SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 09/10/2024
  • Click để copy

Quảng Ninh: Khẳng định điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư

12:07, 26/09/2023
(SHTT) - Dù được đánh giá là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển, song giai đoạn từ năm 2010 trở về trước, việc thu hút nguồn vốn lớn, cũng như các nhà đầu tư tầm cỡ tại Quảng Ninh rất khiêm tốn.

 Trước thực tế đó, tỉnh đã sớm nhận diện được những “điểm nghẽn” để có những bước đi, cách làm sáng tạo, bài bản, khoa học, tạo nên những giá trị khác biệt, làm thay đổi diện mạo đô thị, cơ sở hạ tầng của địa phương.

d1

 Đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan rà soát, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên).

Sáng tạo, đổi mới thu hút đầu tư

Cuối năm 2011, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh (IPA Quảng Ninh). Đây là tổ chức chuyên trách trực thuộc UBND tỉnh, trực tiếp do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. IPA Quảng Ninh được định hình hoạt động theo mô hình chuẩn quốc tế, với vai trò thực hiện chiến lược dài hạn thay vì ngắn hạn trong quá trình chuyển đổi tập trung thu hút đầu tư. Mô hình này một lần nữa khẳng định quyết tâm đổi mới, tư duy sáng tạo, bứt phá của Quảng Ninh ngay từ giai đoạn đầu đất nước thực hiện Cương lĩnh năm 2011 và Chiến lược phát triển KT-XH 2010-2020, thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”.

Bà Vũ Thị Kim Chi, Phó trưởng Ban IPA Quảng Ninh, chia sẻ: IPA có quy chế tổ chức và hoạt động riêng biệt, được UBND tỉnh phê duyệt. Ban có nhiệm vụ xúc tiến, cải thiện môi trường đầu tư; tiếp nhận và xử lý thủ tục đầu tư; thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; quản lý cán bộ, viên chức, tài chính, tài sản được giao, tổ chức thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định của pháp luật và sự phân công, phân cấp của UBND tỉnh; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất về hoạt động theo quy định. IPA Quảng Ninh chịu sự chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Chủ tịch UBND tỉnh; đồng thời, có mối quan hệ phối hợp công tác với các cơ quan liên quan của tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, nhằm thực hiện cơ chế “một cửa” để giải quyết các công việc liên quan đến hoạt động xúc tiến đầu tư.

d2

 Lãnh đạo Ban Quản lý KKT tỉnh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho đại diện dự án Parts Seiko Việt Nam (ngày 6/7/2023). Ảnh: Dương Trường

Để khẳng định rõ vai trò năng động, sáng tạo của mô hình này, đầu năm 2012, Quảng Ninh tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô quốc tế với sự đón nhận, tham dự của hơn 1.200 đại biểu là các nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế, tổ chức kinh tế và doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Với chức năng, nhiệm vụ có sự liên kết, bổ trợ lẫn nhau từ khâu mời gọi, đến giải quyết thủ tục ban đầu cho nhà đầu tư, sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, IPA Quảng Ninh được đánh giá là mô hình hoạt động hiệu quả và chuyên nghiệp, làm kinh nghiệm cho nhiều tỉnh, thành trong cả nước học tập, triển khai. Không để nhà đầu tư "đau đầu" với việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, IPA Quảng Ninh đã phối hợp với các cơ quan xây dựng và trình UBND tỉnh công bố quy trình giải quyết các thủ tục kèm theo các biểu mẫu hướng dẫn và đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của IPA và tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Nhờ đó, thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư được rút ngắn gần 50% so với quy định của pháp luật; số lượng thủ tục được cắt giảm từ 35 xuống còn 13 thủ tục trong 2 lĩnh vực chấp thuận địa điểm và cấp giấy chứng nhận đầu tư. Chính vì vậy, IPA Quảng Ninh được xem như “hệ thống một cửa minh bạch, rút gọn” và là đầu mối chính thức để hỗ trợ các nhà đầu tư tìm kiếm, thực hiện dự án đầu tư hiệu quả tại Quảng Ninh.

d3

Nhân viên marketing KCN Bắc Tiền Phong giới thiệu với nhà đầu tư về chiến lược thu hút đầu tư vào KCN. 

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, đánh giá: IPA Quảng Ninh là một cách tiếp cận mới về xúc tiến đầu tư và thể hiện ngay trong tên gọi của nó. Đây là tổ chức cho mục tiêu xúc tiến đầu tư, nhưng chức năng hỗ trợ đầu tư được nhấn mạnh ngang với mục tiêu xúc tiến. Xúc tiến đi kèm với hỗ trợ hay nói cách khác hỗ trợ nhà đầu tư là cách xúc tiến quan trọng nhất. Xúc tiến không chỉ là tổ chức nhiều hoạt động hoành tráng, hội nghị lớn, đoàn đi nước ngoài đông đảo mà ở đây nhấn mạnh chức năng cốt lõi là hỗ trợ nhà đầu tư. Trên thực tế, ở nhiều tỉnh, thành phố, dù truyền thông, thông tin rầm rộ về môi trường đầu tư nhưng nhà đầu tư vẫn rất thất vọng, thậm chí là chán nản khi vẫn phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn trên thực tế, trong đó có những vướng mắc về thủ tục liên ngành mà đôi khi không có “lối ra”.

Ở Quảng Ninh, ngoài IPA làm đầu mối, các sở, ban, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao cũng đã có những cách làm riêng biệt để hỗ trợ, thúc đẩy xúc tiến thu hút đầu tư vào địa bàn. Ban Quản lý KKT tỉnh là đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh cũng đã đổi mới, sáng tạo, thành lập Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ đầu tư; thường xuyên có hoạt động gặp gỡ, trao đổi với các nhà đầu tư bằng nhiều hình thức (trực tiếp, trực tuyến, zalo, email...) để thông tin định hướng phát triển của tỉnh, cơ chế chính sách, dự án ưu tiên thu hút đầu tư; đồng thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đã tham gia đầu tư tại các KCN, KKT trên địa bàn.

Điển hình là việc Ban Quản lý KKT tỉnh không ngừng đổi mới phương pháp hoạt động, tăng cường cắt giảm thời gian, quy trình giải quyết TTHC cho nhà đầu tư. Hiện 53/53 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý KKT tỉnh được đưa vào giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và đăng ký thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đạt 100%. Tất cả các TTHC được rà soát, điều chỉnh và xây dựng trình tự giải quyết theo tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng ISO 9002:2005, được xây dựng phần mềm thực hiện TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. 100% hồ sơ TTHC được thực hiện, xử lý trên môi trường mạng, đồng thời trả kết quả giải quyết TTHC bằng bản giấy cho doanh nghiệp; 100% TTHC được đề xuất cách thức thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích.

d4

Liên danh Công ty Indochina Capital và Tập đoàn Kajima (Nhật Bản) khởi công dự án Core5 Quảng Ninh tại KCN Bắc Tiền Phong (TX Quảng Yên), tháng 3/2023. 

Ông Hoàng Kim Tinh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar Việt Nam, cho biết: Sở dĩ chúng tôi lựa chọn Quảng Ninh mà cụ thể là KCN Sông Khoai là điểm đến đầu tư bởi ở đây chính quyền tỉnh có cơ chế chính sách công khai, minh bạch. Qua quá trình được cấp thủ tục đầu tư, chúng tôi được lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương liên quan hỗ trợ nhiệt tình, chu đáo, do vậy chỉ trong một thời gian ngắn, đơn vị đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và hiện tại đã có 2 nhà máy được hoàn thành, trong đó đã có một nhà máy đi vào hoạt động.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đã vận dụng tối đa các quy định của Trung ương, ưu thế phát triển của địa phương, xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư, như: Chính sách hỗ trợ và ưu tiên đầu tư vào các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh (hỗ trợ GPMB, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động tại các doanh nghiệp thứ cấp trong KCN, KKT, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào KCN); hỗ trợ các doanh nghiệp trong triển khai ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất kinh doanh; hỗ trợ về vốn tín dụng…

Thu hút những dòng vốn "khủng"

Từ những hoạt động đổi mới, sáng tạo trong thu hút đầu tư, giai đoạn 2016-2020, tỉnh Quảng Ninh có trên 9.300 doanh nghiệp được thành lập mới, tổng vốn đăng ký 180.000 tỷ đồng; cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 179 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 89.087 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm (2016-2020) đạt 344.916 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015, bình quân tăng 11,3%/năm. Hiệu quả đầu tư không ngừng được cải thiện, chỉ số ICOR từ 8,03 (giai đoạn 2011-2015) xuống còn 4,94 (giai đoạn 2016-2020).

d5

 Sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Competittion Team Technology Việt Nam (KCN Đông Mai).

Qua 2,5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2020-2025), Quảng Ninh đã có thêm 5.398 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến nay lên 17.105 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký đạt 381.000 tỷ đồng; tổng thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách vào địa bàn tỉnh đạt 430.734 tỷ đồng, trong đó đã thực hiện cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 70 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 120.108 tỷ đồng; cấp mới và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 129 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 310.626 tỷ đồng. Đặc biệt trong số này, có 26 dự án FDI được cấp mới và điều chỉnh, với tổng số vốn đăng ký đạt 3,614 tỷ USD, gấp 3,6 lần so với nửa nhiệm kỳ 2015-2020.

Trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, Quảng Ninh nổi lên là một điểm sáng trong thu hút đầu tư của cả nước, khi một loạt các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước tìm đến đầu tư trên nhiều lĩnh vực và đã hình thành nên nhiều công trình mang tầm cỡ khu vực và quốc tế, như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, Công viên Đại Dương, Khách sạn Vinpearl, FLC Hạ Long, Bệnh viện quốc tế Vinmec, Trường học quốc tế Singapore, Nhà máy sản xuất linh kiện thiết bị điện tử của Foxconn, Tổ hợp công nghiệp ô tô Thành Công…

Từ một địa phương bị đánh giá có hạ tầng giao thông, đô thị, dịch vụ, du lịch, sản xuất công nghiệp thấp kém trong cả nước, Quảng Ninh giờ đã trở thành một địa phương có đầy đủ hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

d6

Toàn cảnh nhà máy sản xuất Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam tại KCN Cảng biển Hải Hà. 

Rất nhiều người dân, kiều bào sinh sống, công tác ở các địa phương khác trong nước, cũng như ở nước ngoài, khi về thăm Quảng Ninh không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay, phát triển của mảnh đất nơi địa đầu vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Chị Nguyễn Thúy Trà (định cư tại Phần Lan), bày tỏ: Trở về Quảng Ninh sau nhiều năm sinh sống xa quê, tôi thật bất ngờ trước sự đổi thay, phát triển của tỉnh. Ấn tượng nhất là các công trình giao thông đường bộ, đường hàng không và các cảng biển được đầu tư, đi kèm với đó là hệ thống dịch vụ, du lịch tại các trung tâm du lịch của tỉnh. Tất cả những điều kiện này sẽ tạo động lực cho Quảng Ninh tiếp tục bứt phá và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Trong thông báo Kết luận số 1026-KL/TU ngày 11/7/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tại Hội nghị kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xác định, từ nay đến hết nhiệm kỳ đại hội, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp, giữ vững thương hiệu của Quảng Ninh về một “Điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công”.

Trong đó đặc biệt nâng cao chất lượng cải cách hành chính, tập trung vào các trụ cột chính: Tổ chức bộ máy; công vụ, công chức; hành chính điện tử và chuyển đổi số; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, cạnh tranh công bằng, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là đất đai, lao động giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, trong sạch, vững mạnh, công khai; đạt các chuẩn mực quốc tế, minh bạch, “nói không” với tham nhũng, tiêu cực, tăng cường trách nhiệm giải trình, thường xuyên đối thoại với nhân dân, doanh nghiệp.

Mạnh Trường

Tin khác

Kinh tế 16 giờ trước
(SHTT) - Để nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực, thời gian qua, Quảng Ninh đã tập trung thực hiện cấp mã số vùng trồng, từ đó kiểm soát một cách hiệu quả từ quy trình sản xuất đến truy xuất nguồn gốc trên thị trường.
Kinh tế 17 giờ trước
(SHTT) - Theo ghi nhận mới nhất, đóng cửa phiên giao dịch hôm qua, giá hai mặt hàng cà phê đồng loạt giảm mạnh.
Kinh tế 18 giờ trước
(SHTT) - Nhằm tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử, đầu tháng 10/2024, Cục QLTT thành phố Hải Phòng đã kiểm tra 05 cơ sở kinh doanh hàng hóa trên môi trường TMĐT.
Kinh tế 22 giờ trước
(SHTT) - Bên cạnh phương thức tiêu thụ truyền thống, các doanh nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời gian gần đây đã đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước, giúp tiêu thụ nông sản ngày một thuận lợi hơn.
Kinh tế 22 giờ trước
(SHTT) - Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự chung tay, góp sức của Nhân dân, huyện Như Thanh đã và đang nỗ lực triển khai các giải pháp để sớm hoàn thành các tiêu chí, phấn đấu về đích huyện NTM trong năm 2025.