Huyện Thanh Trì (Hà Nội): Tạo các điều kiện hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp lớn đến đầu tư tại địa phương
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Tiến Cường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết: Theo tiêu chuẩn thành lập quận, tổng số tiêu chuẩn phải đánh giá là 34 tiêu chuẩn, gồm: 03 tiêu chuẩn về Quy mô dân số, diện tích tự nhiên và số phường trực thuộc (phải đạt 03/03 tiêu chuẩn); 06 tiêu chuẩn về Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế- xã hội; 25 tiêu chuẩn về Hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị.
Đối chiếu với các tiêu chuẩn, đến nay, huyện Thanh Trì còn 4 tiêu chuẩn chưa đạt, gồm: Cân đối thu chi ngân sách chưa đạt, Trường THPT đạt chuẩn quốc gia, Tỷ lệ tuyến phố văn minh, Công trình xanh. Theo các tiêu chuẩn thành lập phường thuộc quận, huyện có 16/16 đơn vị đã đủ điều kiện đạt tối thiểu 10/13 tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị.
Theo Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15, ngày 12/7/2023, về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, giai đoạn 2023 - 2030, qua rà soát, huyện Thanh Trì có 04 đơn vị cấp xã cần phải sắp xếp theo quy định này, gồm: Đông Mỹ, Duyên Hà, Yên Mỹ và Thị trấn Văn Điển. UBND huyện Thanh Trì đã xây dựng 2 phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện để thành lập quận và các phường thuộc quận. Đánh giá tiêu chuẩn theo 14 đơn vị dự kiến thành lập phường, theo phương án 1, thì 14/14 đơn vị đã đủ điều kiện đạt tối thiểu 10/13 tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị.
Tại buổi làm việc, huyện Thanh Trì kiến nghị Thành phố xem xét điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách huyện hưởng nguồn thu tiền sử dụng đất từ 80% lên 100% như đang áp dụng với các huyện khác. Bên cạnh đó, đề nghị Thành phố tiếp tục kiến nghị Trung ương không xem xét tiêu chí “Cân đối thu - chi ngân sách” trong tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế của cấp xã khi phát triển thành phường do tiêu chí này đối với cấp xã rất khó thực hiện.
Tại buổi làm việc, huyện Thanh Trì kiến nghị Thành phố xem xét điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách huyện hưởng nguồn thu tiền sử dụng đất từ 80% lên 100% như đang áp dụng với các huyện khác. Bên cạnh đó, đề nghị Thành phố tiếp tục kiến nghị Trung ương không xem xét tiêu chí “Cân đối thu - chi ngân sách” trong tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế của cấp xã khi phát triển thành phường do tiêu chí này đối với cấp xã rất khó thực hiện.
Đồng thời, đề nghị các Bộ, ban, ngành liên quan đôn đốc các đơn vị có kế hoạch di dời các nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi khu trung tâm đô thị huyện, như: Nhà máy Pin Văn Điển, Phân lân Văn Điển....theo quy hoạch chung Thủ đô đã được duyệt.
Trao đổi tại Hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong đề nghị huyện bổ sung, rà soát số liệu tính toán cụ thể của một số tiêu chí huyện phát triển lên quận, như: tỷ lệ ngõ, ngách, hẻm chiếu sáng, tỷ lệ nước thải được xử lý, đất cây xanh công cộng…Để đảm bảo tiến độ, đề nghị huyện sớm rà soát xây dựng bộ hồ sơ liên quan trình Bộ Xây dựng đánh giá trình độ phát triển hạ tầng đô thị. Sở sẽ tiếp tục phối hợp với huyện rà soát các tiêu chí còn thiếu số liệu, biểu bảng để đảm bảo nội dung liên quan tiêu chuẩn phát triển từ huyện lên quận, xã lên phường.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài lưu ý về các thiết chế văn hóa, bởi hiện nay, huyện mới có 2/16 xã, thị trấn có Trung tâm văn hóa thể thao đạt chuẩn, 13/16 xã có đất quy hoạch đang xây dựng, 1/16 sử dụng thiết chế văn hóa cấp huyện. Do đó, để phấn đấu phát triển lên quận, huyện phải đạt cả tiêu chí về xây dựng các thiết chế văn hóa.
Đối với việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, đồng chí cho rằng phải căn cứ yếu tố lịch sử, văn hóa, bởi đây là yếu tố quan trọng. Theo đồng chí Phạm Xuân Tài, các xã hình thành có gốc từ các làng, nếu chỉ lấy một phần khi nhập vào các xã khác thì yếu tố văn hóa gốc bị ảnh hưởng lớn, do đó, nên tính phương án nhập nguyên 1 xã để giữ yếu tố văn hóa gốc. Về tên các xã sau sáp nhập, đồng chí gợi ý nên đặt theo định hướng phát triển hoặc căn cứ theo đặc điểm văn hóa của 2, 3 xã sáp nhập.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải đánh giá cao báo cáo của huyện đã nêu rõ, cụ thể từng chỉ tiêu, nhất là các giải pháp rõ nét, tính khả thi cao. Đồng chí cho rằng Thanh Trì đang phát triển lên quận trong thời điểm có nhiều lợi thế, về chủ trương của Thành phố, Thành phố triển khai nhiều dự án, đề án lớn...
Về quan điểm phát triển, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh phát triển lên quận phải đảm bảo mục tiêu nâng cao đời sống người dân để sắp xếp, phân bổ nguồn lực triển khai; Phải bám định hướng lớn của Thành phố: văn hiến, văn minh, hiện đại, đô thị văn minh, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ... Về quy hoạch, phải đánh giá lợi thế để xác định điểm mới, điểm đột phá và đặc sắc của huyện để tập trung phát triển tạo nét riêng.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính phải tính đến nhiều yếu tố, không phải chỉ căn cứ trên các yếu tố cơ học thuần túy. Đồng chí cũng yêu cầu phải quan tâm đến vấn đề môi trường, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với huyện quan tâm giải quyết các vấn đề, như: không khí, nghĩa trang, các dòng sông, xử lý rác thải, nước thải, an toàn thực phẩm... “Phải nâng cao và đi sớm hơn nữa và coi đây là vấn đề cấp bách” - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải lưu ý.
Về 3 khâu đột phá, đồng chí yêu cầu huyện và các sở, ngành phải chủ động thúc đẩy nhanh hạ tầng giao thông và hạ tầng khoa học công nghệ, hạ tầng số đem lại nguồn lực, thay đổi bộ mặt của huyện
Về nguồn lực, phải tập trung vào con người và nguồn nhân lực chất lượng cao; rà soát lại khung quy hoạch của quy hoạch Thủ đô để xác định vị trí của huyện. Để cân đối ngân sách, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cho rằng phải thu hút các doanh nghiệp lớn và đẩy mạnh chuyển đổi số để tạo nguồn thu bền vững.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá huyện Thanh Trì đã báo cáo rõ việc, rõ tỷ lệ, rõ tiêu chí xây dựng, phát triển huyện lên quận, xã lên phường. Cơ bản nhất trí với báo cáo và hoan nghênh huyện đã tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, nhiệm vụ xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, đồng hành là xây dựng đề án xây dựng, phát triển huyện lên quận, xã lên phường, trong đó, đã có 27/31 tiêu chí kinh tế -xã hội đạt và cơ bản đạt, 3 tiêu chí chung đã hoàn thành.
Thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị huyện Thanh Trì tiếp tục rà soát kỹ 27 tiêu chí đã đạt, đối với 4 tiêu chí còn lại, phải có kế hoạch thực hiện cụ thể từ nay đến tháng 6/2024. Từ nay đến cuối năm, huyện phải tiếp cận được với các tiêu chí này. Để đạt được tiêu chí cân đối thu-chi ngân sách, đồng chí lưu ý cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nuôi dưỡng, thu hút và khai thác có hiệu quả các nguồn thu, trong đó, phải tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp lớn đến đầu tư.
Đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu phải phải tiến hành song song xây dựng huyện phát triển lên quận, xã lên phường, phải tiến hành cẩn trọng và phải bám sát các yếu tố văn hóa, lịch sử của từng địa phương. Ngoài ra, huyện phải đảm bảo giữ gìn tốt an ninh trật tự và đẩy mạnh tuyên truyền đến từng người dân để thấy được lợi ích của việc xây dựng, phát triển huyện lên quận, xã lên phường tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện.
Lường Linh
TIN LIÊN QUAN
-
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo tăng cường phòng cháy, chữa cháy trong quản lý, sử dụng điện
-
Hà Nội: Chuyển Cơ quan Công an điều tra vụ việc có dấu hiệu sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh
-
Hà Nội định hướng mô hình 'Thành phố Phía Tây': Thể hiện tầm nhìn, chiến lược mới
-
Hà Nội: Mạnh tay truy quét những địa điểm tập kết khí cười