SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 06/05/2024
  • Click để copy

Bản quyền tác giả âm nhạc: Cần thay đổi thói quen “xài chùa”

14:15, 14/08/2014
Câu chuyện ai là người đứng ra bảo vệ quyền lợi cho các tác giả âm nhạc đã kéo dài từ năm này sang năm khác, từ chương trình này sang chương trình khác, làm tốn giấy mực và mất không ít thời gian của dư luận. Vụ việc tranh cãi nảy lửa về bản quyền tác giả, tác phẩm âm nhạc giữa Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) và nhà tổ chức trong chương trình của Khánh Ly vừa qua là một câu chuyện buồn. 

Lúng túng phân định đúng sai

Đêm diễn đầu tiên của ca sĩ Khánh Ly tại Hà Nội, việc tranh cãi về tác quyền đã xảy ra, nhạc sĩ Phó Đức Phương - đại diện VCPMC suýt phải tính đến nước cùng là lên sân khấu để “tố” ban tổ chức chương trình không trả tiền tác quyền. Sau đêm diễn, chẳng có đồng xu tác quyền nào được trả và đêm diễn thứ hai tại Đà Nẵng, sau màn tranh cãi nảy lửa thì đêm diễn vẫn được tiếp tục mà chưa có thỏa thuận về bản quyền. 

Trước vụ việc này, đã có không ít ý kiến cho rằng do cách thu tiền tác quyền của VCPMC quá cao so với mặt bằng chung, một số ý kiến khác thì lại phân tích đây chính là nguồn cơn khiến các đơn vị tổ chức thiếu hợp tác khi thực hiện tác quyền âm nhạc.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC giải thích, mức giá bản quyền tác phẩm âm nhạc của VCPMC dựa trên cơ sở các văn bản pháp luật liên quan và căn cứ ý kiến của thành viên. Nhưng cách giải thích đó không thuyết phục được số đông. NSƯT Trần Bình cho rằng, việc VCPMC áp dụng Nghị định 61 theo Bộ luật Dân sự là không hợp lý, bởi trong Nghị định 61 đặt ra mức 15% đến 21% doanh thu buổi diễn cho toàn bộ phần biểu diễn bao gồm nhạc sĩ, biên kịch, nhạc sĩ phối khí, nhạc sĩ chuyển thể, họa sĩ…

Vì vậy, phần tác quyền của nhạc sĩ chỉ là một phần trong tổng giá trị trên. Việc VCPMC tự ý đặt ra con số 5% doanh thu dành cho tác quyền của nhạc sĩ là thiếu cơ sở. Mức phí tác quyền cần được hai bên thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng mà không chịu sự áp đặt của bất kỳ bên nào.

Còn nhớ cách đây hơn một năm, vấn đề thu tác quyền nhạc trên Internet và điện thoại di động được đặt ra rất nghiêm túc với sự bắt tay hợp tác của Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) và Tập đoàn MV (MVCorp) cùng 5 trang nhạc trực tuyến hàng đầu trong nước. Sự vào cuộc đầy quyết tâm của những “ông lớn” trong làng nhạc như vậy, song chỉ sau 6 tháng thử nghiệm thu phí, MVCorp đã chính thức bỏ cuộc dù hợp đồng hợp tác ban đầu kéo dài ba năm.

Một số chuyên gia cho rằng, sở dĩ việc thu phí nhạc bản quyền chưa hiệu quả là do các nhà cung cấp đã chuẩn bị không kỹ dẫn đến việc “làm khó” người dùng. Từ câu chuyện này có thể thấy rằng, dù mục tiêu bảo vệ tác quyền âm nhạc là đúng đắn, song nếu những điều kiện, quy chuẩn đặt ra làm khó “người tiêu dùng” thì mục tiêu đó cũng khó đạt hiệu quả. Nên chăng, chúng ta cần dần tạo thói quen thực thi bản quyền bằng việc đưa ra một mức giá hợp lý, sau đó mới thay đổi dần khi ý thức về bản quyền đã đi vào nề nếp.

Phản bác lại điều này, nhạc sĩ Nguyễn Cường cho rằng: “Người sáng tạo là người có quyền quyết định giá trị tác phẩm của mình. Tại sao trong một chương trình có ca sĩ hưởng cát-sê hàng trăm triệu đồng nhưng có người chỉ hưởng 10 - 20 triệu đồng? Không nên đòi hỏi có một mức giá chung cho tất cả các bài hát. Nếu người sử dụng cho rằng nó quá cao thì đơn giản là anh không dùng nữa”.

Lấp kín những khe hở pháp lý

Theo giới chuyên môn, trong khi điều kiện các văn bản để thực thi quyền tác giả âm nhạc hiện nay còn chưa hoàn thiện thì có một cách để giải quyết những tranh cãi bất tận hiện nay, đó là hãy để các tác phẩm tuân thủ theo cơ chế thị trường. Ở đó, người có quyền quyết định cao nhất chính là nhạc sĩ. Nhạc sĩ Anh Quân cho rằng, cơ sở để định giá tác phẩm, đầu tiên vẫn phải căn cứ vào luật. Chẳng hạn như ở Mỹ, họ có quy định rất rõ ràng. Một tác phẩm ra đời được bán bản quyền cho một hãng thu âm hoặc nhà sản xuất nào đó, người khác dùng không phải xin phép nữa mà cứ thế trả tiền theo quy định. Vì họ có luật nên không mấy khi có những tranh cãi về mức giá.

Thế nhưng, từ nhiều năm nay, các nhà tổ chức chương trình cứ đến xin phép, cơ quan cấp phép cứ cấp, không cần biết họ đã thực hiện nghĩa vụ tác quyền hay chưa và VCMPC - nơi nhận được sự ủy quyền của hơn 3.000 nhạc sĩ toàn quốc thì cứ cắm cúi đi “thực thi” pháp luật và hành động đi đòi tiền của nhạc sĩ Phó Đức Phương là chuyện cực chẳng đã.

Bộ VH-TT-DL và các sở VH-TT-DL các địa phương - nơi được quyền cấp phép thường lấy lý do “tác quyền giữa các tác giả và nhà tổ chức là thỏa thuận dân sự, có vướng mắc thì ra tòa giải quyết” chỉ thể hiện một tinh thần rõ nhất là họ đang “vô tư” thả gà ra cho nhạc sĩ đi đuổi.

Đã từng có nhạc sĩ đề xuất nên thành lập thêm nhiều trung tâm bảo vệ tác quyền cho tác phẩm nghệ thuật để mở rộng biên độ các tác giả được bảo vệ tác quyền mà còn tạo điều kiện cho các tác giả nghệ thuật nói chung và nhạc sĩ nói riêng có nhiều lựa chọn để gửi gắm, ủy thác tác quyền. Đồng thời cũng tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trung tâm, góp phần thúc đẩy môi trường nghệ thuật biểu diễn phát triển, tôn trọng sở hữu trí tuệ.

Song chừng nào còn chưa có sự chuyển biến trong nhận thức của cơ quan quản lý văn hóa và các nhà tổ chức chương trình cũng như chưa có sự kiểm tra chặt chẽ việc thực thi tác quyền từ khâu cấp phép thì những vụ việc đáng buồn thế này còn kéo dài và lặp lại.

Tin khác

Tài sản trí tuệ 3 ngày trước
(SHTT) - Theo thông tin từ SCMP, một nhóm gồm 8 tờ báo của Mỹ mới đây đã nộp đơn kiện OpenAI và Microsoft, những nhà phát triển ứng dụng ChatGPT, với cáo buộc vi phạm bản quyền.
Tài sản trí tuệ 3 ngày trước
(SHTT) - Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên nhân ngày Sở hữu Trí tuệ Thế giới, diễn ra tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn vừa qua, đã thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng của sở hữu trí tuệ, đặc biệt là vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số hiện nay.
Tài sản trí tuệ 6 ngày trước
(SHTT) - Một nhà nghiên cứu AI đã kiện Amazon về vấn đề phân biệt và sa thải bất hợp pháp, với cáo buộc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ khi phát triển các mô hình AI để cạnh tranh.
Tài sản trí tuệ 6 ngày trước
(SHTT) - Tại Hội nghị Nghiên cứu Khoa học sinh viên về Sở hữu trí tuệ, một trong những đề tài được quan tâm là ‘‘Hoàn thiện pháp luật về bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo’’ đã được đưa ra bàn luận và nhận được những đánh giá rất tích cực. 
Tài sản trí tuệ 1 tuần trước
(SHTT) - Công ty dược phẩm Acuitas Therapeutics và công ty CureVac vừa giải quyết vụ kiện đòi được công nhận là người phát minh từ phía Acuitas trong các liên quan đến vắc xin COVID-19.
Liên kết hữu ích