SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 27/04/2024
  • Click để copy

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn về lĩnh vực khoa học và công nghệ

16:12, 07/06/2023
(SHTT) - Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN).

Nội dung chất vấn tập trung vào những vấn đề lớn: Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến vào cuộc sống.

"Điểm kích nổ” để Việt Nam bứt phá về khoa học công nghệ là nhân tài

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) mở đầu vấn đề tranh luận bằng đề nghị Bộ trưởng Bộ KH&CN cho biết, trong năm qua, số đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước có bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng? Trong số đó có bao nhiêu đề tài mang lại kết quả thiết thực?

Vị đại biểu này cũng đặt vấn đề, đâu là "điểm kích nổ" về chính sách để Việt Nam bứt phá về công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý nhà nước, phát triển kinh tế và bảo vệ quốc phòng, an ninh của Tổ quốc?

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ trưởng KH&CN cho biết những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Quốc hội vẫn bố trí kinh phí cho ngành và Bộ KH&CN với tỷ lệ 0,64% GDP.

“Hoạt động khoa học công nghệ rất đặc thù, bởi bản chất nghiên cứu là tìm cái mới, có thể thành công, thất bại hoặc thành công sớm hay muộn. Vì vậy, việc tính toán cụ thể bao nhiêu đề tài đã đưa vào ứng dụng là điều rất khó xác định”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.

Theo Bộ trưởng KH&CN, điều quan trọng là xác định được kết quả đó trước hết phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực đội ngũ nghiên cứu, đóng góp vào uy tín của các viện, trường đại học.

Thực tế cho thấy, kết quả nghiên cứu đã góp phần nâng cao xếp hạng các trường đại học trong khu vực và quốc tế. Hiện, đã có 9 trường đại học xuất hiện trên bản đồ xếp hạng trên thế giới. Đây là kết quả đáng khích lệ trong phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo.

"Các đề tài đều có rủi ro, độ trễ, đôi khi không phải đề tài nào cũng có kết quả, nhất là trong công tác chuyển giao, thương mại hóa", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói thêm.

Theo Bộ trưởng, cơ chế, chính sách hiện nay còn nhiều vướng mắc, còn nhiều nội dung cần tháo gỡ, trong đó có nghị định về quản lý sở hữu tài sản công; Luật Sở hữu trí tuệ. Do đó, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh chính sách, tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ, đáp ứng nhu cầu phát triển.

bo truong huynh thanh dat1

Bộ trưởng Bộ khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt  

Giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ

Cụ thể, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) đã đưa ra vấn đề giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ, dẫn dắt nền sản xuất trong nước.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho hay: Năm 2012, Chính phủ có Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định này đã tạo điều kiện để các đơn vị sự nghiệp có điều kiện phát huy sự tự chủ, thực hiện các nhiệm vụ được giao một cách tốt nhất.

Tuy nhiên, đơn vị sự nghiệp thì có nhiều loại hình và mỗi hệ thống lại có một tính chất khác nhau, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP không điều chỉnh được những đặc thù của lĩnh vực khoa học công nghệ, nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu phát triển cho nên khi triển khai gặp rất nhiều vướng mắc.

“Vừa rồi chúng tôi cũng đã kiến nghị Chính phủ xem xét xây dựng một nghị định riêng cho sự tự chủ của các tổ chức khoa học công nghệ công lập theo hướng toàn diện, tự chủ về tổ chức bộ máy, về nhiệm vụ, tài chính, quản lý tài sản. Đó là hướng chúng tôi tháo gỡ cho hoạt động của sự nghiệp khoa học công nghệ công lập”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, đối với các giải pháp để tăng cường phát minh sáng chế đề tài khoa học, vừa qua trong các văn bản hướng dẫn, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức sửa đổi hàng loạt văn bản, hình thành tổ công tác sửa đổi các thông tư nhằm đảm bảo tính thống nhất. Trong đó, có thay đổi cách thức đề tài hướng đến tính thực tiễn để có thể đăng ký phát minh sáng chế.

“Bộ cũng có cơ chế hỗ trợ các phát minh thể hiện trong thuyết minh của đề tài. Luật Khoa học và công nghệ sửa đổi vừa rồi cũng đã có hướng đến việc này, cho phép chủ nhiệm đề tài đăng ký các giải pháp phát minh, sáng chế”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.

Năng lực hấp thụ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt còn rất yếu kém

Phát biểu chất vấn, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho biết, theo báo cáo, Bộ KH&CN đánh giá phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ quan tâm đầu tư ứng dụng, đổi mới, nghiên cứu và phát triển công nghệ nhưng năng lực hấp thụ và đổi mới công nghệ còn rất yếu kém. Đây là rào cản lớn đối với việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, thời gian tới cần có cơ chế, chính sách thế nào để nâng cao năng lực hấp thụ, thúc đẩy ứng dụng, đổi mới nghiên cứu và phát triển công nghệ của các doanh nghiệp?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, về việc hỗ trợ hoạt động chuyển giao, hấp thụ công nghệ nước ngoài cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chính sách, cơ chế pháp luật điều chỉnh về vấn đề này đã sẵn có, vấn đề đặt ra là cần áp dụng, triển khai thực hiện sao cho hiệu quả trong thực tiễn.

Bộ trưởng cho rằng, trong thời gian qua, nhiều công nghệ mới tiên tiến đã được ứng dụng, mang lại hiệu quả trong các ngành y tế, viễn thông, giao thông. Một số ngành có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. 

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, vẫn còn vướng mắc khi cơ chế, chính sách chưa thực sự phát huy, khó tiếp cận với các doanh nghiệp, các hoạt động kết nối, dịch vụ hỗ trợ đi kèm chưa hiệu quả. Nguồn lực từ ngân sách, doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động này còn khiêm tốn, cơ sở hạ tầng hạn chế.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, Bộ KH&CN sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cơ chế, chính sách, quy định phù hợp với thực tiễn, thúc đẩy chương trình tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ nước ngoài vào Việt Nam…

Vân Hà

Tin khác

Tin tức 10 giờ trước
Thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả là một trong những sản phẩm tạo ra siêu lợi nhuận. Do đó, tình trạng làm hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi hơn.
Tin tức 10 giờ trước
Ngày 26/4, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) phối hợp cùng Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại khu vực phía Nam.
Tin tức 10 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, TikTok đã thông báo sẽ đình chỉ tính năng kiếm tiền gây tranh cãi trên nền tảng tại các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu. Được biết, đây là những động thái được đưa ra sau những cảnh báo từ Ủy ban Châu Âu.
Tin tức 10 giờ trước
(SHTT) - Sáng nay (26/4), tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt – Xô diễn ra Lễ phát động Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2024.
Tin tức 10 giờ trước
(SHTT) - Sáng 26/4, tại Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Trường Đại học Giao thông vận tải tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) năm 2024.