SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 02/05/2024
  • Click để copy

Doanh nghiệp chủ động trong phòng vệ thương mại, đừng để ‘nước đến chân mới nhảy’

03:44, 19/09/2021
Nhiều doanh nghiệp còn thiếu hiểu biết hoặc hiểu chưa đúng về phòng vệ thương mại nên có tâm lý chủ quan trong ứng phó phòng vệ thương mại khi tham gia hoạt động xuất khẩu.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng bình quân 11,7% trong giai đoạn 2016-2020, đạt 281,5 tỷ USD năm 2020. Trong 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, hiện nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài. Bộ Công Thương cho biết, đến hết tháng 7-2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 207 vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Trong đó, số vụ việc điều tra từ năm 2011 đến nay là 160, chiếm tỷ lệ 77%.

Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Lê Triệu Dũng cho biết, trên thế giới, các biện pháp phòng vệ thương mại đã có lịch sử gần 100 năm, nhiều nước phát triển đã thiết lập hệ thống pháp luật, cơ quan điều tra, nguồn nhân lực... về phòng vệ thương mại. Đây là công cụ chính sách được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép các nước thành viên sử dụng nhằm bảo vệ sản xuất trong nước trước các hành vi cạnh tranh được coi là không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu, như bán phá giá hay được trợ cấp từ chính phủ; hoặc hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh, ảnh hưởng tới sản xuất nội địa. Cộng đồng doanh nghiệp trên thế giới đã “sống chung” với công cụ phòng vệ thương mại này và coi đây là một phần quan trọng trong môi trường kinh doanh.

Trong khi đó, tại Việt Nam, phòng vệ thương mại là lĩnh vực khá mới mẻ với cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp còn thiếu hiểu biết hoặc hiểu chưa đúng về phòng vệ thương mại nên có tâm lý chủ quan trong ứng phó phòng vệ thương mại khi tham gia hoạt động xuất khẩu. Ví như mới đây, về việc Bộ Thương mại Mỹ khởi xướng điều tra chống phá giá đối với sản phẩm mật ong Việt Nam, Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam Đinh Quyết Tâm cho biết, đây là lần đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam gặp vấn đề này sau hơn 30 năm xuất khẩu mật ong sang Mỹ. Hiện nay, hơn 90% sản lượng mật ong Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ (khoảng 50.000 tấn năm 2020), nên theo ông Đinh Quyết Tâm, sự việc này đã gây nhiều khó khăn cho ngành nuôi ong trong nước.

Đồng quan điểm, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh cho rằng, việc bị nước ngoài áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại gây tác động tiêu cực tới hàng hóa xuất khẩu, làm giảm lợi thế cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp hoặc đứng trước nguy cơ mất thị trường…

Cũng theo Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Lê Triệu Dũng, trong bối cảnh nhiều nước tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó có hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ từ việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, thành lập cơ quan chuyên môn đến việc ban hành các chương trình, đề án nhằm nâng cao năng lực thực thi trong lĩnh vực này.

Trong các vụ việc khởi kiện và kháng kiện, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp trên nhiều mặt. Nhờ đó, nhiều mặt hàng của Việt Nam, như cá basa, tôm, tiếp tục được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu… với thuế suất bằng 0% hoặc ở mức thấp. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường cảnh báo sớm, phổ biến kiến thức pháp luật về gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp cho doanh nghiệp và tiến hành kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Bên cạnh vai trò của cơ quan chức năng, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh cho rằng, yếu tố quan trọng nhất là doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”, mà trước hết là nâng cao hiểu biết về lĩnh vực này, phải nắm rõ vai trò và tác động nhiều chiều của các biện pháp phòng vệ thương mại, những căn cứ cơ bản để có thể sử dụng được biện pháp này…

Tin khác

Tin Tổng hợp 7 tháng trước
(SHTT) - Nhân viên tại cửa hàng 97 Trần Duy Hưng có 02 loại chính là “Lê sữa” và “Lê nâu” đều có xuất xứ chính hãng từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng có mặt kiểm tra, đại diện cơ sở kinh doanh từ chối trả lời các câu hỏi với lý do “chỉ trông hộ cửa hàng”.
Tin Tổng hợp 9 tháng trước
Dự báo thời tiết ngày 17/7, Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, Tây Nguyên và Nam Bộ mưa kéo dài.
Tin Tổng hợp 9 tháng trước
Dự báo thời tiết ngày 11/7, Bắc và Trung Bộ tiếp diễn những ngày nắng nóng gay gắt, từ chiều tối về đêm có mưa rào rải rác.
Tin Tổng hợp 1 năm trước
Mới đây, Vinhomes đã tung chính sách bán hàng “khủng chưa từng có” với khoản hỗ trợ lãi suất lên tới hơn 3 năm cho khách hàng mua căn hộ
Tin Tổng hợp 1 năm trước
Bùng nổ quyết tâm, khát khao mạnh mẽ và tràn đầy khí thế trong từng khoảnh khắc là hình tượng của các chiến binh sales tham gia lễ kick-off Crystal Holidays Harbour Vân Đồn - dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô bậc nhất tại Quảng Ninh thời điểm hiện tại.