SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 04/05/2024
  • Click để copy

Luật Thủ đô sửa đổi: Tranh cãi đề xuất cắt điện nước công trình vi phạm

07:43, 28/11/2023
(SHTT) - Đề xuất cho TP Hà Nội được áp dụng biện pháp cắt điện nước đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn tiếp tục nhận được nhiều sự tranh luận tại diễn đàn Quốc hội.

Cắt điện nước là biện pháp không nhân văn

Điều 34 dự thảo luật quy định về "biện pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thủ đô".

Theo đó, dự thảo có quy định "áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy đã bị lập biên bản vi phạm hành chính".

Hoặc với công trình đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính được quy định tại dự thảo luật.

Nội dung này tiếp tục nhận được nhiều sự tranh luận của các ĐBQH.

Trong phiên thảo luận sáng 27/11 của Quốc hội về Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi (Dự thảo), đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đã đặt ra vấn đề: Các vi phạm về xây dựng gây ô nhiễm môi trường, đình chỉ hoạt động có thời hạn là một hình thức xử phạt chính danh, hợp lý, vậy tại sao hình thức xử phạt này không được ưu tiên áp dụng mà phải áp dụng biện pháp khác vốn dĩ không có tính chính đáng?

Điểm b khoản 2 Điều 34 Dự thảo đề xuất cho phép chính quyền áp dụng biện pháp cắt điện, nước đối với các công trình sai phép, quán bar, karaoke vi phạm phòng cháy như biện pháp ngăn chặn đối với hành vi đã bị lập biên bản vi phạm hành chính hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính.

ha noi3

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) tại phiên thảo luận. 

Đại biểu Thạch Phước Bình nói, năm 2020, Quốc hội ban hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng không quy định cắt điện, nước là một biện pháp cưỡng chế hành chính, mặc dù rất nhiều bộ, ngành, cơ quan đề xuất bổ sung biện pháp này.

“Luật Xử lý vi phạm hành chính không thừa nhận biện pháp bởi sẽ gây ảnh hưởng đến quyền cơ bản của công dân, việc này cũng ảnh hưởng đến đời sống của người không vi phạm hành chính. Ví dụ cắt điện, nước tại nhà chung cư, trong khi chủ thể vi phạm là chủ đầu tư, người dân lại có lợi ích liên quan. Bên cạnh đó, biện pháp cắt điện, nước không phải là một biện pháp mang tính nhân văn vì rất dễ ảnh hưởng đến những quyền cơ bản của con người’, ông Bình nêu quan điểm.

Vị đại biểu Trà Vinh phân tích, theo quy định của pháp luật, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động phải áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho người lao động. Các biện pháp đó có thể bảo đảm đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tới nơi làm việc, trang bị phương tiện, kỹ thuật, y tế để đảm bảo ứng cứu, sơ cứu kịp thời khi xảy ra sự cố kỹ thuật. Việc trang bị buồng tắm, buồng vệ sinh cho người lao động không thể nào thoát ly khỏi việc sử dụng điện, nước.

Do đó, vì lý do cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường mà cắt điện, cắt nước thì vô hình chung để người lao động ra khỏi sự bảo đảm của các biện pháp duy trì an toàn vệ sinh lao động.

Ông Bình lập luận, nếu cho rằng cắt điện, nước thì đương nhiên cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ bị đình chỉ luôn hoạt động thì tại sao không áp dụng trực tiếp hình thức xử phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn mà phải áp dụng thông qua biện pháp cắt điện, nước.

Ngoài ra, theo thiên hướng tìm kiếm lợi nhuận, nếu áp dụng biện pháp cắt điện, nước tại một bộ phận khu nhà xưởng nhất định của cơ sở sản xuất kinh doanh thì hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng người sử dụng lao động dồn người lao động vào một khu nhà xưởng không bị cắt điện, nước, lúc này tình trạng ô nhiễm môi trường nếu có lại có thể tiếp diễn. Trường hợp cắt điện nước toàn bộ cơ sở lại có thể phát sinh tình trạng cơ sở sản xuất kinh doanh câu điện lậu, câu điện trái phép, nguy cơ cháy nổ lại hiện hữu.

Với những phân tích nêu trên, vị đại biểu Trà Vinh cho rằng, thừa nhận biện pháp cắt điện, nước là đang sử dụng biện pháp phi trật tự để duy trì trật tự.

Nhưng Hà Nội là đặc thù nên “cắt điện, nước” là phù hợp

Về vấn đề “cắt điện, nước”, ĐB Tô Văn Tám (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) lại có quan điểm ngược lại với các ĐBQH nêu ý kiến trước đó. Ông Tám nêu một số lập luận cho thấy vì sao cần cho phép Hà Nội được áp dụng biện pháp ngừng cung cấp điện, nước đối với vi phạm trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng, PCCC…

Theo ông, thứ nhất, biện pháp này chỉ áp dụng cho một số lĩnh vực thôi chứ không phải tất cả.

Thứ hai, chỉ áp dụng biện pháp này đã bị lập biên bản hoặc xử phạt rồi nhưng vẫn tiếp tục vi phạm mà không chịu khắc phục.

Thứ ba, Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia và trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước, tập trung một lượng rất lớn cư dân, khách du lịch... Yêu cầu đặt ra về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, trong đó có bảo đảm sức khỏe, tài sản, tính mạng con người là rất cao. Do vậy, ông Tám cho rằng biện pháp này nếu áp dụng cho cả nước thì có lẽ chưa phù hợp nhưng đối với đặc thù của Hà Nội thì biện pháp này là phù hợp.

“Dù vậy, khi áp dụng biện pháp này cần chú ý không được làm ảnh hưởng đến các cư dân xung quanh nhằm đảm bảo quyền và lợi ích cho họ” - ĐB Tám nói.

ha noi5

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) 

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận “vấn đề này khác với quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện hành, vượt luật và tương đối đặc thù”, cơ quan soạn thảo đang nghiên cứu, xây dựng.

Ông Long nhấn mạnh: Đây là biện pháp ngăn chặn, không phải là biện pháp xử lý. Cạnh đó, dự luật cũng đã khu trú các địa điểm, tức là tại công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm và cũng khu trú tương đối kỹ lĩnh vực gồm đất đai, xây dựng, PCCC.

Bộ trưởng Tư pháp dẫn thực tế Hà Nội triển khai áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo Nghị định 180 (trong giai đoạn 2008-2018) cho thấy “những biện pháp chúng ta quy định ở trong nghị định này phát huy tác dụng, hiệu quả”.

“Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với băn khoăn của các ĐB. Theo đề nghị của TP Hà Nội, trường hợp Quốc hội tiếp tục cho phép anh em trong Ban soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện đảm bảo quy trình, điều kiện, thẩm quyền và người áp dụng chặt chẽ, để đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người dân, tổ chức có liên quan” - Bộ trưởng Tư pháp nhấn mạnh.

Hương Mi

Tin khác

Pháp luật 8 giờ trước
(SHTT) - Cơ quan CSĐT Công an thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn tất hồ sơ đề nghị truy tố 10 bị can trong đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là nước giặt, nước rửa bát mang nhãn hiệu Thái Lan.
Pháp luật 17 giờ trước
(SHTT) - Theo cảnh báo của Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội, hình thức cung cấp dịch vụ cấp lại mật khẩu, chỉnh sửa thông tin ứng dụng VssID - BHXH có lấy phí là trái pháp luật và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Phần mềm độc hại Trojan được đặt tên là "Brokewell" ngụy trang dưới dạng bản cập nhật cho Google Chrome sẽ thu thập dữ liệu bí mật, có thể “đánh bay” tài khoản ngân hàng của nạn nhân.
Pháp luật 5 ngày trước
(SHTT) - Đạo luật bảo vệ người tiêu dùng mới của Canada đang tạo ra những làn sóng trái chiều. Các doanh nghiệp đang lo ngại việc đạo luật mới mang lại quá nhiều quyền lực cho chính phủ.
Pháp luật 1 tuần trước
(SHTT) - Cơ quan CSĐT Công an thành phố Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Nông Thị Hằng (SN 1987), trú ở xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội về hành vi sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe chống đột quỵ giả.