Cần tạo liên minh để dẹp tình trạng vi phạm bản quyền báo chí
Trên thực tế, vấn đề vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí đã được đặt ra từ rất lâu. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt là đối với các sản phẩm báo chí điện tử. Việc sao chép, đánh cắp bản quyền không chỉ diễn ra với mạng xã hội, các trang thông tin điện tử, mà còn phổ biến với chính các cơ quan báo chí, nhất là báo điện tử.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, nạn vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí đang diễn ra giữa các cơ quan báo chí với nhau, giữa báo chí và trang tin điện tử, giữa báo chí và không gian mạng xuyên quốc gia... Và thói quen đọc báo của bạn đọc đã thay đổi, chuyển từ báo giấy sang không gian mạng, kể cả được mạng xã hội gợi ý đọc thông tin; đồng thời không ai quan tâm tin tức đó đến từ đâu. Vì vậy, trước hết các cơ quan báo chí cần có giải pháp bảo vệ lẫn nhau.
Chia sẻ về điều này, ông Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM (PLO.vn) cho biết: “Rất nhiều sản phẩm báo chí của chúng tôi sau khi được xuất bản đã bị các trang web khác, các tài khoản mạng xã hội… tự ý lấy lại, khai thác sử dụng trái phép mà không hề trích dẫn nguồn, dẫn link. Thậm chí, có khi chúng tôi vừa xuất bản một phóng sự điều tra độc quyền thì ngay sau đó đã có những trang web lấy lại và đăng trái phép trên trang của họ để câu view. Chưa kể, những trang web giả mạo, những fanpage trên mạng xã hội giả danh là fanpage của Báo”.
Vì vậy lãnh đạo Báo Pháp luật TP.HCM cũng đề xuất các cơ quan báo chí cần tăng cường hợp tác với nhau và với các đối tác truyền thông, công nghệ để cùng chung tay chống vấn nạn vi phạm bản quyền này.
Cùng ý kiến, nhà báo Nguyễn Ngọc Hiển, Tổng biên tập Báo Lao Động cho biết, thực trạng vi phạm bản quyền hiện nay đã ở mức báo động đỏ và sự liên minh liên kết để tạo ra sức mạnh tập thể nhằm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí là không thể chần chừ.
Tuy vậy, việc bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí cần phải làm theo nhiều giai đoạn và phải có các nghiên cứu rất tỉ mỉ, mang tính chiến lược, hệ thống và theo lộ trình phù hợp.
Theo ông Hiển, giai đoạn đầu, các cơ quan báo chí đồng lòng hướng đến việc bảo vệ bản quyền trước các nền tảng mạng xã hội nước ngoài. Theo đó, phải xây dựng quy định yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google… khi sử dụng, khai thác thông tin của báo chí Việt Nam phải trả phí cho các cơ quan báo chí, đúng tiêu chí: Khai thác - trả tiền.
“Ở trong nước, phải chấm dứt việc các cơ quan báo chí tùy tiện sử dụng thông tin của các cơ quan báo chí khác khi không được cho phép. Hiện đã có quy định, cần xử phạt nghiêm với các cơ quan trích dẫn nguồn tin không xin phép. Làm sao có thể khiếu nại, đòi hỏi quyền lợi của mình khi chính mình không tuân thủ cuộc chơi?”, ông Hiển đề xuất.
Hà Mai