SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 05/05/2024
  • Click để copy

Nhức nhối bản quyền truyền hình và điện ảnh

09:38, 08/06/2015
Nằm trong khuôn khổ “Triển lãm Quốc tế phim và công nghệ truyền hình Việt Nam 2015” (Telefilm 2015), Công ty BHD phối hợp với Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) tổ chức hội thảo “Bảo vệ bản quyền điện ảnh và truyền hình”. Tham dự hội thảo là những người đang hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, truyền hình; nhà sản xuất và phát hành phim. 

Vi phạm ngày càng nhiều và tinh vi

Bà Trịnh Thị Thùy Liên, đại diện Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh K+ đề cập đến một câu chuyện thời sự nóng hổi. Giữa tháng 5, đơn vị này công bố hợp tác với các hãng phim lớn, đưa các bộ phim điện ảnh lên sóng truyền hình ngay khi phim kết thúc thời gian chiếu ở rạp. Chỉ vài ngày sau khi Để mai tính 2 lên sóng, nhiều website xem phim trực tuyến xuất hiện bản HD của phim với tốc độ lan truyền chóng mặt. “Với những bộ phim chiếu rạp, nếu bị quay lén và phát tán hình ảnh thường rất xấu. Trong khi đó, phim điện ảnh chiếu trên truyền hình rất dễ bị đánh cắp, mà lại là bản đẹp, chuẩn. Đó thực sự là một thách thức không nhỏ đối với chúng tôi trong việc bảo vệ bản quyền của các bộ phim, giữ đúng tôn chỉ ban đầu: chiếu độc quyền trên sóng truyền hình nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước. Việc phải làm hiện nay là vừa phòng chống vừa phát hiện để xử lý những vi phạm đó một cách kịp thời”, bà Liên chia sẻ.

Vi phạm bản quyền ở lĩnh vực điện ảnh và truyền hình là “chuyện thường ngày ở huyện” bởi nó đã diễn ra và tồn tại từ cách đây hàng chục năm. Nếu như trước đây, hình thức vi phạm phổ biến nhất là băng, đĩa lậu thì nay, với sự phát triển của công nghệ, internet trở thành mối lo ngại lớn bởi tốc độ phát tán nhanh, mạnh. Nói như ông Nguyễn Đức Hòa, Phó ban Thanh thiếu niên, Đài Truyền hình Việt Nam: “Tiền kiếm được từ việc vi phạm bản quyền là không nhỏ, nên vi phạm tái diễn từ năm này qua năm khác. Điều đó là nỗi lo chung của cả nhà sản xuất, đơn vị phát hành, nhà đài lẫn cơ quan quản lý”.

Với phim điện ảnh, NSƯT Ngọc Hiệp, Giám đốc Hãng phim Việt, cho biết: “Nỗi lo đầu tiên của các nhà làm phim Việt là chuyện bản quyền. Một khi phim bị đưa lên mạng, sẽ không còn khán giả đến rạp”. Mất khán giả, đồng nghĩa với việc phim sẽ gặp rủi ro về doanh thu và còn nguy hiểm hơn vì ảnh hưởng đến chất lượng và thương hiệu của mỗi nhà sản xuất. Tại hội thảo, một đoạn phim Tết 2015 Ngày nảy ngày nay được trình chiếu với hình ảnh mờ, không có âm thanh - kết quả của việc phim bị quay lén, phát tán lậu - là minh chứng rõ nét. Những lo lắng của NSƯT Ngọc Hiệp là có cơ sở, bởi hiện nay với những đơn vị sản xuất phim điện ảnh, nguồn thu duy nhất chính là tiền bán vé. Trong khi đó, một số thị trường lớn như Mỹ, doanh thu phòng vé chỉ chiếm 50% - 60%, sau đó là nguồn thu từ phát hành DVD, bán cho các đài truyền hình, kênh online... Nhìn lại thị trường Việt Nam, nỗi lo mất bản quyền lại càng lớn hơn. Từ kinh nghiệm của một nhà sản xuất, phát hành phim, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Giám đốc Công ty BHD Media, cho rằng: “Nếu chỉ trông chờ vào doanh thu rạp, phim Việt không thể phát triển và đủ sức cạnh tranh với phim ngoại”.

Trăn trở tìm giải pháp

Để an toàn và giảm thiểu rủi ro ngay cả trong trường hợp phim bị xâm phạm bản quyền, hiện nay, không ít nhà sản xuất phim Việt chọn thực hiện những bộ phim có kinh phí thấp. Tuy nhiên, đó chỉ mang tính nhất thời, bởi lẽ, để chống vi phạm bản quyền không phải chuyện ngày một ngày hai hay của một cá nhân, tổ chức nào. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà sản xuất và phát hành, đặc biệt từ khâu hậu kỳ cho đến khi đưa phim đi duyệt là giải pháp đầu tiên được đưa ra. Việc liên kết giữa các nhà sản xuất cùng tham gia trong một dự án, cũng góp phần không nhỏ trong việc tránh rủi ro.

Ông Nguyễn Đức Hòa đưa ra gợi ý, các công ty nhỏ nếu hợp tác với những đơn vị lớn như YouTube, Google, Microsoft... mức độ được bảo vệ sẽ cao hơn. Bà Phan Cẩm Tú đến từ Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ (MPA), đơn vị đại diện cho 6 hãng phim lớn ở Hollywood là Sony, Twentieth Century Fox, Paramount Pictures, Universal Studios, Warner Bros Pictures và Walt Disney Pictures nhấn mạnh, vai trò lớn nhất của họ tại Việt Nam là bảo vệ bản quyền phim. Theo bà Tú, là quốc gia thứ 14 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương tham gia MPA, để giải quyết tình trạng vi phạm bản quyền, Việt Nam phải bắt đầu từ việc phân loại phim cho các đối tượng khán giả khác nhau. MPA phát hiện, thời gian qua có không ít phim của họ bị các đơn vị tư nhân hay chính thống tại Việt Nam vi phạm. Do đó, MPA đã có sự liên kết chặt chẽ với Bộ VH-TT-DL Việt Nam cũng như các nhà sản xuất trong nước để có những phối hợp hiệu quả. Bà Tú nhấn mạnh: “Việc lập danh sách những website vi phạm bản quyền là việc chúng ta có thể áp dụng và làm được, khi có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng”.

Ông Nguyễn Đức Hòa cho rằng: “Hiện nay, việc chống xâm phạm bản quyền đã có nhiều tín hiệu vui, phim sau khi phát hành một thời gian, để tìm trên mạng là rất khó khăn. Việc tuyên truyền ý thức bảo vệ bản quyền phải được thực hiện theo chính sách lâu dài với hy vọng trong vòng 5 - 10 năm tới, những vi phạm này sẽ được giảm thiểu tối đa”.

Tin khác

Tài sản trí tuệ 3 ngày trước
(SHTT) - Theo thông tin từ SCMP, một nhóm gồm 8 tờ báo của Mỹ mới đây đã nộp đơn kiện OpenAI và Microsoft, những nhà phát triển ứng dụng ChatGPT, với cáo buộc vi phạm bản quyền.
Tài sản trí tuệ 3 ngày trước
(SHTT) - Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên nhân ngày Sở hữu Trí tuệ Thế giới, diễn ra tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn vừa qua, đã thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng của sở hữu trí tuệ, đặc biệt là vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số hiện nay.
Tài sản trí tuệ 6 ngày trước
(SHTT) - Một nhà nghiên cứu AI đã kiện Amazon về vấn đề phân biệt và sa thải bất hợp pháp, với cáo buộc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ khi phát triển các mô hình AI để cạnh tranh.
Tài sản trí tuệ 6 ngày trước
(SHTT) - Tại Hội nghị Nghiên cứu Khoa học sinh viên về Sở hữu trí tuệ, một trong những đề tài được quan tâm là ‘‘Hoàn thiện pháp luật về bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo’’ đã được đưa ra bàn luận và nhận được những đánh giá rất tích cực. 
Tài sản trí tuệ 1 tuần trước
(SHTT) - Công ty dược phẩm Acuitas Therapeutics và công ty CureVac vừa giải quyết vụ kiện đòi được công nhận là người phát minh từ phía Acuitas trong các liên quan đến vắc xin COVID-19.
Liên kết hữu ích