SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Để có giống cây trồng mới ra thị trường, cần ít nhất 15 năm nghiên cứu

16:34, 05/04/2023
Mặc dù Việt Nam là quốc gia có lợi thế về nông nghiệp nhưng thời gian nghiên cứu kéo dài, việc bảo hộ giống cây trồng chưa thật sự được quan tâm, từ đó dẫn đến việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê của Văn phòng bảo hộ giống cây trồng thuộc Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), từ năm 2004 – 2021, Cục chỉ mới nhận được hơn 2.000 đơn đăng ký, 950 văn bằng bảo hộ được cấp. Tuy nhiên, việc đăng ký bảo hộ giống cây ăn quả chỉ chiếm khoảng 5% tổng số đơn đăng ký.

Nhiều e ngại khi đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới

Hiện tại, Việt Nam có Viện Nghiên cứu Rau quả và Viện Cây ăn quả miền Nam (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) là hai viện đầu ngành về lai tạo giống, giữ vai trò chủ đạo trong việc đưa ra giống mới bên cạnh giống ngoại nhập của các doanh nghiệp.

Dù có nhiều nỗ lực trong quá trình nghiên cứu nhưng thành tựu tạo ra vẫn còn hạn chế. Trong giai đoạn 2011 - 2023, Viện Cây ăn quả miền Nam đã lai, tạo thành công 21 giống cây trồng mới. Trong đó có 10 giống cây ăn quả gồm 7 giống thanh long, 1 giống cam, 1 giống nhãn và 1 giống xoài được cấp bằng bảo hộ giống. 

Ở góc độ là viện nghiên cứu, đại diện Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết để có được một giống cây ăn quả tốt, có khả năng thương mại hóa và ứng dụng hiệu quả trong sản xuất đòi hỏi phải có quá trình nghiên cứu tạo giống đủ dài, thời gian liên tục tối thiểu 15 năm, với lượng kinh phí đủ lớn và ổn định.

Thực tế cho thấy, các giống cây ăn quả được tạo ra và thương mại hóa trong giai đoạn vừa qua là những sản phẩm không chỉ kết tinh từ nguồn kinh phí được cấp để thực hiện các đề tài, dự án mà phải có sự kế thừa của các giai đoạn nghiên cứu trước.

z4225323501513_4b3971681c99945df3d4372ba17a14b9

 Mỗi doanh nghiệp cần có một giống cây trồng riêng để xây dựng được thương hiệu cho chính mình.

Khác với các loại tài sản trí tuệ khác, quy trình đăng ký bảo hộ giống cây trồng có phần phức tạp hơn dẫn đến tình trạng doanh nghiệp, người nông dân còn e ngại trong quá trình đăng ký. Việc xin cấp bằng bảo hộ giống cây trồng mang tính kỹ thuật cao là một trở ngại đối với người nông dân nên có thể thấy đăng ký cấp bằng bảo hộ không quá phổ biến tại Việt Nam.

Theo Luật sở hữu trí tuệ, giống cây trồng được bảo hộ phải đáp ứng được tính mới, tính khác biệt (có khả năng phân biệt rõ ràng với các giống cây trồng khác được biết đến rộng rãi tại thời điểm nộp đơn hoặc ngày ưu tiên nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên), tính đồng nhất (có sự biểu hiện như nhau về các tính trạng liên quan, trừ những sai lệch trong phạm vi cho phép đối với một số tính trạng cụ thể trong quá trình nhân giống) và tính ổn định (các tính trạng liên quan của giống cây trồng đó vẫn giữ được các biểu hiện như mô tả ban đầu, không bị thay đổi sau mỗi vụ nhân giống hoặc sau mỗi chu kỳ nhân giống) và tên phù hợp.

Bên cạnh đó, quy trình thẩm định bảo hộ giống cây trồng mới đòi hỏi phải khảo nghiệm thực tế trên đồng ruộng nhằm xác định được tính khác biệt, tính ổn định, tính đồng nhất. Đây được xem là khâu quan trọng trong thủ tục cấp bằng bảo hộ, bởi lẽ các vụ tranh chấp về quyền đối với giống cây trồng nếu không thẩm định chặt chẽ dễ xảy ra tình trạng trùng lặp.

Với mỗi loại cây trồng có những đặc trưng riêng đòi hỏi quy trình khảo nghiệm kỹ thuật có sự khác biệt. Chẳng hạn việc khảo nghiệm các giống lúa có quy trình khác so với các loại cây ăn quả như vú sữa lò rèn, thanh long ruột đỏ… Hiện thời hạn thẩm định chưa có quy định cụ thể cũng ảnh hưởng đến quá trình khai thác thương mại của người nông dân.

Từ đây có thể thấy, tiến trình đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới tại Việt Nam còn nhiều khó khăn. Chưa kể, người dân còn khá mơ hồ về việc bảo hộ giống cây trồng.

Chưa tiếp cận được với các cơ sở bán giống cây trồng uy tín

Dù còn nhiều khó khăn trong việc đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới nhưng đây là một bước tiên quyết phải làm để đưa nông sản Việt ra thị trường nước ngoài. 

Việt Nam là thành viên của Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng (UPOV) từ ngày 24/12/2006. Như vậy, vấn đề bảo vệ giống cây trồng được thực thi từ rất lâu. Tuy nhiên, cho đến nay nhận thức của doanh nghiệp và người dân về lĩnh vực này còn hạn chế.

Không khó để tìm mua các giống lúa, giống cây ăn quả từ các đại lý. Tuy nhiên, việc mua cây giống từ các cửa hàng này chỉ là mua công sức của người sản xuất giống, khác với việc là chủ sở hữu của giống cây. Thời gian gần đây, trước quy định mới của quốc tế về mã số vùng trồng khi xuất khẩu, chỉ có chủ sở hữu mới được sử dụng hợp pháp giống cây trồng.

z4225324226924_70754e92eb0da5dd73088813a27f0735

 Cây ăn quả là cây lâu năm, công tác tạo ra giống mới phải mất thời gian từ 15 - 20 năm liên tục.

Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng thương hiệu giống cây trồng của các viện nghiên cứu dù vô tình hay cố ý đã gây nên sự nhầm lẫn cho người dân. Một ví dụ khá rõ ràng là trường hợp của Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên - WASI (thường được gọi là Viện Eakmat). Viện là địa chỉ cung cấp giống cây trồng chất lượng cao với xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên tại địa phương này, thời gian qua tồn tại hàng chục cơ sở cung cấp giống cũng lấy thương hiệu Eakmat làm tên cửa hàng. Điều này khiến người dân nhầm tưởng giống của các cơ sở đó đều có nguồn gốc từ Viện Eakmat. Đồng thời cũng làm ảnh hưởng đến thương hiệu Eakmat, đặc biệt là khi Đắk Lắk đã có sản phẩm chỉ dẫn địa lý, nếu người dân mua phải giống kém chất lượng từ các cơ sở trùng tên sẽ gây hậu quả xấu cho sản phẩm xuất khẩu.

Với các giống lúa, theo thói quen của người nông dân, đến vụ mùa, người dân thường tìm các nguồn cung lúa giống tại các cơ sở có tình trạng “lúa giống bao trắng”, hoặc kèm theo vài dòng chữ “lúa nguyên liệu” mà ít tìm đến các viện, doanh nghiệp chuyên sản xuất lúa giống có uy tín.

Thực chất, lúa giống trên được chăm sóc và thu hoạch như một cách thông thường được các cơ sở mua về, sàng lọc, khử, sau đó đóng bao và bán lại cho người nông dân. Việc kinh doanh lúa giống không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả nhãn hiệu dẫn đến nhiều hệ lụy cho người nông dân. Trong quá trình chăm sóc, cây lúa kém chất lượng dễ phát sinh nhiều dịch bệnh, cho năng suất thấp khi thu hoạch.

Làm sao để người nông dân tiếp cận được thông tin kịp thời các giống cây trồng mới và sử dụng các giống cây trồng chất lượng là một thách thức lớn. Song song đó, doanh nghiệp cần hiểu rõ tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ giống cây trồng, từ đó đem lại nguồn thu và tận dụng được lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Để Việt Nam không chỉ có thanh long ruột đỏ, gạo ST25, doanh nghiệp cần tạo ra nhiều giống mới thì mới làm chủ được thị trường. 

Võ Liên

Tin khác

Khoa học Công nghệ 10 giờ trước
(SHTT) - Ông Trần Xuân Bách, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng sự sáng tạo và đổi mới đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày và một nhân tố quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và xã hội.
Khoa học Công nghệ 18 giờ trước
(SHTT) - VASA-1, công cụ AI mới của Microsoft, có thể chuyển đổi ảnh chân dung thành video nói hoặc hát với âm thanh cho trước một cách chân thực.
Khoa học Công nghệ 18 giờ trước
(SHTT) - Tối 23/4, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17 (2022 - 2023).
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Công ty Weichai Power của Trung Quốc mới đây đã chính thức ra mắt động cơ diesel đầu tiên trên thế giới đạt được mức hiệu suất thân nhiệt lên tới 53,09%. Đây là thành tựu sau nhiều năm nghiên cứu từ đội ngũ sản xuất của công ty này.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Xây dựng các cánh đồng rau an toàn là giải pháp quan trọng để đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người dân. Bởi vậy, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân phát triển những cánh đồng rau an toàn.