SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 28/04/2024
  • Click để copy

Tác giả vaccine Corbevax ngừa COVID-19 được đề cử giải Nobel Hòa bình

07:14, 15/02/2022
(SHTT) - Nhà khoa học Maria Elena Bottazzi, tác giả của vaccine Corbevax, mới đây đã được nhận được đề cử cho giải Nobel Hòa bình vì những đóng góp vì nhân loại trong công cuộc chống lại đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới.

Bà Bottazzi, 56 tuổi, cùng với Tiến sĩ Peter Hotez, nhà vi trùng học, dẫn đầu nhóm nghiên cứu của Trung tâm Phát triển vắc xin, Bệnh viện Nhi Texas, Mỹ đã tạo ra vắc xin Corbevax ngừa Covid-19. Đây là loại vắc xin không có bằng sáng chế đã nhận được giấy phép khẩn cấp để sử dụng ở Ấn Độ vào tháng trước.

“Peter và tôi mong muốn mang lại lợi ích cho mọi người. Đó là lý do chúng tôi tạo ra vắc xin cho những cộng đồng nghèo nhất trên thế giới. Nhóm của chúng tôi có cùng mối quan tâm trong việc thúc đẩy sức khỏe cộng đồng”.

Vắc xin Corbevax dựa trên protein tái tổ hợp, công nghệ truyền thống đã được dùng trong nhiều thập kỷ để tạo ra vắc xin viêm gan B và ho gà. Vắc xin này sử dụng protein của virus để kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể, nhưng không làm cho bệnh nhân bị ốm.

Để được chấp thuận ở Ấn Độ, nhóm tác giả tiến hành 2 thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III tại 33 trung tâm nghiên cứu với hơn 3.000 người tham gia, từ 18 đến 80 tuổi. Kết quả, Corbevax an toàn và dung nạp tốt, có hiệu quả hơn 90% với chủng SARS-CoV-2 gốc và hơn 80% với biến thể Delta.

“Đó là một quy trình rẻ hơn nhiều so với công nghệ mRNA. Chúng tôi đã chọn phương pháp có thể mở rộng, tái tạo và ổn định nhất. Bất kỳ ai cũng có thể cộng tác với chúng tôi", bà Bottazzi nói.

Tuần trước, bà Bottazzi nhận được cuộc gọi từ Nghị sĩ Lizzie Fletcher - một trong những điều bất ngờ lớn của cuộc đời bà. Nghị sĩ Mỹ đã đề cử Bottazzi và Hotez cho giải Nobel Hòa bình.

“Tôi sốc không nói nên lời. Chúng tôi rất vui mừng và biết ơn. Họ đã nghĩ đến chúng tôi đồng nghĩa chúng tôi đã là người chiến thắng”, nhà khoa học xúc động kể lại.

Chiến lược tiêm phòng cho người dân khắp thế giới chống lại Covid-19 đang diễn ra chậm chạp: Khoảng 59% dân số nhận được ít nhất 1 liều vắc xin.

Tuy nhiên, con số đáng lo ngại nhất là chưa đến 9% cư dân ở các nước thu nhập thấp nhận được ít nhất 1 liều.

67a8dc7a4438ad66f429

Nhà khoa học Maria Elena Bottazzi 

Bất bình đẳng trong phân phối vắc xin đã gây ra phẫn nộ lớn trong một số nhóm hoạt động, phong trào chính trị và các quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, nhận định, sự bất bình đẳng trong phân phối vắc xin chắc chắn đã gây ra nhiều ca tử vong.

Kể từ khi bắt đầu đại dịch, nhóm của bà Bottazzi quyết định sử dụng kiến thức đã trau dồi trong nhiều thập kỷ để phát triển một loại thuốc miễn phí.

“Mọi người đều nói về công bằng, nhưng không ai làm gì cả. Đó là lý do chúng tôi tạo ra Corbevax, mặc dù chúng tôi là một nhóm nhỏ và mất nhiều thời gian hơn các phòng thí nghiệm lớn”, bà nói.

Trong vài năm, bà Bottazzi cùng cộng sự đã tập trung vào việc tạo ra vắc xin chống lại các bệnh bị bỏ quên như sán máng (ký sinh trùng đường ruột) và bệnh Chagas (do ký sinh trùng gây ra, tác động tới hệ tiêu hóa, tim mạch).

Hơn một thập kỷ trước, họ bắt đầu điều tra về virus corona. Nhóm phát triển vắc xin cho SARS, MERS cho đến khi số tiền họ quyên góp được cạn kiệt.

Bà Bottazzi cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi luôn là phát triển và sản xuất vắc xin rẻ, bền để đóng góp vào sức khỏe toàn cầu”.

Khi Covid-19 bắt đầu lan rộng, các nhà khoa học đã biết về những tiến bộ công nghệ có thể tạo ra một loại thuốc chống lại virus corona mới. Nhưng do nguồn tài trợ khan hiếm, họ mất nhiều thời gian hơn để sản xuất vắc xin.

Cũng như nhiều công trình khoa học, Corbevax có được từ các nghiên cứu trong quá khứ. Thời điểm đó, sản phẩm không nhận được sự quan tâm và hỗ trợ cần thiết.

Bà Bottazzi cảnh báo, sau khi tình trạng khẩn cấp của đại dịch kết thúc, "chúng ta phải tiếp tục đầu tư vào khoa học, chuẩn bị cho sự xuất hiện của những căn bệnh khác".

Lợi thế đầu tiên của vắc xin Corbevax là không cần bản quyền, bất kỳ chính phủ hoặc công ty nào cũng có thể liên hệ để sản xuất. Mỗi liều có giá từ 2 tới 3 USD. Trong các thử nghiệm gần đây, vắc xin có hiệu quả hơn 80% với các biến thể như Beta và Delta. Nhóm tác giả đang xem xét cách phản ứng với Omicron.

Ngoài ra, vắc xin tái tổ hợp rất bền, có thể bảo quản lâu trong hệ thống lạnh thông thường (có loại lên tới 5 năm), không như các loại thuốc khác nhanh hết hạn sử dụng.

An Yên

Tin khác

Tin tức 2 giờ trước
Văn phòng tư vấn về sở hữu trí tuệ miễn phí sẽ được đặt tại 31 Hàn Thuyên, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM, với kỳ vọng thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo cho nhiều doanh nghiệp, trường đại học, sinh viên,…
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Theo thông tin từ Hội Hóa học Việt Nam, cả 10 học sinh Việt Nam tham gia kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế Mendeleev lần thứ 58, năm 2024 đều đạt giải với 1 huy chương Vàng, 5 huy chương Bạc và 4 huy chương Đồng. Với thành tích này, Việt Nam xếp hạng 3 toàn đoàn.
Tin tức 21 giờ trước
Tạp chí Tiếp thị & Gia đình vừa bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Tánh (bút danh Pha Lê) làm Trưởng VPĐD miền Nam.
Tin tức 22 giờ trước
Lần đầu tiên, Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế phối hợp Đại học Phú Xuân, Tập đoàn Giáo dục EQuest và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tổ chức buổi Lễ chào mừng ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2024.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Sáng ngày 4/5/2024, Thành ủy - Hội đồng Nhân dân – Ủy ban Nhân dân – Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ tổ chức gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong (TVXP), dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.