Về tỷ trọng, đóng góp của khu vực FDI vào vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2007 là 24,3%, năm 2008 là 30,9%, năm 2009 là 25,6%, năm 2010 là 25,8%, năm 2011 là 24,5%, năm 2012 là 21,6%, năm 2013 là 21,9%, và năm 2014 là 21,7%, cao hơn so với trung bình 16% giai đoạn 2001-2006.

Bên cạnh đó, đóng góp của khu vực FDI trong GDP cũng tăng mạnh từ năm 2007 đến nay nhờ giá trị xuất khẩu của khu vực này tăng mạnh. Năm 2007 là 17,66% GDP (năm 2006: 17,02% GDP), năm 2008: 18,68% GDP; năm 2009: 18,33% GDP; năm 2010: 17,69% GDP; năm 2011: 18,05% GDP; năm 2012: 18,09% GDP; năm 2013: 19,55%; năm 2014: 20,09%.

Theo báo cáo của Chính phủ, giá trị xuất khẩu của khu vực FDI trung bình giai đoạn 2007-2014 là 56,06 tỉ đô la Mỹ (chiếm 61% tổng giá trị xuất khẩu cả nước), trong khi trung bình giai đoạn 2001-2006 là 13,48 tỉ đô la Mỹ (chiếm 53,7% tổng giá trị xuất khẩu cả nước).

Ngày càng ảnh hưởng

Năm 2014, khu vực FDI xuất khẩu đạt 93,96 tỉ đô la Mỹ, chiếm 62,5% tổng kim ngạch xuất khẩu và xuất siêu 9,74 tỉ đô la Mỹ. Ngoài ra, khu vực FDI tạo ra khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp và hàng triệu việc làm gián tiếp cho nền kinh tế.

Số liệu điều tra năm 2013 cho thấy khu vực này chiếm 26,6% tổng số lao động của nền kinh tế, chiếm 19,1% tổng vốn sản xuất kinh doanh bình quân của các loại hình doanh nghiệp, 25% doanh thu thuần sản xuất kinh doanh, 42,4% lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp (cao hơn so với số liệu điều tra năm 2009, lần lượt là 22%, 15,4%, 18,2% và 36,9%).

Một trong các ví dụ điển hình trong thu hút FDI là hoạt động của Samsung Việt Nam. Riêng nhà đầu tư này đã đóng góp khoản xuất siêu 10 tỉ đô la Mỹ trong 2 năm (năm 2013: 3,9 tỉ đô la Mỹ, năm 2014: 6,1 tỉ đô la Mỹ), tạo nguồn ngoại tệ dồi dào và góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô. Hoạt động của Samsung cũng góp phần tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh Thái Nguyên năm 2014 là 7,9 tỉ đô la Mỹ gấp hơn 80 lần so với năm 2010, xuất khẩu của tỉnh Bắc Ninh năm 2014 là 21,1 tỉ đô la Mỹ gấp 11,3 lần so với năm 2010.

Đoàn giám sát nhận định, quy mô của khu vực FDI được mở rộng nhanh chóng, trở thành một nguồn lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời kỳ hậu WTO. Tuy nhiên, chất lượng của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn là vấn đề cần quan tâm khi các doanh nghiệp FDI chủ yếu là gia công chế biến, tác động của FDI trong việc nâng cao trình độ công nghệ cho Việt Nam chưa rõ nét.

Có ý kiến chuyên gia cũng quan ngại nếu nguồn vốn FDI rút khỏi thị trường sẽ tác động xấu đến sự phát triển bền vững nền kinh tế Việt Nam. Tại Diễn đàn kinh tế mùa Xuân 2015 (ngày 21-22/4/2015), chuyên gia của Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng có bằng chứng cho thấy tốc độ tăng trưởng công nghiệp của Bắc Ninh năm 2014 giảm đáng kể (-4,9%) sau khi Samsung Việt Nam thay đổi hướng đầu tư.

Ngoài ra, đoàn giám sát cho biết, có sự lo ngại về hoạt động chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại đang diễn ra nhiều hơn trong các doanh nghiệp FDI. Theo báo cáo của 63 cục thuế, hơn 100 chi cục thuế trên cả nước, kết quả thanh tra năm 2013 tại 870 doanh nghiệp FDI thì có 720 doanh nghiệp vi phạm trốn thuế. Số tiền truy thu thuế tại doanh nghiệp FDI chiếm 40% tổng số truy thu thuế của cả nước. Ngoài ra, hàng loạt các công ty lớn có chuyển giá.

Tin khác

Kinh tế 3 phút trước
(SHTT) - Thực hiện chỉ đạo của Cục QLTT tỉnh, thời gian qua, các phòng chuyên môn, Đội QLTT các địa phương đã sớm xây dựng kế hoạch kiểm soát thị trường; chủ động phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn.
Kinh tế 21 giờ trước
(SHTT) - Theo điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15 giờ chiều nay (2/5), giá xăng tăng nhẹ. Mỗi lít xăng RON95 tăng 40 đồng, giá bán lên mức gần 25.000 đồng/lít.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Sau 6 ngày diễn ra (từ 26/4 đến 1/5), Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024 đã thu hút gần 56.000 lượt khách tham quan mua sắm, doanh thu đạt 17,9 tỷ đồng.
Kinh tế 5 ngày trước
(SHTT) - Theo số liệu từ Tổng cục hải quan, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đã đạt kim ngạch hơn 15 tỷ USD tính tới ngày 15/4.
Kinh tế 5 ngày trước
(SHTT) - Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh vừa có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.