SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 28/04/2024
  • Click để copy

Lễ hội xuân: Sức hút du lịch của các địa phương

11:21, 17/02/2024
(SHTT) - Lễ hội xuân đầu năm ở các địa phương luôn thu hút du khách. Mỗi lễ hội mang một sắc thái và giá trị riêng. Phần lớn du khách đi lễ với mục đích dâng lễ cầu an, xin tài lộc, cầu cho mùa màng tươi tốt, làm ăn phát đạt...

Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về các lễ hội quy mô dịp đầu xuân. Mới đây, Lễ hội đền Hai Bà Trưng Xuân Giáp Thìn 2024 do huyện Mê Linh tổ chức,đã diễn ra tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh, Hà Nội).

Trong ngày 15/2, ngoài các hoạt động rước kiệu, cúng tế tại lễ hội theo nghi thức truyền thống địa phương, các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống, thi đấu thể thao đã được tổ chức phục vụ nhân dân và du khách đến với Lễ hội… Cùng với lễ kỷ niệm 1984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc Lễ hội Đền Hai Bà Trưng Xuân Giáp Thìn 2024 đã diễn ra sự kiện Chương trình nghệ thuật trình diễn âm thanh, ánh sáng đặc sắc theo công nghệ hiện đại với tên gọi “Âm vang Mê Linh”.

le hoi

 

Cũng trong sáng 15/2 (tức mùng 6 Tết Nguyên đán Giáp Thìn), Lễ hội chùa Hương 2024 (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) khai hội tại sân Thiên Trù. 

Nét mới của lễ hội Chùa Hương năm 2024 là thành lập Hợp tác xã dịch vụ du lịch chùa Hương nhằm chấm dứt tình trạng chèo kéo, tự phát không theo quy định gây bất cập cho hoạt động phục vụ du khách. 

Hệ thống thuyền đò phục vụ cho Lễ hội năm 2024 sẽ do Hợp tác xã dịch vụ du lịch chùa Hương cung cấp, quản lý và thực hiện do UBND xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) chỉ đạo.

Lễ hội là nơi hội tụ các nét sinh hoạt văn hóa như bơi thuyền đêm thơ, múa rồng, lễ phật...cùng với tiếng trống khai hội linh thiêng của nhà chùa trụ trì thượng tọa Thích Minh Hiền gióng lên sẽ đánh thức mọi cỏ cây hoa lá vạn vật để khai xuân mở hội, cầu cho năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, mọi người được bình an, ấm no hạnh phúc.

le hoi1

 

Bên cạnh đó, hội gò Đống Đa diễn ra vào mùng 5 tết Nguyên Đán cũng thu hút khách du lịch. Lễ hội nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của người anh hùng áo vải – Nguyễn Huệ (Vua Quang Trung) và chiến thắng lẫy lừng của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Hàng năm, Lễ hội luôn thu hút rất nhiều sự tham gia của du khách tứ phương vào dịp đầu năm mới.

Lễ hội tái diễn không khí hào hùng, sục sôi khi những tốp người mặc võ phục vây quanh chú rồng được bện từ nùi rơm, giấy bồi, mo nang đánh quyền, múa côn như đang tái hiện lại bối cảnh những cuộc chiến vang danh sử vàng.

Trong khi đó, tại Lào Cai, dịp Xuân Giáp Thìn 2024, địa phương này tổ chức 32 lễ hội nghi lễ và lễ hội dân gian liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số gắn với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian.

Việc duy trì và tổ chức lễ hội đầu Xuân không chỉ thắt chặt tinh thần đoàn kết cộng đồng các dân tộc mà còn góp phần giữ gìn, bảo tồn và quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời thúc đẩy hoạt động du lịch trên địa bàn.

Với 25 dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc ở Lào Cai đều có phong tục, tập quán và lễ hội riêng biệt, khó trộn lẫn. Đồng bào dân tộc Tày, Giáy có Lễ hội Xuống đồng. Đồng bào dân tộc Mông có Lễ hội Gầu Tào. Đồng bào dân tộc Dao có Tết nhảy lửa, Lễ cấp sắc…

le hoi2

 

Mỗi lễ hội phản ánh nét đẹp độc đáo về thế giới quan, nhân sinh quan của từng tộc người nhưng đều có điểm chung là để cảm tạ các vị thần linh cai quản núi rừng, sông suối, cầu mong cho mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa, người dân mạnh khỏe, no ấm.

Tại Quảng Ninh, có trên 60 lễ hội truyền thống diễn ra quanh năm ở khắp các vùng, miền trên địa bàn tỉnh, đa phần gắn với các di tích lịch sử văn hoá tại địa phương... Đặc biệt, nhiều lễ hội diễn ra vào dịp đầu xuân, rất thuận lợi để du khách trẩy hội xuân, tham quan, vãng cảnh.

Mỗi lễ hội ở Quảng Ninh mang một ý nghĩa riêng, đặc sắc nhằm tri ân, thể hiện lòng tôn kính của nhân dân đối với bậc tiền nhân có công lao với quê hương, đất nước, cầu mong mùa màng bội thu, cuộc sống bình yên, ấm no, mong ước cho năm mới bình an, hạnh phúc, may mắn, tài lộc. Những năm gần đây, cùng với việc nâng cao chất lượng đời sống, vật chất cho người dân, các địa phương cũng chú trọng nâng cao đời sống tinh thần bằng việc tổ chức các lễ hội, nhất là lễ hội xuân quy mô hơn, ý nghĩa hơn, qua đó góp phần thu hút du khách đến với địa phương vào dịp mùa xuân.

Thanh Hóa cũng là một trong những địa phương thu hút khách du lịch tham gia lễ hội. Trải dài khắp mảnh đất xứ Thanh đâu đâu cũng có những lễ hội truyền thống được người dân gìn giữ và phát huy qua nhiều thế hệ. Hòa mình cùng dòng chảy của xã hội hiện đại, các lễ hội ngày càng được nâng tầm cả về quy mô và hình thức, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Có không ít lễ hội đã khẳng định được giá trị, tầm vóc khi vượt khỏi ranh giới của làng, xã, trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tiêu biểu như lễ hội đền Bà Triệu (Hậu Lộc), lễ hội Trò Chiềng (Yên Định), lễ hội đền thờ Lê Hoàn (Thọ Xuân), lễ hội Cầu Ngư (Hậu Lộc), lễ hội đền Độc Cước (TP Sầm Sơn), lễ hội Mường Ca Da (Quan Hóa), lễ hội đền Mưng (xã Trung Thành, Nông Cống)...

Các lễ hội như một kho tàng di sản văn hóa quý giá của dân tộc. Mỗi lễ hội là hình ảnh thu nhỏ, biểu đạt giá trị văn hóa truyền thống của mỗi vùng, miền. Việc tổ chức lễ hội không chỉ thể hiện tâm tư hướng về nguồn cội, giữ gìn đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, mà còn đáp ứng nhu cầu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Chính vì vậy, để các lễ hội mùa xuân diễn ra an toàn, giữ được bản sắc, thời gian qua các cấp, ngành trong tỉnh đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn quản lý, tổ chức tốt các hoạt động lễ hội đến từng địa phương theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán. Khuyến khích người dân trình diễn các di sản văn hóa truyền thống tại các lễ hội, đưa các trò chơi, trò diễn dân gian vào lễ hội để thu hút du khách tham gia.

Minh Hà

Tin khác

Giải trí 8 giờ trước
(SHTT) - Nghi Sơn biển ngọc - Khát vọng vươn xa", đó là chủ đề mà di lịch biển Nghi Sơn (Thanh Hóa). Chính thức được khai mạc vào tối ngày 26/4.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Ngày 26/4, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp UBND huyện Ba Vì tổ chức Lễ công bố Điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền, Ba Vì, với chủ đề ”Chữa lành - Tịnh tâm - Dưỡng tuệ”.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc triển lãm “Hải Phòng – Pháp Heritage” với chủ đề “Di sản kiến trúc hôm nay, sự thịnh vượng cho ngày mai”.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Với vị trí đắc địa trên đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, công viên nước Hồ Tây được biết đến như một “thiên đường giải trí hiện đại” đã sẵn sàng để đón du khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Quảng Ninh đang chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 5 ngày và cao điểm du lịch hè 2024. Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị chu đáo, xây dựng nhiều sản phẩm đa dạng, cùng các chương trình kích cầu nhằm phục vụ tốt nhất cho du khách.