Quy hoạch Thủ Đô: Khắc phục 5 điểm nghẽn làm cản trở sự phát triển của Hà Nội
Sáng 29/9, tại Hội thảo khoa học Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, đại diện cho đơn vị đứng đầu liên danh tư vấn lập đề án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã trình bày tóm tắt những nội dung chủ yếu của dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội.
Những nội dung chính trong đề án Quy hoạch Thủ đô
Theo đó, đề án đã đưa ra phương án phát triển cụ thể đối với các lĩnh vực kinh tế, định hướng quy hoạch giáo dục, y tế; quy hoạch không gian văn hoá - thể thao và du lịch; phương án phát triển hạ tầng giao thông; phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn; tái thiết đô thị theo mô hình TOD; tái thiết đô thị theo mô hình tái điều chỉnh đất; mô hình mở rộng ngoài đô thị trung tâm; phương án quy hoạch phát triển nông thôn…
Đồng thời, xác định 5 vùng kinh tế - xã hội của Hà Nội gồm: Vùng đô thị Nam sông Hồng (gồm 2 tiểu vùng, trong đó tiểu vùng 1 có 6 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy. Đây cũng sẽ là khu vực được định hướng phát triển là trung tâm hành chính quốc gia. Tiểu vùng 2 gồm 8 quận huyện: Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng, Thanh Trì và Hoài Đức).
Vùng thứ hai là vùng Bắc sông Hồng, gồm 4 quận huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh và Mê Linh, hình thành trung tâm hành chính mới của Thủ đô. Khu vực thứ ba là vùng Tây Nam Thủ đô, gồm 6 huyện, thị xã: Phúc Thọ, Sơn Tây, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ. Vùng phía Nam Thủ đô gồm 5 huyện: Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hoà, Thanh Oai, Mỹ Đức. Vùng phía Bắc Thủ đô gồm: Nội Bài – Sóc Sơn.
Hà Nội cũng chú trọng vào 5 không gian phát triển, gồm: Không gian ngầm, không gian số, không gian văn hoá, không gian công cộng (không gian xanh) và không gian trên mặt đất.
5 khu vực phát triển đô thị gồm: Đô thị trung tâm, gồm 2 tiểu vùng phía Nam và Bắc sông Hồng; đô thị Hoà Lạc, định hướng phát triển thành phố khoa học – đào tạo; đô thị Sơn Tây - Ba Vì phát triển văn hoá du lịch; đô thị phía Bắc gồm Sóc Sơn và một phần Đông Anh, một phần Mê Linh; đô thị phía Nam gồm Phú Xuyên, Ứng Hoà khi hình thành sân bay thứ 2 vùng Thủ đô.
Đề án cũng đã nêu 5 khuyến nghị về các cơ chế, chính sách thực hiện quy hoạch. Trong đó khuyến nghị đầu tiên khuyến khích người dân di dời chỗ ở, các trường đại học, bệnh viện giảm tải cho khu vực nội đô; khuyến khích đầu tư tư nhân, đầu tư khoa học công nghệ; cơ chế đối với nông nghiệp Thủ đô và sử dụng mặt nước, bãi ven sông.
5 điểm nghẽn cản trở sự phát triển của Thủ đô
GS.TS Hoàng Văn Cường cũng chỉ ra 5 điểm nghẽn làm cản trở sự phát triển trong tương lai của Thủ đô. Trong đó, chưa có một thể chế thực sự vượt trội để cho Hà Nội phát huy hết tiềm năng, lợi thế thế cho phát triển.
Hiện có Luật Thủ đô, tuy nhiên trong đó còn nhiều quy định ràng buộc làm hạn chế sự phát triển cho nhiều lĩnh vưc. Chưa có hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông công cộng quy mô lớn để phục vụ cho hơn 8 triệu dân. Môi trường bị ô nhiễm nặng nề làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và đời sống xã hội. Quy hoạch đô thị còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế. Bộ máy cán bộ chưa năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm nên chưa thực sự tạo ra nhiều đột phá vượt trội.
“Đây là những điểm nghẽn cơ bản mà Hà Nội cần phân tích thấu đáo và có phương án giải quyết nhằm đảm bảo cho sự phát triển trong giai đoạn tới” - GS.TS Hoàng Văn Cường khẳng định.
Hương Mi
TIN LIÊN QUAN
-
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Những nội dung thảo luận quan trọng
-
Phụ huynh thích thú cùng con trải nghiệm làm lồng đèn truyền thống
-
Việt Nam có 6 cơ sở đào tạo lọt vào bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới
-
Phường Thuỵ Khuê - Tây Hồ: Những lợi ích từ mô hình 'Thứ Hai - ngày không giấy hẹn'