Điều ít biết về ông Bùi Thành Nhơn, tỷ phú kín tiếng của thị trường chứng khoán VN
Ông Bùi Thành Nhơn (1958) là cử nhân ngành chăn nuôi thú y và cử nhân quản trị kinh doanh cao cấp HSB Tuck School of Business tại Đức.
Từ năm 1981 đến 1992, ông Nhơn công tác tại Phòng Nông nghiệp Ủy ban Nhân dân Huyện Nhà Bè và Công ty Vật tư Chăn nuôi Thú y cấp I, TPHCM.
Năm 1992, ông Nhơn khởi sự kinh doanh bằng việc thành lập Công ty TNHH Thương Mại Thành Nhơn với số vốn điều lệ 400 triệu đồng để kinh doanh thuốc thú y, nguyên liệu dược, hóa chất.
Những năm 2006 – 2007, khi thị trường địa ốc lên cơn “sốt”, ông Nhơn cũng như nhiều doanh nhân khác đã tìm đến bất động sản. Năm 2007, tập đoàn Nova được thành lập bao gồm 2 mảng chính do 2 công ty độc lập quản lý là CTCP Anova và CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland).
CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản với mức vốn điều lệ ban đầu là 95.3 tỷ đồng. Sau hơn 12 lần tăng vốn, đến tháng 11/2016, con số này xấp xỉ 5,962 tỷ đồng.
Hệ thống mạng lưới của Novaland hiện tại gồm 1 văn phòng đại diện, 11 sàn giao dịch và 3 chi nhánh – sàn giao dịch. Hiện tại Novaland có 40 công ty con và 6 công ty liên kết.
Ngày 28/12/2016, 589, 4 triệu cổ phiếu Novaland chào sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 50,000 đồng/cổ phiếu, đây là toàn bộ cổ phiếu phổ thông của Novaland.
Với mức giá này, vốn hoá của Novaland ngay khi lên sàn là 29.500 tỷ đồng (khoảng 1,3 tỷ USD), trở thành doanh nghiệp bất động sản lớn thứ 2 trên thị trường chứng khoán, chỉ đứng sau Tập đoàn Vingroup.
Chỉ sau 1 ngày sau khi niêm yết, ngày 29/12/2016, cổ phiếu này đã nhanh chóng tăng trần lên 60.000 đồng/cp (+20%), ngang bằng với mức giá giao dịch trên thị trường tự do trước đó. Sáng 29/12, Novaland có lúc lên tới 61.500 đồng/cp.
Năm 2015 Novaland đạt doanh thu gần 6.700 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so với doanh thu năm 2014. Lợi nhuận sau thuế theo đó cũng tăng mạnh, lên 442 tỷ đồng, gấp 4,6 lần năm trước.
Tài sản Novaland đến cuối năm 2015 là 26.570 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ gần 8.000 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm 2016, Novaland đạt doanh thu 7.185 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.560 tỷ đồng, thay đổi lớn so với doanh thu 2.324 tỷ đồng và lỗ gần 90 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
2 năm gần đây, Novaland đang liên tục tăng vốn. Cuối năm 2014, vốn điều lệ là 2.300 tỷ đồng, đến cuối năm 2015 là 3.700 tỷ đồng và khi lên sàn tăng lên tới 5.890 tỷ đồng.
Sở hữu 126,2 triệu cổ phiếu NVL, ông Bùi Thành Nhơn nắm 21,4% vốn tại Novaland và khối tài sản của ông hiện có giá trị 7.584 tỷ đồng.
Trước khi lên sàn, ông Nhơn và con trai (ông Bùi Cao Nhật Quân) cùng vợ trực tiếp và gián tiếp nắm giữ hơn 65% cổ phần Novaland. Số cổ phiếu nhà ông Nhơn nắm giữ lên tới hơn 23,4 ngàn tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD.
Novaland lên sàn cũng ngay lập tức trở thành doanh nghiệp bất động sản lớn thứ 2 trên thị trường. Tập trung chủ yếu tại thị trường TPHCM, Novaland hiện là doanh nghiệp hàng đầu trong phân khúc nhà ở trung-cao cấp.
Báo cáo của Novaland cho biết, 40 dự án của công ty hiện có tổng diện tích sàn lên tới gần 10 triệu m2 và 11 dự án sắp triển khai có tổng diện tích sàn 4,1 triệu m2. Doanh thu và lợi nhuận năm 2016 đều tăng vọt so với 2015 và có thể còn tăng mạnh hơn nữa trong năm 2017.
Khi Novaland chưa lên sàn, ông Nhơn thường được nhắc đến là một tỷ phú “giấu mặt”, nhưng giờ đây, sự giàu có của gia đình Chủ tịch Novaland đã được nhận diện rõ ràng.
Nếu tính riêng, ông Nhơn đứng thứ 4 trên sàn chứng khoán về mức độ giàu có, sau ông Phạm Nhật Vượng, ông Trịnh Văn Quyết (chủ tịch Faros ROS) và ông Trần Đình Long (chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát HPG).
- Sự chênh lệch giàu nghèo trên thế giới
- Kinh nghiệm để có cuộc phỏng vấn hoàn hảo từ nữ sinh Harvard
- Giám đốc Công ty CT – Tây Nguyên vinh dự nhận giải Doanh nhân tiêu biểu 2016
Theo Enternews.vn