Những bộ phim đình đám vướng ồn ào đạo nhái trong năm 2020
Phim Hoa ngữ bị tố đạo nhái Nhã nhạc cung đình Huế của Việt Nam
Vào tháng 5/2020, trang Fanpage chuyên phim Hoa ngữ chia sẻ đoạn video clip về một cảnh trong phim "Thịnh Đường huyễn dạ" có sử dụng Nhã nhạc cung đình Huế. Đính kèm là dòng trạng thái bày tỏ bất bình: Họ lấy Nhã nhạc cung đình Huế làm nhạc truyền thống trong phim cổ trang dưới thời Đường, trong khi "Nhã nhạc cung đình Huế" đã được UNESCO công nhận là "kiệt tác truyền khẩu" và là văn hóa phi vật thể nhân loại vào năm 2003.
Thông tin trên thu hút nhiều sự quan tâm cửa cư dân mạng Việt Nam với hàng loạt bình luận phẫn nộ.
Cụ thể là trong các tập 4 và 30 của Thịnh Đường Huyễn Dạ, Nhã nhạc cung đình truyền thống của Việt Nam đã được sử dụng trong cảnh đám cưới và yến tiệc triều đình. Có thể khẳng định đây thực sự là di sản văn hóa của Việt Nam khi chúng ta hoàn toàn có cơ sở để so sánh sự giống nhau của những đoạn nhạc này với Nhã nhạc.
Vì vậy gây ra sự bức xúc từ phía khán giả Việt Nam khi theo dõi bộ phim này. Phần lớn đều bày tỏ sự phản đối, không đồng tình vì đây có thể xem là hành động vi phạm bản quyền nhạc Việt, nhất là khi loại hình âm nhạc này đã được UNESCO công nhận là tài sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam và toàn nhân loại.
Trước sự việc trên, phía đại diện kênh VTV8 đã lên tiếng xác nhận, ngay khi nhận được phản ánh xung quanh bộ phim, đơn vị này đã tiến hành kiểm tra, liên hệ với một số nhà nghiên cứu âm nhạc để tìm hiểu rõ và khẳng định hiện VTV8 chưa phát đến tập phim có sử dụng các trích đoạn nhạc gây tranh cãi nêu trên. Cùng với đó, VTV8 đã tạm thời cho ngừng phát sóng bộ phim này để làm rõ thông tin có hay không việc Nhã nhạc cung đình Huế được sử dụng trong một số cảnh quay. Cũng theo đại diện VTV8 thì các nhà nghiên cứu mà đơn vị này liên hệ đều cho rằng cần có thêm thời gian để tìm hiểu kỹ hơn, tham khảo nhiều ý kiến khác nhau, nhất là ý kiến chính thống từ Trung tâm di tích cố đô Huế, UNESCO…
Phim hot cổ trang Hoa ngữ Hạo Y Hành bị tố đạo nhái phim Trần Tình Lệnh
Hạo Y Hành là bộ phim nhận được nhiều sự quan tâm của các tín đồ cổ trang Hoa ngữ ngay khi mới rục rịch quay. Tuy nhiên những hình ảnh hậu trường hé lộ đã khiến Hạo Y Hành bị tố đạo nhái phim Trần Tình Lệnh.
Nhiều khán giả cho rằng hình ảnh của Mặc Nhiên (Trần Phi Vũ) và Sở Văn Ninh (La Vân Hi) trông khá giống hình ảnh của cặp đôi Lam Vong Cơ (Vương Nhất Bác) - Ngụy Vô Tiện (Tiêu Chiến) trong Trần Tình Lệnh. Đặc biệt là mới đây, trên trang QQ xuất hiện một vài tấm hình được ghi tại hậu trường Hạo Y Hành đã khiến khán giả một lần nữa có cảm giác như đang xem phim Trần Tình Lệnh.
Cụ thể, cặp nam thần Trần Phi Vũ - La Vân Hi xuất hiện trong bộ trang phục tông đen trắng đối lập và đang thực hiện một cảnh quay trên mái nhà. Mặc dù họ rất điển trai và hoàn toàn phù hợp với tạo hình nhân vật trong Hạo Y Hành, tuy nhiên, điểm đáng chú ý là những thước phim tình tứ trên mái nhà này đã trở thành “thương hiệu” riêng mang tên Trần Tình Lệnh. Ngay lập tức, nghi vấn đạo nhái ý tưởng được đông đảo cư dân mạng đặt ra, từ việc xây dựng hình ảnh nhân vật cho tới những khoảnh khắc ghi hình tại hậu trường.
Phim hot Quân Vương Bất Diệt bị tố đạo nhái ngay khi ra mắt
Sau nhiều tháng chờ đợi, bom tấn Quân vương bất diệt (The King: Eternal Monarch) với sự tham gia của Lee Min-ho và Kim Go-eun đã chính thức lên sóng vào ngày 17/4. Bộ phim theo chân hoàng đế Đại Hàn Đế Quốc – Lee Gon (Lee Min-ho) và cảnh sát Jung Tae-Eul (Kim Go-eun) trong hành trình tìm cách đóng cánh cửa giữa hai thế giới để bảo vệ đất nước của họ. Tuy nhiên, chỉ ngay sau hai tập đầu tiên lên sóng, Quân Vương Bất Diệt đã bất ngờ gặp tranh cãi lớn trên diễn đàn thảo luận.
Cụ thể, trên diễn đàn mạng trực tuyến, một bài viết tố cáo rằng bộ phim đã sử dụng ngôi chùa nổi tiếng Tōdai-ji của Nhật Bản trong đoạn giới thiệu cho cung điện Hoàng gia ở thế giới Đại Hàn Đế Quốc. Vì vậy, nhiều chỉ trích đưa ra khi đội ngũ sản xuất để màu sắc Nhật Bản “nhúng” vào trong bộ phim.
Hình ảnh này xuất hiện ở giây thứ 23 trong đoạn mở đầu giới thiệu hình ảnh các tòa nhà biểu trưng cho hai thế giới song song. Bên cạnh đó, biểu tượng cho Hoàng gia cũng trở thành chủ đề bàn tán. Một khán giả thấy rằng biểu tượng hoàng gia cũng được bao phủ bởi hoa anh đào do CGI (Công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính) tạo ra.
Sau khi tranh cãi nổ ra, vào ngày 20/4, đại diện NSX Hwa&Dam Pictures đã lên tiếng giải thích: "Các điểm nhấn của Đại Hàn Đế Quốc được thiết kế dựa trên chủ đề double plum flower - một bông hoa được bao bọc bởi một bông hoa khác, thể hiện nền quân chủ lập hiến tại Đại Hàn Đế Quốc: nơi mà quốc hội và chính phủ coi gia đình hoàng gia là trung tâm. Chúng tôi muốn xác nhận rằng thiết kế này không hề liên quan tới Hoàng gia huy Nhật Bản".
Bên cạnh đó, đại diện NSX cũng lên tiếng xác nhận: "Trong thời gian thiết kế tòa nhà gỗ hai tầng giả tưởng dựa trên các đặc điểm của chùa tại Hàn Quốc, chúng tôi cũng muốn xác nhận đã sử dụng một số đặc điểm của chùa tại Nhật Bản. Đây là một lỗi không thể phủ nhận của đội ngũ sản xuất, khi không phát hiện ra chi tiết này trong quá trình thiết kế không gian hư cấu của Đại Hàn Đế Quốc. Chúng tôi chân thành xin lỗi vì sự cố này".
Phượng bào của Thanh Hằng trog phim Quỳnh Hoa Nhất Dạ bị tố đạo nhái trang phục Trung Quốc
Sau khi tung first look poster và trailer, bộ phim dã sử Quỳnh Hoa Nhất Dạ ngay lập tức gây xôn xao với tạo hình tôn quý và quyền uy của Thanh Hằng trong vai Thái hậu Dương Vân Nga. Góp phần không nhỏ tạo nên khí chất đó chính là bộ phượng bào đặc biệt đến từ Nhà thiết kế (NTK) Thủy Nguyễn – Giám đốc sáng tạo của dự án. Cô từng để lại dấu ấn đậm nét khi thiết kế phục trang cho nhiều bộ phim như Cô Ba Sài Gòn, Tấm Cám – Chuyện Chưa Kể.
Theo NKT Thủy Nguyễn, bộ phượng bào được lên ý tưởng dựa trên nghiên cứu của cô qua nhiều tư liệu lịch sử kết hợp với yêu cầu của đạo diễn về nhân vật, thêm vào đó một chút sáng tạo của bản thân. Cô gặp khá nhiều áp lực khi phải thiết kế trang phục cho một nhân vật lịch sử, lại là người ở vị trí mẫu nghi thiên hạ.
Tuy nhiên thiết kế này lại gây nên tranh cãi trong cộng động khán giả sâu sát về lịch sử nước nhà. Theo đó, trên một fanpage về sử Việt đã có những phân tích về kiểu dáng trang phục mà Thanh Hằng mặc có những đường nét tựa như ở thời Mãn Thanh - Trung Quốc:
"Thanh Hằng đang mặc một dạng thức trang phục quá xa lạ so với người Việt, mang đậm ảnh hưởng của triều đại Mãn Thanh lên một nhân vật sống vào thế kỉ thứ 10. Đây là điều khó để chấp nhận được. Dường như ê-kíp đã không có sự nghiên cứu nào về trang phục Việt thế nên đã xảy ra sự nhầm lẫn nghiêm trọng đến như vậy.
Đồng ý phần trang phục hoàn toàn dã sử, nhưng chắc chắn rằng mọi sáng tạo đều phải dựa trên nền tảng nhất định. Sáng tạo nhưng không nghiên cứu, không dựa trên nền tảng gốc thì chính là sự lai căng, gây nguy hiểm đến nhận thức của công chúng vẫn còn đang rất non nớt về cổ phục Việt. Giả tưởng nhưng không có nghĩa cho một vị Hoàng hậu triều Đinh - Tiền Lê mặc trang phục Mãn Thanh".
Vừa hé lộ, poster phim Bí mật của gió đã bị tố đạo nhái Twilight
Bí mật của gió là tác phẩm điện ảnh tiếp theo của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, người từng rất thành công với các tác phẩm như Vũ khúc con cò, Cánh đồng bất tận… Dự án đáng lẽ sẽ được khởi chiếu vào ngày mồng 7 Tết Nguyên đán 2019, tuy nhiên, đúng lúc đó, dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam và thế giới nên bộ phim đã trở thành tác phẩm đầu tiên của điện ảnh Việt hoãn chiếu.
Tuy nhiên ngay khi vừa công bố, tấm poster của bộ phim đã bị nhiều người phát hiện có phần khá giống với poster phim Twilight (tựa Việt: Chạng vạng).
Cụ thể, bố cục tấm poster cũng có xuất hiện hai nhân vật chính là Quốc Anh và Khả Ngân, tương tự như Twilight. Ngoài ra, bố cục, màu sắc, tạo hình, font chữ và cách trang trí poster cùng các diễn viên được cho là khá giống, nếu không muốn nói là "y xì" tấm poster của tựa phim nổi tiếng Chạng Vạng. Với những lỗi "đạo nhái" ... vô tình nhưng hài hước đó, người hâm mộ đã đùa rằng việc tìm ra điểm khác nhau giữa hai tấm poster còn khó hơn là tìm điểm giống nhau.
Hà Anh