Đà Nẵng: Xây dựng, phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho 'Chả cá Thanh Khê'
Từ lâu, chả cá Thanh Khê là đặc sản ngon nổi tiếng không chỉ dành riêng cho người dân Đà Nẵng. Chả cá có thể làm nên những món ngon độc đáo trứ danh của thành phố biển như bún chả cá, bánh cuốn chả cá với giá bình dân mà ngon miệng.
Cư dân quận Thanh Khê có nhiều gia đình làm nghề chế biến chả cá. Cá lấy từ cảng cá Thọ Quang làm nguyên liệu với những loại cá đéc, cá thu, cá lạt, cá giũa, cá sọc nhung… còn tươi xanh. Nguyên liệu được rửa sạch, phi lê lấy thịt rồi xay, ướp theo bí quyết. Sau mới đưa vào máy đánh, ép thành từng miếng, chiên qua dầu hoặc hấp.
Tuy nhiên, một vài "con sâu làm rầu nồi canh" như những vụ việc phát hiện chả cá bẩn, chả cá sử dụng chất phụ gia không rõ nguồn gốc hay tình trạng "mạo nhận" chả cá Thanh Khê để cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng hình ảnh của nghề. Từ nhiều năm trước, UBND thành phố cũng như quận Thanh Khê mong muốn đưa sản phẩm địa phương sớm định vị thương hiệu chất lượng, phát triển làng nghề đủ khả năng phục vụ cho thương mại – du lịch.
Tuy nhiên, sản phẩm này vẫn loay hoay trong nhiều chưa đủ một số điều kiện về xác lập tài sản trí tuệ để bước ra thị trường lớn.
Để sản phẩm được tin dùng và ngày càng nhiều người biết đến, tháng 4/2022, UBND TP Đà Nẵng phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố năm 2022 thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 (đợt 1).
Ngày 17/6/2022, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Đà Nẵng họp Hội đồng tư vấn tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ: “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Chả cá Thanh Khê”. Đây là nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố năm 2022. Kết quả, Công ty Cổ phần Sở hữu công nghiệp INVESTIP trúng tuyển đơn vị chủ trì.
Theo hợp đồng ký kết, thời gian thực hiện nhiệm vụ từ tháng 11/2022 - 11/2024. Mục tiêu của nhiệm vụ tạo lập và đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu chứng nhận “Chả cá Thanh Khê”, cho sản phẩm Chả cá của quận Thanh Khê.
"Thời gian tới, chả cá Thanh Khê sẽ được xây dựng các phương tiện, công cụ quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận. Đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ và người dân địa phương kiến thức chung về sở hữu trí tuệ, kỹ thuật chế biến và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, tiến hành các lớp tập huấn về marketing sản phẩm và phát triển thị trường", ông Lê Đức Viên - Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng cho hay.
Bảo Hòa
TIN LIÊN QUAN
-
Trao giải 15 đề tài xuất sắc Sinh viên nghiên cứu khoa học Đà Nẵng 2022
-
Đà Nẵng: Lần đầu tiên ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tổ chức tại trường Đại học
-
Đà Nẵng: Cơ hội đầu tư hấp dẫn vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo
-
Zaloha thương hiệu đầu tiên làm 'cánh tay nối dài' cho bảo hiểm xã hội tại Đà Nẵng