SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 06/05/2024
  • Click để copy

Chuyển hướng và tạo động lực mới cho TP.HCM phát triển với hành trình tăng trưởng xanh

08:36, 16/09/2023
Sáng 15/9, tại Hội trường TP.HCM diễn ra buổi khai mạc Diễn đàn kinh tế TP.HCM (HEF 2023) với chủ đề “Tăng trưởng xanh: Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không”.

Diễn đàn kinh tế TP.HCM (HEF) là sự kiện quốc tế thường niên do UBND TP.HCM tổ chức. Sự kiện với sự tham gia của các lãnh đạo, chuyên gia trong nước và quốc tế tại các quốc gia thành công trong việc áp dụng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.

Diễn đàn kinh tế: Doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội hợp tác

Tại buổi khai mạc, ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM - cho biết TP.HCM cùng nhiều đô thị khác trên thế giới đã chứng kiến rõ ràng những tác động của biến đổi khí hậu, cùng với những bất cập cần phải giải quyết, thúc giục chúng ta gắn kết chặt chẽ, hành động mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa.

TP.HCM ý thức rõ ràng mô hình tăng trưởng kinh tế truyền thống không còn là lựa chọn tối ưu. Do đó, thành phố đã chuyển hướng, kiến tạo một hành trình mới, hành trình tăng trưởng xanh với tầm nhìn cho tương lai bền vững.

Theo đó, thành phố đang khẩn trương hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, nhằm xây dựng TP.HCM trở thành đô thị văn minh, hiện đại nghĩa tình, là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư, du khách.

01

Hội trường Diễn đàn kinh tế TP.HCM (HEF 2023) với chủ đề “Tăng trưởng xanh: Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không”. 

Khung chiến lược xác định người dân là trung tâm của chuyển đổi số, thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế nhằm thực hiện 4 trụ cột. Trong đó, chú trọng phát triển nguồn lực xanh, xây dựng hạ tầng xanh, phát triển hành vi xanh, xác định ngành và lĩnh vực tiên phong. Tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện khung chiến lược và triển khai khung hành động với nhiệm vụ, mốc thời gian cụ thể.

Hiện, thành phố đang triển khai các giải pháp thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển, tạo môi trường và cơ hội thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay hành trình tăng trưởng xanh, hướng tới giảm phát thải ròng bằng không.

Ông Lê Minh Khái - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ - cho biết TP.HCM là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, đóng góp khoảng 1/5 GDP, hơn 1/4 thu ngân sách quốc gia, dẫn đầu cả nước về thu hút FDI và xuất nhập khẩu, số doanh nghiệp đang hoạt động chiếm gần 30% cả nước. Tuy vậy, TP.HCM cũng là địa phương có tổng lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất (57,6 triệu tấn, chiếm 23,3% cả nước), về cơ bản nền kinh tế của thành phố chủ yếu vẫn phát triển theo hướng kinh tế tuyến tính và chưa được xanh hóa; công tác bảo vệ môi trường có nhiều tiến bộ song còn nhiều vấn đề đặt ra, nhiều việc phải làm tích cực hơn.

z4695397713181_fb4fe32a94

Diễn đàn kinh tế TP.HCM có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo các Bộ ngành Việt Nam, 1,200 đại biểu trong nước và quốc tế.

Diễn đàn kinh tế với chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không” là một chủ đề rất thiết thực và ý nghĩa, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững hiện nay trên thế giới. Tuy nhiên, để diễn đàn thành công, ông Lê Minh Khái đề nghị cần tập trung vào 3 vấn đề chính sau:

Về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng mới bắt đầu triển khai nên chưa có nhiều kinh nghiệm, do đó cần trao đổi, học hỏi cùng tiến tới nhận thức chung để hành động.

Chuyển đổi xanh và tăng trưởng xanh tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới nhưng cũng đòi hỏi nguồn lực lớn, gồm: tài chính, nguồn nhân lực, công nghệ. Do đó, cần tận dụng tốt cơ hội để kết nối và hợp tác.

Đặc biệt, các hoạt động tiếp nối sau diễn đàn từ các Bộ ngành, trung ương, địa phương, hướng đến việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, các tiêu chí xanh, mô hình thử nghiệm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nhận thức và tiếp cận với cơ hội kinh doanh mới, mạnh dạn liên kết hợp tác và huy động nguồn lực để từng bước chuyển đổi mô hình kinh doanh và hướng đến hiệu quả lâu dài. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân về ý thức tiêu dùng xanh, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, tiến tới một nền kinh tế xanh, kinh tế bền vững trong tương lai không xa.

Phát triển, tăng trưởng xanh cần phải đồng bộ, có lộ trình

Tại phiên khai mạc, có 6 báo cáo chính của các đại biểu xoay quanh các chủ đề như: Xu hướng phát triển tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn đối với các siêu đô thị; Xây dựng hệ sinh thái của mô hình kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng không; Chính sách trong xây dựng tăng trưởng xanh hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng không và sứ mệnh của doanh nghiệp; Nguồn lực trong phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng không và sứ mệnh của doanh nghiệp; Bài học, kinh nghiệm quốc tế thúc đẩy tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn; Thực trạng của TP.HCM và giải pháp trong quá trình áp dụng mô hình tăng trưởng xanh.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - ông Lê Công Thành cho rằng, với vị trí trung tâm kinh tế lớn và năng động, là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP.HCM đã triển khai các bước đi đầu trong phát triển mô hình này với Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.

Xét về các yếu tố cho sự phát triển của kinh tế xanh, TP.HCM có nhiều điều kiện thuận lợi so với các địa phương khác về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ khắp nơi trên cả nước cũng như nước ngoài trong các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, lực lượng đông đảo các doanh nghiệp với nhiều tiềm năng phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất, quản trị và liên kết quốc tế.

Để triển khai hiệu quả mục tiêu giảm phát thải ròng bằng không, TP.HCM cần có kế hoạch, lộ trình rõ ràng, tập trung vào một số nội dung cụ thể. Về phía doanh nghiệp, cần tham gia tiên phong trong chuyển đổi năng lượng, tận dụng được các nguồn vốn mới nổi, các dòng tài chính xanh…

z4695313308864_859358dc9d

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - ông Lê Công Thành - cho rằng TP.HCM có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xanh.

Về phía TP.HCM, cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển đô thị gắn với phát triển hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của mỗi người dân về lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên…

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương - cho rằng việc TP.HCM lựa chọn tiên phong trong phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh là hướng đi đúng, phù hợp định hướng của Đảng và xu thế thế giới.

Theo ông Hiển, để tạo điều kiện thuận lợi cho TP.HCM thực hiện thành công, ngoài nỗ lực của thành phố, Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Trung ương, các bộ ngành cần sớm thể chế hóa đồng bộ.

“Tăng trưởng xanh không thể làm theo phong trào mà phải thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, có tiêu chí đánh giá. Trong đó, cần ưu tiên phát triển một số ngành trong Nghị quyết 29 như: công nghệ số, bán dẫn, công nghệ cao…”, ông Hiển nói.

Ngoài ra, để thúc đẩy tăng trưởng xanh, một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tại diễn đàn, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, thay mặt lãnh đạo thành phố và Ông Jeremy Jurgens - Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới trao bản Tuyên bố chung đã được ký giữa Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và Giáo sư Klaus Schwab - Nhà Sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

z4695389508974_d02dec9f33

Ông Võ Văn Hoan và Ông Jeremy Jurgens trao bản Tuyên bố chung về hợp tác giữa TP.HCM và Diễn đàn kinh tế thế giới.

Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế TP.HCM (HEF 2023), còn diễn ra 3 phiên thảo luận song song, với các chủ đề khác nhau như Hệ sinh thái của mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh - Kinh nghiệm trong nước và quốc tế nhằm hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng không; Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp tăng trưởng xanh, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững cho một siêu đô thị (như TP.HCM); Hợp tác kinh tế tuần hoàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Trước đó, chiều 14/9, lãnh đạo TP.HCM đã có cuộc gặp gỡ với lãnh đạo của các tập đoàn, doanh nghiệp, với tên gọi CEO 100 Tea Connect. Tại buổi gặp, một số chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm cho TP.HCM trong việc tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó, xác định tăng trưởng xanh là động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Thanh Thảo

Tin khác

Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Bộ LĐ,TB&XH vừa qua đã đưa ra phương án đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội thực hiện từ ngày 1/7/2024 cùng với chính sách tiền lương mới. Ba nhóm đối tượng nào được điều chỉnh tăng lương hưu khi cải cách tiền lương?
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hoá đã bắt giữ 2 đối tượng Hoàng Trung Hiếu (tức “Hiếu Bao”), sinh năm 1986 ở thị trấn Thống Nhất và Nguyễn Công Hùng, sinh năm 1991 ở thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Tin tức 15 giờ trước
(SHTT) - Sáng ngày 4/5/2024, 24 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được luân chuyển, điều động, bổ nhiệm thực hiện nhiệm vụ mới.
Tin tức 15 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có những phản hồi tới báo chí về thông tin hãng AstraZeneca thừa nhận vaccine Covid-19 có thể gây cục máu đông kèm giảm tiểu cầu (TTS).
Tin tức 15 giờ trước
(SHTT) - Trong khuôn khổ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024 diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới. Trong đó yêu cầu, mỗi bộ, ngành, địa phương phải có 1 đề án chuyển đổi số.