SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 03/05/2024
  • Click để copy

Vinh danh những tác phẩm chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

07:16, 23/10/2023
(SHTT) - Tối 22/10, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ ba.

 Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2023 có ý nghĩa rất quan trọng, là sự tiếp nối thành công của Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ nhất, lần thứ hai trong các năm 2021, 2022; đồng thời sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị Khóa XII về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

Qua 3 lần tổ chức, Cuộc thi ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, giành được sự quan tâm, tham gia nhiệt tình của các cấp, các cơ quan, địa phương và các tác giả trong và ngoài nước, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

giai chinh luan

 

Phát biểu tại lễ trao giải, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc chia sẻ: "Tôi rất ấn tượng với cuộc thi lần thứ 3 đã có sự tham gia của hơn 301 nghìn tác phẩm dự thi ở các thể loại tạp chí in, tạp chí điện tử, báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình và các hình thức tác phẩm đa dạng; nội dung tác phẩm phong phú; nhiều tác phẩm có chất lượng tốt; tác giả, nhóm tác giả tham gia cuộc thi thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau, nhiều nghề nghiệp khác nhau, lứa tuổi khác nhau; người cao tuổi nhất 101 tuổi và nhiều em là học sinh phổ thông, nhiều dân tộc, tôn giáo cả trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, cả người nước ngoài yêu mến Việt Nam. Điều này cho thấy sức lan tỏa của cuộc thi là rất rộng lớn và sâu sắc.

Từ thực tế Cuộc thi có thể thấy rõ ràng nền tảng tư tưởng của Đảng không phải là những vấn đề lý luận khô khan, cao siêu, trừu tượng; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; là bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và bảo vệ nhân dân; là bảo vệ cái đúng, cái tiến bộ; phê phán cái sai, cái tiêu cực, đã và đang trở thành hoạt động thường xuyên, quen thuộc, gắn bó với công việc của các cơ quan, đơn vị và cuộc sống hằng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân".

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đề nghị thời gian tới, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung và việc tổ chức Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói riêng cần tập trung vào một số nội dung. Trước hết, cần tiếp tục chú trọng việc kiên định bảo vệ, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự nghiệp đổi mới con đường đi lên chủ nghĩa xã hội Việt Nam; nhận diện và kiên quyết đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ.

Cùng với đó, tiếp tục khuyến khích việc tổng kết, lan tỏa mô hình hay, cách làm tốt, kinh nghiệm tốt ở các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tổ chức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.

Cần chú trọng hơn nữa việc gắn kết giữa xây và chống, giữa bảo vệ và bổ sung, phát triển sáng tạo nền tảng tư tưởng của Đảng, gắn kết việc nhận diện, phê phán, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch; tiếp tục huy động sự tham gia tích cực của không chỉ những người làm công tác tư tưởng, lý luận và làm báo chuyên nghiệp mà cần tập hợp rộng rãi sự tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân; sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, bạn bè khắp năm châu, của các lực lượng tiến bộ yêu chuộng hòa bình, công lý, lẽ phải trên thế giới.

Được biết, sau gần 9 tháng triển khai, với hơn 301.000 tác phẩm dự thi cho thấy cuộc thi năm nay đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, tạo được sức lan tỏa rộng rãi trong hệ thống chính trị trên khắp 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đến hết ngày 31/7/2023, toàn quốc đã thu nhận được 301.365 tác phẩm dự thi ở cả 5 loại hình là Tạp chí, Báo, Phát thanh, Truyền hình và video clip, gấp gần 3 lần so với năm 2022.

giai chinh luan1

 

Tổng số tác phẩm dự thi Ban tổ chức cấp Trung ương nhận được là 11.856 tác phẩm, gồm: 5.285 tác phẩm thể loại Tạp chí, 6.059 tác phẩm thể loại Báo, 151 phát thanh, 252 truyền hình, 109 video clip. Sau khi nhận hồ sơ, sản phẩm dự thi của các đơn vị/địa phương, Ban Tổ chức Cuộc thi cấp Trung ương căn cứ thể lệ Cuộc thi để tiếp tục sàng lọc ban đầu, đưa vào chấm Sơ khảo 3.155 tác phẩm đáp ứng yêu cầu về thể thức, cách thức trình bày và đúng chủ đề Cuộc thi, gồm 1.412 tác phẩm thể loại Tạp chí, 1.487 tác phẩm thể loại Báo, 77 tác phẩm thể loại Phát thanh, 124 Truyền hình và 55 video clip.

Căn cứ kết quả chấm thi vòng Sơ khảo, Ban tổ chức Cuộc thi đã đưa vào chấm Chung khảo 680 tác phẩm, gồm 309 bài Tạp chí, 273 bài Báo, 52 tác phẩm báo hình (42 tác phẩm Truyền hình, 10 video clip) và 41 tác phẩm phát thanh, 5 tác phẩm nước ngoài.

Căn cứ kết quả chấm thi, ngày 8/10/2022, Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức, Hội đồng Giám khảo Cuộc thi đã họp xét giải thưởng, lựa chọn được những tác phẩm xuất sắc nhất, những tập thể tiêu biểu nhất để trao giải, quyết định trao 121 giải chính thức cho cá nhân (10 giải A, 24 giải B, 28 giải C và 60 giải Khuyến khích), 20 giải triển vọng, 4 giải cho cá nhân cao tuổi, cá nhân trẻ tuổi tiêu biểu; 15 giải Tập thể xuất sắc. 

Cụ thể, có 10 giải A, với các tác phẩm: “Cán bộ sợ trách nhiệm - “căn bệnh” cần chữa trị ngay” của tác giả Trần Nam Cường (Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam); “Những giá trị của quyển sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” đối với công tác phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam” của tác giả Trương Thế Nguyễn (Học viện Chính trị khu vực 4, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh); “Phê phán quan điểm: “Thanh Đảng là thanh trừng, đấu đá nội bộ” của nhóm tác giả Vũ Xuân Trường; Lê Tuấn Anh; Vũ Thành Huyến (Trường Sỹ quan chính trị, Bộ Quốc phòng); tác phẩm 3 kỳ: "Đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” của tác giả: Nguyễn Hải Đăng (Báo Nhân dân); tác phẩm “Từ công thần đến suy thoái - Chỉ một gạch nối” của nhóm tác giả Linh Tâm - Đào Thị Lanh (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Phước; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước).

Tác phẩm 2 kỳ: "Cảnh giác trước những biến tấu của hội, nhóm “yêu đồ lính” của tác giả Đoàn Đức Phương; Nguyễn Đình Xuân (Công an tỉnh Thái Nguyên); “Tạo sức đề kháng cho giới trẻ” của nhóm tác giả Nguyễn Kim Tôn, Vũ Ngân Giang, Trần Hải Anh, Trần Văn Doanh, Trần Văn Toản, Đinh Thái Bảo, Trương Thanh Phong, Nguyễn Thị Thúy (Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội); “Chủ động nhận diện và đấu tranh với âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch” của nhóm tác giả Đăng Khang, Kinh Bang, Tiến Mạnh, Đức Trọng, Kim Quang, Nam Hà (Truyền hình Công an Nhân dân, Bộ Công an); tác phẩm 2 kỳ: “Phản bác luận điệu xuyên tạc tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Hằng Nga, Đào Thanh Trường, Nguyễn Thị Minh Châu, Nguyễn Thị Thu Hiền (Ban Thời sự - Đài Tiếng nói Việt Nam); “Giới trẻ góp phần thanh lọc mạng xã hội” của tác giả Đinh Thị Thu Hằng, Bùi Thu Minh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).

Cùng với đó, Ban Tổ chức vinh danh 2 tác giả cao tuổi là cụ Nguyễn Đình Yên, sinh năm 1922 đến từ Hải Phòng và cụ Nguyễn Đình Hậu, sinh năm 1928 đến từ Hà Nội; 2 nhóm tác giả trẻ tuổi tiêu biểu là các em Phạm Phương Thùy, Phạm Huỳnh My, học sinh Trường Trung học Phổ thông Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau; em Trần Thị Diệu Linh (đại diện nhóm tác giả), học sinh Trường Trung học Phổ thông Việt Nam - Ba Lan, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Hương Mi

Tin khác

Tin tức 10 giờ trước
AI Day 2024 sẽ diễn ra tại The Adora Center (TP.HCM) với chủ đề “Ứng dụng AI - Chìa khóa kinh doanh bứt phá”. Đây là sự kiện giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận kiến thức, công cụ và ứng dụng AI để tối ưu chi phí vận hành, nâng cao hiệu suất và tạo lợi thế cạnh tranh.
Tin tức 10 giờ trước
(SHTT) - Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024 được tổ chức tại Quảng Ninh, dự kiến từ ngày 4 đến 9/11/2024.
Tin tức 11 giờ trước
(SHTT) - Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), trong quý I/2024, lĩnh vực quản lý nhà nước và báo chí truyền thông đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, được dư luận xã hội quan tâm, ghi nhận.
Tin tức 11 giờ trước
(SHTT) - Gần đây, một giáo viên trung học ở Mỹ đã bị bắt vì sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giả mạo giọng nói của hiệu trưởng, tạo ra nội dung phát ngôn xúc phạm học sinh và đồng nghiệp. Những phát ngôn này sau đó được lan truyền rộng rãi và gây ra phản ứng tiêu cực trong cộng đồng.
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Dự án “Những bức chân dung từ lụa vụn” ra đời nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng để cải thiện điều kiện lao động cho những “nghệ nhân” đặc biệt – những người đứng sau các tác phẩm tranh lụa đầy ấn tượng của Vụn Art.