Sáng chế xe 5 trong 1 độc đáo của học sinh lớp 9
Nghĩa và Bình là học sinh lớp 9A1 Trường phổ thông dân tộc nội trú Him Lam - gọi tắt là Trường Him Lam - huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.
Nói về cơ duyên với sáng chế của mình, Bình cho biết quê em ở vùng nông thôn, mỗi khi đến mùa mưa thì những con lộ nông thôn bằng xi măng bị rong rêu bám rất trơn trợt, nên thường xảy ra tai nạn giao thông.
“Bản thân em nhiều lần đến trường vào trời mưa bị trượt ngã do rong rêu bám trên đường. Vì vậy, em luôn muốn mình có thể làm ra được một sản phẩm nào đó từ kiến thức đã học để khắc phục tình trạng trên. Sau khi nảy ra ý tưởng, em đã bàn bạc với Nghĩa và được thầy Lê Thanh Liêm, giáo viên dạy vật lý, hướng dẫn, chúng em bắt đầu thiết kế theo bản vẽ, rồi tìm vật liệu để bắt đầu nghiên cứu, nhưng cái chính của xe này là phải sử dụng năng lượng mặt trời để tránh ô nhiễm môi trường”, Bình nói.
Sau một thời gian vật lộn với các thiết bị tìm được như bình ắc quy, bình đựng nước… (tất cả đều là đồ cũ) cùng với nhiều lần tháo ra lắp vào, thì dự tính ban đầu chỉ để xử lý rong rêu trên đường đã dần được Bình và Nghĩa thay đổi theo hướng đa chức năng.
Và chiếc “xe 5 việc dùng năng lượng xanh” hay “xe 5 trong 1” ra đời với thành phần cấu tạo chính gồm: một bộ khung sắt được hàn có gắn sẵn bánh xe, một bình đựng nước lọc 21 lít, 4 tấm pin năng lượng mặt trời (2 tấm lớn và 2 tấm nhỏ), các mạch điện, ắc quy, bộ điều khiển nạp sạc, máy bơm nén 12 V, bộ đổi điện DC… Ngoài những thành phần chính trên, để thực hiện được 5 chức năng là: quét nước vôi trên đường, tưới hoa kiểng, rửa xe, quét vôi trên tường và phun thuốc bảo vệ thực vật cho các vườn cây ăn trái, xe cần trang bị thêm: cần quét vôi trên đường, đầu xịt tưới hoa, đầu xịt rửa xe, cần quét vôi tường và cần xịt thuốc…
Về nguyên lý hoạt động: xe sau khi lắp đặt hoàn chỉnh thì ánh sáng được pin năng lượng mặt trời chuyển thành điện năng tích điện vào ắc quy thông qua bộ điều khiển nạp sạc. Sau đó, ắc quy sẽ cung cấp điện cho máy bơm. Theo Nghĩa, trong quá trình thực hiện, bước lắp mạch điện là khó khăn nhất vì phải đưa các mạch điện vào trong ống của khung sắt, nên đòi hỏi phải làm tỉ mỉ, cẩn thận nếu không xe sẽ không hoạt động được.
Để có một chiếc xe thực hiện được các việc như tưới hoa, rửa xe, làm sạch rong rêu, quét vôi trên tường và phun thuốc bảo vệ thực vật thì mỗi công đoạn là cả một quá trình thực hiện lâu dài và tốn khá nhiều thời gian, công sức.Theo thầy Liêm, để sản phẩm thực hiện đạt hiệu quả, các bước tính toán về nguyên lý hoạt động phải thực sự chính xác. Vì nếu lắp nhầm các bộ phận, xe có thể không hoạt động được, hoặc có khi sinh ra cháy nổ các động cơ. Cũng chính trong quá trình nghiên cứu, Nghĩa và Bình còn phát hiện được nhiều tính năng khác thông qua hệ thống tích hợp của pin năng lượng mặt trời cho chiếc xe này.
“Khi hướng dẫn các em làm chiếc xe này, tôi mong muốn sản phẩm sau khi hoàn thành có thể ứng dụng vào thực tế cao và phù hợp với môi trường. Qua đó cũng góp phần tuyên truyền việc sử dụng năng lượng xanh thay thế cho nguồn năng lượng hiện tại. Sau 5 lần cải tiến, hiện nay, sản phẩm có thể sản xuất được hàng loạt để phục vụ cho người dân”, thầy Liêm nói.
Hiện nay, để làm ra một chiếc xe hoàn chỉnh phải tốn ít nhất 10 ngày và giá thành khoảng 3 triệu đồng/xe. Nếu bảo quản tốt sẽ sử dụng được hơn 5 năm, riêng những tấm pin năng lượng có thể sử dụng trong thời gian 20 năm. Với những ứng dụng thiết thực, “Xe 5 việc dùng năng lượng xanh” đã đạt giải nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hậu Giang lần thứ 3 năm 2016, giải khuyến khích tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia cho học sinh trung học năm học 2016 khu vực phía Nam và giải đặc biệt do Trường ĐH Tôn Đức Thắng trao tặng.Bây giờ, khi đã bước vào bật THPT, Nghĩa và Bình vẫn đam mê sáng tạo và cho biết sẽ suy nghĩ để làm ra thêm nhiều sản phẩm có thể ứng dụng vào đời sống.
- Sáng chế ô tô tự cân bằng chạy trên mọi địa hình độc nhất thế giới
- Sáng chế máy thái rau giúp anh nông dân kiếm tiền tỷ
- Xe bọc thép tự chế 2 tỷ bị bán đồng nát với giá 100 triệu đồng
Theo Thanhnien.vn