SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Đón đầu xu hướng bỏ phố về quê, Dầu Tiếng đẩy mạnh du lịch nghỉ dưỡng

14:50, 01/12/2020
(SHTT) - Huyện Dầu Tiếng nằm tiếp giáp các điểm du lịch nổi tiếng và thừa hưởng lợi ích trực tiếp từ hạ tầng của đô thị. Vì vậy, thời gian tới, huyện Dầu Tiếng sẽ phát triển mạnh về du lịch nghỉ dưỡng, tâm linh không chỉ cho người dân địa phương mà còn từ TP.HCM và các vùng phụ cận.

“Bỏ phố về quê” sau dịch Covid-19

Dịch Covid-19 xuất hiện đã gây ra những áp lực cho nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, đại dịch Covid-19 đã làm suy yếu nghiêm trọng thị trường màu mỡ này. Hàng nghìn giao dịch tạm đóng cửa, nhiều công ty buộc phải tuyên bố phá sản.

Thế nhưng bằng những nỗ lực tuyệt vời, Việt Nam đã bước ra được khỏi 3 lần bùng dịch Covid-19 trong khi thế giới vẫn đang phải gồng mình chống dịch. Đến thời điểm hiện tại, kinh tế Việt Nam đã bắt đầu có những bước khởi sắc sau khi đại dịch lắng xuống. Thị trường bất động sản theo đó cũng bắt đầu sôi động khi các doanh nghiệp và nhà đầu tư lên dây cót để chạy đà trở lại. Trong đó, dòng chảy dịch chuyển về những thị trường mới, tiềm năng và mang lại lợi nhuận nhanh hơn. Phân khúc đô thị nghỉ dưỡng chính là phương án được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.

3 (4)

Ngày càng có nhiều bạn trẻ tìm đến khu vực hồ Dầu Tiếng để tổ chức những buổi dã ngoại vào cuối tuần (Ảnh: Nhóm Camp hồ Dầu Tiếng) 

Thực tế, đại dịch Covid-19 xảy ra cho thấy các đô thị đông đúc như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng,… chính là điểm yếu để dịch bệnh dễ dàng tấn công. Trong khi đó, các vùng nông thôn với không khí trong lành, thiên nhiên tươi mát là nơi ít phát tán dịch bệnh nhất. Chính vì vậy, sau đại dịch, nhu cầu “bỏ phố về quê” của khách hàng đang ngày càng phát triển. Tại khu vực lân cận TP.HCM, huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) đang là điểm đến lý tưởng của nhiều ông lớn bất động sản.

Điển hình như Công ty trách nhiệm hữu hạn Sealake Việt Nam đang xin chủ trương làm Khu nhà ở Sealake và Khu du lịch sinh thái trên quỹ đất khoảng 49,6ha tại xã Định An (huyện Dầu Tiếng) với tổng số vốn là 2.400 tỷ đồng. Với vị trí tiếp giáp với tuyến ĐT744 và gần sông Sài Gòn, Khu độ thị nghỉ dưỡng này rất thuận lợi giao thông đường bộ và các khu vực xung quanh. Ngoài ra, trong khu vực có nhiều nhà máy, xí nghiệp đang hoạt động, tập trung đông người là cán bộ công nhân viên làm việc trong các nhà máy xí nghiệp. Do đó, việc đầu tư khu nhà ở đầy đủ, hoàn thiện hạ tầng để phục vụ nhu cầu ở và sinh hoạt cho người lao động có thu nhập trung bình là cần thiết. 

Hạ tầng của đô thị hạt nhân

Dầu Tiếng là một huyện phía tây bắc của tỉnh Bình Dương, cách trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương khoảng 50 km, cách TP.HCM khoảng 50km và tiếp giáp nhiều đô thị như Thị xã Bình Long (Bình Phước), Thị xã Bến Cát. Với vị trí thuận lợi, huyện Dầu Tiếng từ xưa đã có hệ thống giao thông đa dạng từ đường thủy, đường bộ, thông thương với các vùng kinh tế, dân cư trong tỉnh. Cụ thể, tuyến ĐT744 kết nối hồ Dầu Tiếng đến huyện Củ Chi (TP.HCM) với chiều dài khoảng 30km và đi dọc hết huyện Dầu Tiếng đến TP Thủ Dầu Một với chiều dài khoảng 60km. Từ hồ Dầu Tiếng, đi dọc ĐT744 sau đó rẽ vào ĐT749 sẽ gặp Quốc lộ 13 và Quốc lộ 14 tại huyện Chơn Thành. Từ đây, có thể đi đến TP Đồng Xoài và lên Tây Nguyên một cách dễ dàng.

Bên cạnh đó, không chỉ tại Bình Dương, huyện Dầu Tiếng được kỳ vọng có thể trở thành một trong những điểm kết nối du lịch quan trọng từ TP.HCM đến tỉnh Tây Ninh và ngược lại. Để làm được điều đó, hệ thống hạ tầng giao thông là một trong những vấn đề được tỉnh Bình Dương đặc biệt quan tâm.

Trong thời gian tới, đường Hồ Chí Minh kết nối cao tốc Mộc Bài - TP.HCM với Quốc lộ 22 được hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ tạo ra mạng lưới giao thông liên hoàn để phát triển khu vực.

Ngoài ra, theo quyết định của UBND tỉnh Bình Dương về phê duyệt Quy hoạch chi tiết hệ thống cảng, bến thủy nội địa tầm nhìn đến 2030, huyện Dầu Tiếng sẽ quy hoạch cảng hàng hóa gồm: Cảng Phú Cường Thịnh xây dựng mới trên sông Sài Gòn (đoạn xã Thanh Tuyền), nhằm đáp ứng nhu cầu tập kết hàng hóa khu vực phía đông bắc của tỉnh. Cảng được bố trí cầu tàu giúp các phương tiện thủy neo đậu trong điều kiện xả lũ hồ Dầu Tiếng.

4

Huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) là vùng đất màu mỡ của Bất động sản

Một cảng khác là cảng Thanh An trên sông Sài Gòn sẽ đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa khu vực phía bắc, đặc biệt là hàng hóa của các Khu công nghiệp tại huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Phước và khu vực Tây Nguyên. Quy hoạch bến hàng hóa, trong đó mở mới bến Cần Giăng tại ấp Cần Giăng (xã Thanh An) để phục vụ vận chuyển hàng hóa Cụm công nghiệp Thanh An. Từ những quy hoạch mới này, các tuyến quốc lộ xung quanh cũng được giảm tải áp lực lưu thông.

Không dừng lại ở đó, từ 2012, Bình Dương có 2 đề xuất quy hoạch sân bay tại xã Lai Hưng (Bến Cát) và Định An (Dầu Tiếng). Trong đó, sân bay tại huyện Dầu Tiếng nằm gần khu du lịch Núi Cậu, với quy mô đạt cấp 4C, dự kiến dùng cho mục đích quốc phòng và phát triển kinh tế địa phương.

Việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, kết nối trên cả đường bộ, đường thủy và hàng không, cùng với đó là sự hình thành các cụm công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng như địa điểm du lịch vốn có đã tạo đà cho Dầu Tiếng phát triển. Từ đây, xác lập sân chơi mới cho thị trường bất động sản tại địa phương đầy tiềm năng này. Trong đó, với nhiều địa điểm du lịch có tiềm năng khai thác cao như quần thể hồ Dầu Tiếng - Núi Cậu, địa phương này rất phù hợp cho các dự án nghỉ dưỡng tâm linh.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng, tâm linh

Vốn xuất phát là huyện thuần nông, Dầu Tiếng có địa hình đất đai bằng phẳng nhờ các nông trường cao su mà người dân khai thác từ gần trăm năm nay. Địa phương này có ưu thế là không khí trong lành, thời tiết ôn hòa, quỹ đất sạch. Chính những tiềm năng về nghỉ dưỡng, cảnh quan thiên nhiên là yếu tố nổi bật giúp huyện Dầu Tiếng ngày một chứng minh năng lực đáp ứng được xu thế phát triển du lịch nghỉ dưỡng.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế của huyện trong giai đoạn 2020 - 2025 của địa phương này. Từ Dầu Tiếng, chỉ mất 40 phút để đến khu di tích Củ Chi, 2 tiếng để đến sân bay Tân Sơn Nhất. Đặc biệt, Dầu Tiếng cách điểm du lịch tâm linh nổi tiếng là núi Bà Đen chỉ khoảng 25km.

Theo ghi nhận, trên địa bàn huyện có 20 di tích đã được công nhận, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia là di tích lịch sử Sở Chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh và 19 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh... Đặc biệt, nhắc đến tiềm năng du lịch của huyện Dầu Tiếng không thể thiếu khu du lịch sinh thái Núi Cậu và lòng hồ Dầu Tiếng.

2 (6)

Chùa Thái Sơn Núi Cậu đang là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại Bình Dương 

Hồ Dầu Tiếng là một trong những hồ nước nhân tạo lớn nhất của cả nước và Đông Nam Á, với diện tích mặt nước 2.560 ha, dung tích chứa trên 1,5 tỷ m³ nước. Hồ đã cung cấp nguồn nước sinh hoạt và sản xuất không chỉ cho huyện Dầu Tiếng mà còn cho tỉnh Tây Ninh, TP.HCM và tỉnh Long An).

Núi Cậu là một quần thể gồm 21 ngọn núi lớn, nhỏ khác nhau tạo thành, với tổng diện tích lên đến 1.600 ha. Những ngọn núi này nối liền nhau, tạo thành một dãy núi nhấp nhô kéo dài. Núi Cậu là nơi có nhiều loại thảo mộc thiên nhiên phong phú, với nhiều loại gỗ quý. Cây cối xanh tươi, trù phú quanh năm nên Núi Cậu vẫn là nơi sinh sống lý tưởng của nhiều loại động vật rừng. Tại đây, chùa Thái Sơn chính là một trong những điểm đến du lịch tâm linh của khách hành hương trong và ngoài tỉnh Bình Dương.

Đây đều là những điều kiện thuận lợi để địa phương khai thác các loại hình du lịch văn hóa, tâm linh và sinh thái dã ngoại.

Rõ ràng, trước bối cảnh quỹ đất tại TP.HCM và các vùng trung tâm Bình Dương đang khan hiếm, giá cực kỳ đắt đỏ thì nhu cầu đầu tư và sở hữu một bất động sản nghỉ dưỡng giá rẻ, chất lượng tương tự là điều ai cũng mong ước. Trước tốc độ tăng trưởng nhanh về kinh tế và du lịch, kéo theo hạ tầng lưu trú tại đây đang trở nên nhộn nhịp, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, phân khúc đất nền nghỉ dưỡng giá rẻ tại Dầu Tiếng sẽ nhanh chóng trở thành nguồn cung được quan tâm hàng đầu.

Nhật Linh

Tin khác

Kinh tế 3 giờ trước
(SHTT) - Ford cho biết quý đầu năm 2024, họ bán được 10.000 xe điện, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế 21 giờ trước
(SHTT) - UBND TP Hà Nội đã lên kế hoạch tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội.
Kinh tế 21 giờ trước
(SHTT) - Trong khuôn khổ diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2024 (VOBF 2024) diễn ra tại Hà Nội sáng 25/4, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã công bố Báo cáo chỉ số thương mại điện tử (EBI) 2024, với nhiều thông tin và con số đáng chú ý.
Kinh tế 21 giờ trước
(SHTT) - Hôm nay (ngày 25/4), giá xăng trong nước đã được Bộ Công Thương - Bộ Tài chính điều chỉnh giảm. Mỗi lít xăng RON 95 giảm 320 đồng, làm giảm giá bán xuống dưới mức 25.000 đồng/lít.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Năm 2024, VECOM tiếp tục hoàn thiện tính chỉ số thương mại điện tử (TMĐT). Bên cạnh việc tính toán dựa vào kết quả khảo sát hàng nghìn DN VECOM còn sử dụng nhiều kênh thông tin định lượng tin cậy khác. Tên miền quốc gia “.VN” tiếp tục là yếu tố quan trọng nhất trong đánh giá hạ tầng cho TMĐT.