SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 04/05/2024
  • Click để copy

Nhượng quyền trong ngành F&B: Nhiều cơ hội còn bỏ ngỏ

10:24, 24/07/2023
Tại Việt Nam, thị trường nhượng quyền trong ngành F&B còn sơ khai, tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp nhân bản mô hình kinh doanh.

Nhắc đến mô hình nhượng quyền tại Việt Nam, nhiều người nghĩ ngay đến các thương hiệu trà sữa, cà phê và đồ ăn nhanh như McDonald’s, KFC, cà phê Trung Nguyên, Starbucks, Mixue, Milano coffee,... Từ đây, có thể thấy, nhượng quyền trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) chiếm tỉ lệ cao hơn so với các ngành khác, đồng thời đây cũng là ngành tiêu dùng cơ bản nên được biết tới rộng rãi.

Cần chuẩn hóa mô hình nhượng quyền 

Nhượng quyền là công cụ giúp doanh nghiệp phát triển nhanh về mặt quy mô. Nhiều doanh nghiệp ngày nay đã coi mô hình nhượng quyền là một hướng đi khác thay cho việc tự mở chi nhánh kinh doanh. Đặc biệt, trong tất cả các mảng nhượng quyền trên thế giới, nhượng quyền mảng F&B được tính là lớn nhất, chiếm hơn 60% tổng các thương vụ nhượng quyền.

360096826_584242707196047_5292771498119305020_n

 Ông Hoàng Tùng - nhà sáng lập chuỗi cửa hàng Pizza Home.

Theo ông Hoàng Tùng - nhà sáng lập chuỗi cửa hàng Pizza Home, bản chất thị trường nhượng quyền tại Việt Nam còn mới, chỉ có 1-2% doanh nghiệp đang ứng dụng mô hình nhượng quyền, tại các nước phát triển, con số này chiếm tới 10%. 

Ở nhiều nước trên thế giới, các doanh nghiệp hạn chế việc tự mở cửa hàng kinh doanh vì tỉ lệ thất bại cao, thay vào đó, họ lựa chọn mô hình mua nhượng quyền vì khả năng thành công lên tới 65%. Với thị trường Việt Nam, tỉ lệ mảng nhượng quyền thành công thấp hơn nhiều so với con số 65%.

Để bán nhượng quyền, một số quốc gia phải tuân thủ nhiều điều về mặt pháp lý, tại nước ta, việc mua bán nhượng quyền diễn ra tự do chưa đi kèm pháp lý.

Theo ông Tùng, nhiều bên bán nhượng quyền tại Việt Nam đang bán bằng mọi giá, mô hình làm chưa chuẩn chỉnh, sai hoặc thiếu thông tin, đồng thời, bên mua nhượng quyền cũng chưa chuyên nghiệp. Một số người mua nhượng quyền nghĩ chỉ cần đầu tư từ 3-6 tháng là hoàn vốn, điều này đã tạo ra mối quan hệ không lành mạnh giữa bên mua và bên bán.

Bên cạnh đó là vấn đề sai lệch về mặt vận hành, bên bán nhượng quyền vừa mở cửa hàng đã triển khai mô hình nhượng quyền, trong khi đó chưa có sự đóng gói về mặt vận hành. Về mặt đối tác, bên bán nhượng quyền có mô hình kinh doanh tốt, tuy nhiên khi chuyển giao cho bên mua nhượng quyền nếu không vận hành được sẽ dễ đổ vỡ. Đồng thời, bên mua nhượng quyền tiềm lực tài chính yếu khi làm một thời gian thì hết vốn nên không tiếp duy trì mô hình được.

Hiện nhiều doanh nghiệp trong ngành F&B nhượng quyền nhưng chưa phải là chủ sở hữu nhãn hiệu hay các tài sản liên quan đến mô hình nhượng quyền đã gây nên nhiễu loạn thị trường trong thời gian qua.

Theo Luật sư Phan Vũ Tuấn – Văn phòng luật Phan Law Vietnam – đơn vị tư vấn phát triển kinh doanh nhượng quyền thương mại, Luật Thương mại năm 2005 và các văn bản hướng dẫn không có quy định doanh nghiệp nhượng quyền phải là chủ sở hữu của nhãn hiệu hay đối tượng quyền sở hữu trí tuệ nào khác. Tuy nhiên, các đối tượng này lại đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động nhượng quyền thương mại nói chung và nhượng quyền thương mại trong ngành F&B nói riêng.

Theo đó, bên nhận quyền sẽ tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền. Do đó, nếu bên nhượng quyền không phải là chủ sở hữu nhãn hiệu và các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ khác liên quan đến mô hình nhượng quyền, bên nhượng quyền có thể sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Đòn bẩy thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ nhân bản mô hình

Đa số, những thương hiệu ở hiện tại phát triển với quy mô lớn đều sử dụng công cụ nhượng quyền. Trên thực tế, nhượng quyền trong ngành F&B đòi hỏi khả năng vận hành của các doanh nghiệp tương đối vất vả hơn, bên cạnh đó phải có các kỹ năng làm bếp, quản lý nhân viên,… 

mixue 2

Giữa tháng 4/2023, Mixue thông báo chạm mốc 1.000 cửa hàng tại Việt Nam. 

Theo ông Hoàng Tùng, chuỗi thương hiệu Mixue là minh chứng cho sự thành công của doanh nghiệp khi ứng dụng công cụ nhượng quyền đúng cách, điều này đã tạo ra đòn bẩy lớn giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô, từ thương hiệu địa phương trở thành thương hiệu toàn cầu. Hiện thương hiệu Mixue có 25.000 cửa hàng trên toàn thế giới, riêng ở Việt Nam có tới 1.000 cửa hàng được mở rộng khắp cả nước. 

Tại Việt Nam, những người tham gia mua nhượng quyền Mixue có biên lợi nhuận tốt, tuy nhiên về sau, mật độ cửa hàng nhiều khiến cho sự cạnh tranh khốc liệt hơn. Bên cạnh đó, nhiều thương hiệu khác như ToCoToCo, Cooler City,... cũng bán các loại kem và trà sữa, điều này khiến bản thân người mua nhượng quyền Mixue, ngoài cạnh tranh trong nội bộ còn phải đối mặt với việc cạnh tranh đối thủ tương đối mạnh ở bên ngoài.

Ông Tùng nêu lên bài học lớn từ thương hiệu Mixue, từ một doanh nghiệp nhỏ dùng công cụ nhượng quyền đã phát triển nhanh. Vị chuyên gia này cũng bày tỏ sự tiếc nuối với nhiều doanh nghiệp trong ngành F&B có thương hiệu nổi tiếng, tuổi đời lâu như kem Tràng Tiền, vì chưa nắm bắt được công cụ nhượng quyền nên phát triển chậm.

Để nhượng quyền thành công, theo ông Tùng yếu tố quan trọng nhất là mối quan hệ giữa bên mua và bên bán nhượng quyền. Bên bán nhượng quyền phải nói thật về những ưu điểm, nhược điểm cho bên mua nhượng quyền, bên cạnh đó, bên mua nhượng quyền khi nghe cũng có kỳ vọng đúng với mô hình nhượng quyền sẽ mua. 

“Điều quan trọng nhất trong mối quan hệ mua và bán nhượng quyền là sự thành thật để tạo nên thương vụ nhượng quyền tử tế và có khả năng thành công cao”, ông Tùng nói.

Vị này cũng chia sẻ thêm, về nguyên tắc bên bán nhượng quyền cần phải chứng minh được sự thành công ở 3 yếu tố về mặt thời gian, địa điểm, tài chính. Theo đó, doanh nghiệp phải có thời gian hoạt động đủ dài, thường được tính là 1 năm. Thứ hai, về mặt địa điểm, bên doanh nghiệp phải chứng minh được khả năng nhân bản ở nhiều địa điểm khác nhau. Cuối cùng, phải chứng minh được việc mua nhượng quyền thương hiệu sẽ có lãi.

Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, hiện nay, các tranh chấp về hợp đồng nhượng quyền thương mại ngày càng nhiều chủ yếu xoay quanh các vấn đề như hiệu lực của hợp đồng nhượng quyền, phí nhượng quyền và phương thức thanh toán, vấn đề kiểm soát chất lượng, nguồn nguyên liệu và tính nhất quán của chuỗi cửa hàng nhượng quyền, điều khoản chống cạnh tranh, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và trách nhiệm của mỗi bên khi chấm dứt hợp đồng, phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại.

Để tránh phát sinh những tranh chấp trong tương lai đòi hỏi doanh nghiệp nhượng quyền phải đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng bộ hợp đồng nhượng quyền thương mại với đầy đủ các nội dung để có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đặc biệt là các điều khoản liên quan đến bí mật kinh doanh, quyền sở hữu trí tuệ, chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng.

Bình Tú

 

Tin khác

Tin tức 10 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, UBND Thành phố Hà Nội đã có Công văn số 1302/UBND-KTTH chỉ đạo một số Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã về việc tăng cường giải pháp quản lý tem điện tử thuốc lá, rượu sản xuất trong nước.
Tin tức 11 giờ trước
(SHTT) - Ngày 3/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký ban hành Công điện số 44/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.
Tin tức 11 giờ trước
(SHTT) - Quyết không để cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm trong khu dân cư, UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định di dời 700 cơ sở sản xuất, kinh doanh trong đô thị và khu dân cư, gây ra ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực.
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Bộ Y tế cho biết đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác.
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Ngày 3/5, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2024.