SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Vĩnh Long bảo tồn các lò gạch, gốm truyền thống, tạo sản phẩm du lịch đặc thù

10:25, 23/02/2023
Để gìn giữ hệ thống các lò gạch, gốm hiện có, đảm bảo cho việc triển khai Đề án Di sản Đương đại Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đang tập trung triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đặc thù bảo tồn lò gạch, gốm.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT & DL) tỉnh Vĩnh Long, tỉnh hiện có làng nghề chuyên sản xuất gạch gốm đỏ tập trung ở huyện Mang Thít và Long Hồ. Lúc cao điểm, Vĩnh Long có khoảng 2.800 miệng lò của 1.326 cơ sở sản xuất gạch ngói và gốm mỹ nghệ xuất khẩu. Riêng nghề gốm mỹ nghệ xuất khẩu, tỉnh có khoảng 800 miệng lò của 126 cơ sở với các loại hình công ty cổ phần, công ty TNHH, 56 doanh nghiệp tư nhân và 58 cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Năm 2021, UBND tỉnh phê duyệt Đề án Di sản đương đại Mang Thít nhằm bảo tồn các lò gạch này, tạo sản phẩm du lịch đặc thù và góp phần chuyển đổi sinh kế, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Vĩnh Long đã kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù bảo tồn lò gạch, gốm thuộc Đề án. Đây được xem là tiền đề tạo sự đồng thuận trong nhân dân để cùng duy trì, quản lý lò gạch, gốm và hình thái không gian xung quanh, hướng đến việc triển khai Đề án Di sản đương đại Mang Thít đi vào thực tế.

Theo đó, toàn bộ vùng di sản khoảng 3.600ha thuộc 4 xã: Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh và một phần vùng đệm di sản khoảng 5.000ha thuộc 2 xã: An Phước và Chánh An làm cơ sở xác định phạm vi khoanh vùng dừng tháo dỡ lò gạch và phát triển Đề án.

2

 Du khách trải nghiệm du lịch ở lò gạch, gốm. Ảnh: Phương Thư

Tỉnh ban hành mức hỗ trợ cho người dân, cụ thể lò loại 1 (những lò còn nguyên vẹn) sẽ được hỗ trợ 15 triệu đồng/lò; lò loại II (những lò đã hư hại hoặc phá dỡ một phần, độ cao từ 5m trở lên) là 10 triệu đồng/lò; lò loại III (những lò chỉ còn là phế tích, chân lò, độ cao dưới 5m) được hỗ trợ 5 triệu đồng/lò.

Chính sách này được thực hiện trong thời gian 1 năm và hỗ trợ 1 lần 100% mức hỗ trợ đối với từng loại lò; đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn ban đầu thực hiện Đề án bởi nghề sản xuất gạch, gốm nơi đây đang gặp khó khăn. Nhiều lò gạch, gốm ngưng hoạt động trong thời gian dài đã hư hỏng hoặc bị phá dỡ, ảnh hưởng đến mật độ lò và hình thái không gian theo Đề án.

Theo ông Phan Văn Giàu - Giám đốc VH, TT & DL tỉnh Vĩnh Long - việc thực hiện đề án đòi hỏi có thời gian chuẩn bị, triển khai theo từng bước để tạo sự đồng thuận và cùng tham gia của người dân.

Ông Giàu nhấn mạnh việc ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù bảo tồn lò gạch, gốm thuộc Đề án có ý nghĩa quan trọng, nhằm hỗ trợ một phần kinh phí để người dân giữ lại các lò gạch truyền thống, giữ hiện trạng cho vùng di sản trong tương lai. Khi đề án đã được triển khai thực hiện và có nhà đầu tư tham gia, người dân trong vùng di sản có điều kiện đưa những lò gạch truyền thống của gia đình vào hoạt động du lịch, hướng đến mục tiêu chuyển đổi sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Hiện nay, trong vùng di sản có hơn 1.400 lò gạch, gốm; tuy nhiên, chỉ có hơn 800 lò còn nguyên, hơn 500 lò đã bị hư hỏng, bị phá dỡ một phần hoặc còn phế tích. Có khoảng 90 lò sản xuất gạch, gốm nằm trong vùng di sản theo Đề án. Ngay khi HĐND tỉnh Vĩnh Long ban hành Nghị quyết hỗ trợ người dân giữ lò, UBND các xã đã thông tin đến người dân; đồng thời, lập danh sách, chuẩn bị các bước để triển khai.

3

Hàng ngàn lò gạch cổ ở Mang Thít, Vĩnh Long được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XIX, tồn tại cho đến ngày nay. Ảnh: Sở VH, TT & DL Vĩnh Long 

Gắn bó với nghề sản xuất gạch từ năm 1980 đến nay, gia đình ông Trương Văn Tống (xã Mỹ Phước) đã chứng kiến quá trình “thịnh – suy” của làng nghề.

Ông Trương Văn Tống chia sẻ hiện nay việc sản xuất gạch, gốm đang đối mặt với nhiều thách thức. Để có thể giữ lò và phát triển theo hướng của Đề án, địa phương cần có những chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi sinh kế cho người dân, nhất là các ngành nghề bổ trợ cho ngành du lịch. Mọi người kỳ vọng Đề án Di sản đương đại Mang Thít sẽ giúp bảo tồn được nghề cha ông để lại và phát triển theo hướng mới, mang lại cuộc sống tốt hơn cho bà con làng nghề.

Đề án Di sản đương đại Mang Thít hướng đến mục tiêu tạo sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương, góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Khi đề án đã được triển khai thực hiện và có nhà đầu tư tham gia, người dân trong vùng di sản có điều kiện đưa những lò gạch truyền thống của gia đình vào hoạt động du lịch, hướng đến mục tiêu chuyển đổi sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

 Đinh Nam

Tin khác

Giải trí 10 giờ trước
(SHTT) - Với vị trí đắc địa trên đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, công viên nước Hồ Tây được biết đến như một “thiên đường giải trí hiện đại” đã sẵn sàng để đón du khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Giải trí 10 giờ trước
(SHTT) - Quảng Ninh đang chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 5 ngày và cao điểm du lịch hè 2024. Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị chu đáo, xây dựng nhiều sản phẩm đa dạng, cùng các chương trình kích cầu nhằm phục vụ tốt nhất cho du khách.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Sở Du lịch Thành phố Hà Nội mới đây đã có công văn đề nghị các cơ quan, ban ngành trên địa bàn phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, giữ gìn môi trường du lịch Thủ đô dịp lễ 30/4 và 1/5 sắp tới.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, tại Khu du lịch Thiên Cầm, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề: Hà Tĩnh - thanh âm ngày nắng mới. Chương trình với nhiều tiết mục văn hóa văn nghệ đặc sắc đã thu hút đông đảo người dân và du khách trên địa bàn cả nước tham gia.
Giải trí 3 ngày trước
(SHTT) - Có thể nói, Carnaval Hạ Long là một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc nhất, lễ hội đường phố ấn tượng nhất mỗi dịp hè về đã được Quảng Ninh duy trì, phát triển suốt nhiều năm qua, để lại những dấu ấn, kỷ niệm sâu sắc trong lòng mỗi du khách khi được hoà mình vào không khí lễ hội.