SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 15/05/2024
  • Click để copy

Luật Thủ đô (sửa đổi): Xin ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo chủ chốt của Thành phố

14:15, 18/09/2023
(SHTT) - Sáng 18/9, Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có các đồng chí nguyên lãnh đạo chủ chốt của Thành phố qua các thời kỳ đã nghỉ hưu.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở để TP tiếp tục hoàn thiện hồ sơ Dự án xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) để trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15 vào tháng 10/2023.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng nhấn mạnh, thực hiện nhiệm vụ đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 17, từ năm 2021, TP đã tiến hành việc tổng kết thi hành Luật Thủ đô năm 2012 và đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo; UBND Thành phố đã thành lập Tổ công tác xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) để lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai nhiệm vụ tổng kết thi hành Luật và xây dựng hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thủ đô và hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được báo cáo tại 02 hội nghị của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố. Kết quả tổng kết thi hành Luật Thủ đô và nội dung đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) là một trong những cơ sở quan trọng để Thành ủy đề xuất với Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 15-NQ/TW đã đặt nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô là một trong những nhiệm vụ trọng yếu để thể chế hóa, tổ chức thi hành Nghị quyết trong thời gian tới.

luat thu do sua doi 1

 Toàn cảnh hội nghị- Ảnh: VGP/GH

Về mục tiêu, quan điểm xây dựng Luật, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô năm 2012; đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, đi trước, mở đường, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Với mục tiêu đó, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng theo quan điểm:

Thứ nhất, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 15-NQ/TW và các chủ trương có liên quan đến phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW và các nghị quyết khác của Đảng có liên quan.

Thứ hai, quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013. Luật Thủ đô cần đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật, không phải là đạo luật thay thế toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành, áp dụng riêng cho Thủ đô.

Thứ ba, bám sát 9 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa tại dự thảo Luật các cơ chế, chính sách cụ thể, thực sự mang tính đặc thù vượt trội và đột phá về thể chế nhằm phát huy thế mạnh của Thủ đô.

Thứ tư, cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; những vấn đề cần ủy quyền lập pháp thì nên ủy quyền cho các chủ thể có thẩm quyền quy định theo pháp luật hiện hành, bảo đảm tính khả thi và tính đồng bộ. Đồng thời với việc phân quyền mạnh mẽ, cần quy định tương ứng trách nhiệm của Hà Nội cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền TP.

Thứ năm, kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô 2012; các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô. Theo sát quá trình chỉnh lý, hoàn thiện các Luật có liên quan đang được sửa đổi, bổ sung (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...) để bảo đảm những vấn đề đang đặt ra đối với Thủ đô đã được xử lý, thì không quy định lại tại dự án Luật Thủ đô; nếu chưa được xử lý hoặc nội dung chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Thủ đô thì sẽ đề xuất quy định tại Luật Thủ đô.

Có thể thấy, Luật Thủ đô (sửa đổi) là một đạo luật đặc biệt, có nhiều cơ chế đặc thù, đột phá, có phạm vi tác động rộng, khác biệt với nhiều luật và văn bản dưới luật hiện hành, tác động đến thẩm quyền của nhiều cơ quan Trung ương; một số vấn đề mới, đột phá có nội dung phức tạp, khó về kỹ thuật lập pháp. Chính vì vậy, việc xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, nhiều ý kiến khác nhau cả về quan điểm và việc đưa thành những điều luật cụ thể.

Tại Hội nghị này, các đồng chí nguyên lãnh đạo TP. Hà Nội đã có ý kiến đóng góp đối với toàn bộ dự thảo Luật. Trong đó, có những vấn đề quan trọng, còn có ý kiến khác nhau, cần được tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, thận trọng, đánh giá toàn diện.

Cụ thể, nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị đặc biệt nhấn mạnh đề nghị dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần phải có một điều có tính bao trùm, khái quát hơn khẳng định tính vượt trội so với các Luật khác. Nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng đề nghị phải tăng quyền hạn cho Chủ tịch UBND thành phố cao hơn Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khác, tương tự đối với Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã tại Hà Nội; đi liền với quyền hạn là tăng trách nhiệm, trách nhiệm phải lớn hơn.

Trong khi đó, Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành uỷ, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn góp ý vào Chương II dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), cụ thể là Điều 9 về HĐND thành phố quy định rõ được bầu 125 đại biểu, trước đây chỉ được bầu có 95 đại biểu; tăng như vậy là phù hợp, tôi hoàn toàn tán thành. Quy định số lượng cụ thể là rất đúng. Đồng chí Trần Văn Tuấn cũng đề nghị phải tăng thẩm quyền Hà Nội quyết định về biên chế công chức, viên chức; quy định cụ thể về hệ số tăng thêm hằng năm để dễ tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, các đồng chí nguyên lãnh đạo cũng đóng góp ý kiến vào nhiều vấn đề cụ thể như, nguyên tắc ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô (Điều 4); Quy định về việc được chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức; số lượng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập (Điều 10); Giao HĐND quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù cấp thành phố, cấp huyện (Điều 9); Về tổ chức bộ máy, số lượng đại biểu của HĐND Thành phố (Điều 9); Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Điều 17).

Hương Mi

Tin khác

Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Sau buổi sáng làm việc khẩn trương, tập trung, nghiêm túc, dân chủ và hiệu quả, kỳ họp chuyên đề - kỳ họp thứ 16 HĐND Thành phố đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.
Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Có thể nói, sản xuất nông sản gắn với vùng nguyên liệu, cùng các mô hình liên kết gắn với doanh nghiệp chế biến là hướng đi phù hợp hiện nay, đáp ứng chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp Quảng Ninh.
Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là nguồn tài nguyên vô tận, không gian phát triển vô hạn, đồng thời cũng là con đường ngắn nhất để đạt được các mục tiêu.
Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - "Tất cả sự kiện quan trọng, chiến thắng hào hùng của dân tộc đều có sự đóng góp của các nhà khoa học, như GS. Tạ Quang Bửu, GS. Tôn Thất Tùng...", Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ tại Lễ chào mừng Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam.
Tin tức 8 giờ trước
(SHTT) - Keo cu đơ đặc sản Hà Tĩnh nằm trong danh sách "Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam" năm 2020 - 2021 của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam.