SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 20/06/2025
  • Click để copy

Vụ sách Tiếng Việt lớp 1 bỏ dạy chữ 'p', 'q': Chủ biên nói gì?

15:13, 25/02/2022
(SHTT) - Trước những ý kiến băn khoăn của dư luận xung quanh việc dạy âm, vần trong sách Tiếng Việt lớp 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên cuốn sách đã lên tiếng.

Ông Bùi Mạnh Hùng khẳng định: Bảng chữ cái trong sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1 - bộ Kết nối có đầy đủ 29 chữ cái theo quy định của Bộ Giáo dục - đào tạo (trang 12, tập 1). Đây là quy định "cứng", không có bất kỳ bộ SGK nào dám thay đổi và không có lý do gì để thay đổi. 

Ở nhiều bài học trong bộ sách này, học sinh được học và luyện viết chữ "P" qua ngữ liệu là những từ như đèn pin, cặp da, cá mập, lốp xe, tia chớp, bếp, bìm bịp, búp sen… (trang 78, 118, 120, 124… tập 1). Ở tập 2, trong các văn bản đọc thì số các từ có chữ P không thể tính hết.

Vì vậy, ý kiến cho Tiếng Việt 1 - bộ Kết nối không dạy chữ P là hoàn toàn không có cơ sở.

"Trước hết, xin nói về việc dạy âm P cuối âm tiết (hiện tượng phổ biến). Qua loạt bài dạy vần ở tập một như ap, ăp, âp (trang 118); op, ôp, ơp (trang 120); ep, êp, ip, up (trang 124),… và những từ như đã nêu ở trên (cặp da, cá mập, lốp xe, tia chớp, bếp, bìm bịp, búp sen,…) thì có thể thấy rõ, SGK Tiếng Việt 1, bộ Kết nối, có dạy âm P cuối và dạy nhiều.

 Còn về việc dạy âm đầu P (pờ), tất cả các bộ sách Tiếng Việt 1 đều phải đạt được mục tiêu: Học xong lớp 1, HS có khả năng đọc được các từ như đèn pin, Sa Pa, Nậm Pì,… Tuy nhiên, các bộ sách có thể có những cách khác nhau", PGS.TS Bùi Mạnh Hùng cho hay.

sach tieng viet

 Vụ sách Tiếng Việt lớp 1 bỏ dạy chữ 'p', 'q': Chủ biên nói gì?

Cách thứ nhất: Dạy âm đầu P (âm pờ) trong bài dạy âm PH (âm phờ). Trước khi học âm PH, các em được luyện đọc âm P, chứ không học âm P riêng và không có từ ứng dụng riêng cho âm đầu P.

Cách thứ hai: Dạy âm P riêng và đưa những "từ ứng dụng" như pi-a-nô/piano, pa-nô/panô để HS tập đọc và phát triển vốn từ.

SGK Tiếng Việt 1 của Bộ Giáo dục - đào tạo (theo chương trình Tiếng Việt năm 2000) đã áp dụng cách thứ nhất.

SGK Tiếng Việt 1 - bộ Kết nối, kế thừa cách dạy của SGK Tiếng Việt 1 năm 2000. Sau khi làm quen, tập đọc âm P ngay trước khi học âm PH, học sinh được luyện đọc âm đầu P trong một số bài học sau đó.

Chẳng hạn, khi học vần IN, các em luyện đọc và viết từ đèn pin (trang 78, tập 1), luyện đọc từ Sa Pa trong đoạn văn viết về Tây Bắc (trang 105 tập 1) và trong bài đọc Ruộng bậc thang ở Sa Pa (trang 154, tập 2).

Giải thích về lựa chọn này, ông Hùng cho hay âm “P” và “PH” đều được học trong phần âm, ở khoảng tuần 5 hoặc tuần 6 của lớp 1. Nếu dạy âm “P” riêng thì cần phải có “từ ứng dụng” để học sinh tập đọc và phát triển vốn từ. Những từ này chỉ chứa các âm tiết mở (bộ phận vần chỉ có 1 nguyên âm), nghĩa là buộc phải dùng những từ như pi-a-nô/piano, pa-nô/panô,….. Không thể dùng các từ như Sa Pa, Nậm Pì,… vì hai lý do: học sinh chưa được học âm “S” (trong Sa Pa) và vần “ÂM” (trong Nậm Pì) và thông thường tên riêng không được dùng ở phần dạy phát triển vốn từ. Theo ông Hùng, học sinh mới chỉ được học 5 – 6 tuần mà phải đọc và hiểu nghĩa của những từ như pi-a-nô/piano, pa-nô/panô,…. là không phù hợp vì không quen thuộc.  

Về việc các vần khó không được dạy thành bài riêng, ông Hùng cho rằng đây là những vần hiếm gặp nên luôn được bố trí dạy sau các vần đơn giản và thông dụng.

Tổng chủ biên sách Tiếng Việt lớp 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống cho rằng việc dạy các vần này thành các bài riêng sẽ tốn thời gian và không hiệu quả bằng cài vào các bài đọc, giới thiệu các vần khó với học sinh thông qua các bài đọc với các từ ngữ cụ thể.

Hà Linh

Tin khác

Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, mạng xã hội và trí tuệ nhân tạo, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã buộc phải thay đổi để thích ứng, đồng thời giữ vững bản sắc và vai trò định hướng dư luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và Nhà nước.
Tin tức 6 giờ trước
Sáng nay,, ngày 20/6, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), Đoàn đại biểu Người làm báo tiêu biểu đã dâng hương tưởng niệm và báo công Bác Hồ tại Nhà 67 trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Tin tức 7 giờ trước
(SHTT) - Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 / 21-6-2025), sáng 20-6, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã gặp mặt, tuyên dương các nhà báo, người làm báo tiêu biểu. Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Chủ tịch nước Lương Cường.
Tin tức 7 giờ trước
(SHTT) - Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025) là dịp để chúng ta nhìn lại một hành trình vĩ đại – từ buổi bình minh của truyền thông cách mạng đến thời đại báo chí đa nền tảng, số hóa và toàn cầu hóa mạnh mẽ.
Tin tức 11 giờ trước
(SHTT) - Ngày 19/6/2025, Tổ chức xếp hạng đại học Quacquarelli Symonds (QS) đã công bố Bảng xếp hạng đại học thế giới năm 2026 (QS World University Rankings 2026 - QS WUR 2026).
.
Liên kết hữu ích
..