Nghiên cứu mới: Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc chứng suy giảm trí tuệ
Theo đó, bụi mịn PM2.5 là những hạt bụi li ti có trong không khí với kích thước 2,5 micron trở xuống (so với sợi tóc con người thì nó nhỏ hơn khoảng 30 lần). Các chuyên gia cảnh báo, PM 2.5 là loại bụi nguy hiểm nhất, việc gia tăng của bụi PM 2.5 là nguyên nhân gây ra hàng loạt các chứng bệnh về đường hô hấp: tim mạch, hen suyễn, tử vong sớm, ung thư,… và tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, trầm cảm ở trẻ nhỏ.
Hơn 57 triệu người trên toàn thế giới hiện đang phải chung sống với chứng suy giảm trí nhớ và ước tính con số này có thể tăng lên 153 triệu người vào năm 2050. Có tới 40% các bệnh nhân được cho là có liên quan đến các nguyên nhân khách quan , chẳng hạn như tiếp xúc với chất gây ô nhiễm không khí.
“Nghiên cứu mới được coi là một bước tiến lớn trong việc cung cấp dữ liệu đến các cơ quan quản lý và giới y học liên quan đến vấn đề sức khỏe cực kỳ quan trọng này. Kết quả của nghiên cứu có thể được các tổ chức như Cơ quan Bảo vệ Môi trường sử dụng, để xem xét thắt chặt tiêu chuẩn chất lượng không khí, giới hạn mức phơi nhiễm bụi mịn PM2.5. Những phát hiện của chúng tôi ưu tiên lợi ích của sức khỏe cộng đồng", Marc Weisskopf, Giáo sư Dịch tễ học và Sinh lý học Môi trường kiêm tác giả chính của nghiên cứu nhận xét.
Đây là nghiên cứu đánh giá hệ thống và phân tích tổng hợp đầu tiên sử dụng phương pháp Rủi ro sai lệch trong nghiên cứu tiếp xúc không ngẫu nhiên (ROBINS-E) mới. Phương pháp cho phép giải quyết vấn đề sai lệch trong nghiên cứu về môi trường một cách chi tiết hơn so với các phương pháp đánh giá khác. Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên sử dụng "xác định trường hợp tích cực", một phương pháp liên quan đến việc sàng lọc toàn bộ quần thể nghiên cứu, sau đó là đánh giá trực tiếp về chứng suy giảm trí nhớ ở những người vốn có trí nhớ tốt lúc ban đầu.
Nghiên cứu được tài trợ bởi Tập đoàn Dược phẩm Biogen và các khoản tài trợ của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ P30 ES000002 và T32 HL007118.
Nghiên cứu viên Weisskopf và Elissa Wilke ( thuộc Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan) và Marwa Osman (nghiên cứu sinh tiến sĩ trong chương trình Khoa học Sinh học trong Y tế Công cộng) đã tham khảo hơn 2.000 nghiên cứu được công bố trong 10 năm qua và xác định có 51 nghiên cứu đánh giá mối liên quan giữa ô nhiễm không khí và chứng suy giảm trí nhớ lâm sàng. Những nghiên cứu trên đánh giá về độ sai lệch bằng cách sử dụng ROBINS-E và 16 nghiên cứu trong số đó đáp ứng các tiêu chí của phương pháp phân tích tổng hợp. Phần lớn nghiên cứu là về bụi mịn PM2.5, với oxit nitơ (NOx) và nitơ dioxit (NO2), vốn là những chất ô nhiễm không khí phổ biến và nguy hiểm nhất.
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện mối liên hệ giữa bụi mịn PM2.5 và chứng suy giảm trí tuệ, ngay cả khi mức phơi nhiễm hàng năm thấp hơn tiêu chuẩn hiện tại của EPA (Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ) là 12 microgam trên một mét khối không khí (μg/m3). Các nhà nghiên cứu nhận thấy nguy cơ mắc chứng suy giảm trí nhớ tăng 17% đối với mỗi mức tăng 2μg/m3 tiếp xúc trung bình hàng năm với bụi mịn PM2.5.
Ngoài ra, nguy cơ mắc chứng suy giảm trí nhỡ cũng tăng 5% khi mức tiếp xúc với oxit nitơ (NOx) tăng 10 μg/m3 mỗi năm và tăng 2% nguy cơ khi tiếp xúc nhiều hơn 10 μg/m3 với nitơ dioxit (NO2).
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng mức rủi ro ước tính của ô nhiễm không khí với chứng suy giảm trí tuệ là thấp hơn so với các yếu tố khác, chẳng hạn như học tập quá mức và hút thuốc. Tuy nhiên, do số lượng người tiếp xúc với ô nhiễm không khí hiện đang ở mức cao nên nguy cơ trên diện rộng là rất cao.
“Hiện nay, số lượng bệnh nhân mắc chứng suy giảm trí tuệ đã tăng đáng kể, nên cần nhanh chóng xác định được các nguyên nhân khách quan để giảm số lượng người mắc và cải thiện sức khỏe cộng đồng. Mức độ tiếp xúc với PM2.5 và các chất gây ô nhiễm không khí khác có thể được thay đổi theo chiều hướng tốt hơn thông qua hành động của mỗi cá nhân - nhưng quan trọng hơn vẫn là quy định của chính phủ", nghiên cứu viên Weisskopf chia sẻ.
Thuỳ Mai