SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 02/05/2024
  • Click để copy

Làm chủ chất lượng giống cây trồng: Bài học từ Tập đoàn Lộc Trời

11:27, 12/04/2023
Ngoài các viện nghiên cứu, trường học công lập thì nhiều doanh nghiệp tư nhân đã chủ động thành lập viện nghiên cứu để tạo nên giống cây trồng mới. Đây là xu thế tất yếu để mỗi doanh nghiệp tạo nên sự khác biệt và sức cạnh tranh trên thị trường.

Nghiên cứu được cho là hoạt động dẫn dắt các hệ sinh thái để doanh nghiệp phát triển bền vững. Trong lĩnh vực nông nghiệp, mỗi doanh nghiệp cần có một giống cây trồng riêng để xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, không phải bất cứ doanh nghiệp nào cũng có đủ nguồn lực để đáp ứng.

Tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu Rau quả và Viện Cây ăn quả miền Nam (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) là hai viện đầu ngành về lai tạo giống, giữ vai trò chủ đạo trong việc đưa ra giống mới. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng chủ động lai tạo, nghiên cứu giống mới góp phần thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam phát triển.

KIEM TRA CLG

Kiểm tra chất lượng giống lúa tại trung tâm giống. Ảnh LTG 

Theo ông Nguyễn Duy Thuận – Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nông nghiệp Lộc Trời, trong tầm nhìn và chiến lược của mình, Lộc Trời đã xác định nghiên cứu là hoạt động dẫn dắt các ngành khác thuộc hệ sinh thái của doanh nghiệp. Theo đó, nghiên cứu là cơ sở khoa học để tạo ra những sản phẩm, công nghệ, quy trình sản xuất để Lộc Trời đáp ứng và hội nhập với sự phát triển của xã hội.

Thành lập từ năm 1993, Tập đoàn Lộc Trời trước đó có tên là Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang. Đến ngày 6/7/2020, Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Lộc Trời chính thức thành lập với nền tảng là các trung tâm nghiên cứu nông nghiệp và bộ phận R&D các ngành của Tập đoàn Lộc Trời. 

Từ việc thành lập Viện nghiên cứu Nông nghiệp Lộc Trời, cho đến nay, doanh nghiệp đã chủ động lai tạo, bảo hộ và thương mại hóa nhiều giống lúa mới. Trong đó, giống lúa Lộc Trời 28 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp bằng bảo hộ năm 2021. Giống lúa Lộc Trời 28 là "con lai" của Lộc Trời 1 - loại gạo thơm được giải Ba trong cuộc thi Gạo ngon thế giới năm 2015 tổ chức tại Kuala Lumpur (Malaysia), trải qua hơn 2.000 thử nghiệm lai tạo và chọn lọc liên tục trong suốt 10 vụ mùa từ 2014 đến 2017.

Nói về những khó khăn trong việc nghiên cứu, bảo hộ giống cây trồng, ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Duy Thuận cho biết để tạo nên giống cây trồng mới cần có sự đầu tư cao và lâu dài về tài chính, nhân lực cho nghiên cứu và phát triển. Muốn có giống mới phải có ít nhất 5 năm trên nền nghiên cứu đã hoàn chỉnh trước đó. Bên cạnh đó, sản phẩm bản quyền chưa được bảo vệ chặt chẽ, tình trạng vi phạm bản quyền các giống lúa chủ lực khá nhiều ở các công ty nhỏ, giống cây ăn quả khó giữ bản quyền vì hầu hết là nhân giống vô tính.

Tuy nhiên, nhờ việc xây dựng một viện nghiên cứu riêng, Tập đoàn Lộc Trời đã chủ động phát triển giống mới, có quyền sở hữu, có giống mới đáp ứng mục tiêu kinh doanh, khẳng định năng lực cao của về nghiên cứu tạo giống mới của doanh nghiệp, cơ hội xây dựng thương hiệu gạo.

LOC TROI 28

Hiện nay, gạo của Lộc Trời đã có mặt ở nhiều siêu thị quốc tế. Ảnh: LTG 

Sở hữu nhiều giống lúa mới, Lộc Trời đã khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Từ quá trình nghiên cứu, đăng ký bảo hộ đến thương mại giống cây trồng, ông Nguyễn Duy Thuận khẳng định việc đầu tư cao và lâu dài cho nghiên cứu tạo ra giống mới là vấn đề quan trọng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với viện, trường, nhà khoa học để nhận chuyển giao sản phẩm, tiếp cận các công nghệ mới cho tạo giống mới; nghiên cứu xu hướng phát triển của thị trường tiêu thụ và sản xuất; có vùng sản xuất nguyên liệu để triển khai phát triển giống mới; thực hiện chiến lược phát triển thị trường cho giống mới; cập nhật liên tục và hiểu rõ quy định Nhà nước về giống cây trồng.

Theo ông Nguyễn Duy Thuận, vấn đề vi phạm bản quyền giống và chất lượng giống ảnh hưởng rất nhiều đến doanh nghiệp cung cấp giống và hoạt động sản xuất của người dân. Nhiều giống lúa giả, nhái và không đảm bảo chất lượng vẫn bán tràn lan trên thị trường. Để quy trình cung cấp giống lúa đến tay người nông dân được chất lượng và hạn chế tối thiểu các giống lúa giả, nhái, doanh nghiệp cần phát huy vai trò chủ quyền của mình.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần phối hợp chặt chẽ với Nhà nước, nhằm phát hiện sớm các đơn vị vi phạm kinh doanh, bán giống kém chất lượng, hàng giả hàng nhái. Cần nhân rộng những thương hiệu uy tín, nâng cao chất lượng giống của đơn vị có chủ quyền giống.

Đối với vấn đề doanh nghiệp thu phí bản quyền giống, theo đại diện của Tập đoàn Lộc Trời, đây là điều đáng được khuyến khích vì việc này sẽ giúp doanh nghiệp có nguồn tài chính để đầu tư lại cho hoạt động nghiên cứu giống mới, duy trì và cải tiến giống. Tuy nhiên, việc thu phí cần đảm bảo đúng quyền lợi, công bằng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh.

Võ Liên

Tin khác

Tin tức 11 giờ trước
Trong những năm gần đây lượng khác du lịch đổ về Thanh Hóa rất lớn, riêng 5 ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay Thanh Hóa đã đón được khoảng 1,5 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt hàng ngàn tỉ đồng.
Tin tức 22 giờ trước
(SHTT) - Liên tục đưa ra thị trường các giải pháp chăm sóc da dựa trên khoa học và có nguồn gốc từ thiên nhiên, Kiehl's đã xây dựng danh tiếng cho mình như là nơi cung cấp mọi giải pháp đột phá trong chăm sóc da cho cả gia đình.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Tỉnh Quảng Ninh đạt được nhiều thành tựu to lớn, nổi bật, trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Làm việc xuyên đêm khiến nhiều sinh viên luôn trong tình trạng thiếu ngủ trầm trọng, ảnh hưởng đến kết quả học tập, sức khỏe sa sút,... Dẫu biết những hệ lụy nguy hiểm ẩn sau nguồn thu nhập của mình, nhiều bạn trẻ vẫn chấp nhận vì những lý do khác nhau.
Tin tức 2 ngày trước
Nhiều gian hàng với hàng trăm sản phẩm OCOP đặc trưng, tiêu biểu huyện Thiệu Hoá năm 2024.