Hải Dương tịch thu gần 10 tấn quần áo đã qua sử dụng không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Mới đây, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định xử phạt đối với ông Nguyễn Văn Thiết (sinh năm 1992; địa chỉ: Khu dân cư Hiệp Thạch, phường Hiệp Sơn, Thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ với số tiền 45 triệu đồng, đồng thời tịch thu 9.794 kg quần áo may sẵn các loại đã qua sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ có trị giá 244.850.000 đồng.
Trước đó, vào ngày 29 tháng 10 năm 2023, Đội QLTT số 5 tổ chức khám phương tiện vận tải theo thủ tục hành chính đối với xe ô tô tải mang biển kiểm soát 20C-251.61 do ông Phạm Văn Phục (địa chỉ: Thôn Văn Lang, xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) điều khiển, phát hiện trên phương tiện có 9.794 kg quần áo may sẵn các loại không có giấy tờ mua bán, hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo; hàng hóa đều đã qua sử dụng, được đóng gói theo kiện, đựng trong 166 bao tải dứa. Toàn bộ hàng hóa được xác định thuộc sở hữu của ông Nguyễn Văn Thiết.
Quá trình xác minh, làm việc xác định số quần áo nêu trên là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đội QLTT số 5 đã lập Biên bản vi phạm hành chính, trình Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương xử phạt theo quy định.
Theo mục 2 Phụ lục 1, Nghị định 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ thì một trong những danh mục các hàng hóa cấm nhập khẩu bao gồm: Hàng tiêu dùng, thiết bị y tế, phương tiện đã qua sử dụng, bao gồm các nhóm hàng gồm hàng dệt may, giày dép, quần áo; Hàng điện tử; Hàng điện lạnh; Hàng điện gia dụng; Thiết bị y tế; Hàng trang trí nội thất; Hàng gia dụng bằng gốm, sành sứ, thủy tinh, kim loại, nhựa, cao su, chất dẻo và các chất liệu khác; Xe đạp; Mô tô, xe gắn máy.
Như vậy quần áo qua sử dụng thuộc diện hàng hóa cấm nhập khẩu, và các mặt hàng tiêu dùng khác đều thuộc danh mục hành hóa cấm nhập khẩu, vì vậy kinh doanh các hàng hóa trên vi phạm hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Do đó, người dân không kinh doanh, vận chuyển các hàng hóa qua sử dụng thuộc danh mục cấm nhập khẩu như quần áo, đồ điện tử, đồ gia dụng, thiết bị y tế, hàng trang trí nội thất.
Theo đó, hành vi vi phạm về hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, được quy định tại Điều 36 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/08/2020.
Hành vi vi phạm về hàng hóa cấm xuất khẩu, nhập khẩu sẽ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả tại Khoản 3 Điều 36 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/08/2020, buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường đối với hành vi vi phạm tại phần mức xử phạt nêu trên, trừ trường hợp buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa vi phạm đối với hành vi vi phạm tại phần mức xử phạt nêu trên. Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Lường Linh
TIN LIÊN QUAN
-
Hà Nội: Phát hiện cơ sở kinh doanh sơn nội thất có dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ
-
Thanh Hóa: Nhiều thiết bị âm thanh có dấu hiệu giả mạo bị tạm giữ
-
Hà Nội: Phát hiện phương tiện vận chuyển hàng trăm sản phẩm thực phẩm có dấu hiệu nhập lậu
-
Gần 118.000 hộp sữa chua Meiji bị thu hồi do nguy cơ nhiễm thuốc thú y