SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Vì sao Nhật Bản cấm dùng axit benzoic trong tương ớt: Mức độ độc hại của axit benzoic

06:56, 10/04/2019
(SHTT) - Ngay sau vụ Nhật Bản thu hồi số lượng lớn tương ớt Chinsu do Masan Việt Nam sản xuất bởi chứa chất axit benzoic. Người dùng đã bắt đầu đặt ra câu hỏi về mức độ độc hại của loại chất này.

Vụ việc tương ớt Chinsu do Masan Việt Nam sản xuất bị thu hồi tại Nhật Bản hiện vẫn gây hoang mang dư luận. Mới đây, bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế - cho biết Cục ATTP đã đề nghị Mạng lưới Cơ quan ATTP quốc tế (INFOSAN) thông tin về việc sản phẩm tương ớt Chinsu bị thu hồi tại Nhật Bản cũng như nguyên nhân bị thu hồi. "Về nguyên tắc khi có bất cứ sự cố nào về thực phẩm bị cấm hay có chứa chất nguy hiểm có thể đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng, INFOSAN sẽ cảnh báo ngay để thu hồi" - bà Nga nói.

tran viet nga

 Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm

Điều người dùng quan tâm hiện nay chính là mức độ độc hại của chất axit benzoic, nguyên nhân của vụ thu hồi trên và vì sao Nhật Bản cấm dùng axit benzoic trong tương ớt?

Axit benzoic là chất gì?

Axit benzoic (C7H6O2 hoặc C6H5COOH) là hợp chất có tính chống vi sinh vật. 

Axit này và các sản phẩm điều chế từ nó như muối benzoate sodium, benzoate kali và benzoate calci (gọi chung là nhóm benzoat) có tác dụng làm chậm tiến trình phân hủy thực phẩm, thức uống qua việc ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn, nấm men và nấm mốc, từ đó tăng thời hạn sử dụng của sản phẩm.

Axit benzoic có trong tự nhiên hay không?

Axit benzoic được tìm thấy trong nhiều loại trái cây, như quả nam việt quất, việt quất đen, quả mận, quả mâm xôi, vỏ quế, đinh hương…

Axít benzoic được sản xuất thương mại qua con đường điều chế hóa học, bằng cách ôxi hóa dần toluen bằng ôxy. Quá trình này được thực hiện có xúc tác coban hay mangan naphthenat. Công nghệ này sử dụng các vật liệu thô rẻ tiền, có hiệu suất cao và được xem là không gây hại môi trường.

Trong phòng phòng thí nghiệm, axit benzoic được điều chế bằng cách thủy phân benzonitrile.

tuong ot chinsu 1

 

Kết hợp Axit benzoic và vitamin C có nguy cơ gây ung thư

GS-TSKH Vũ Minh Giang chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội - trả lời trên báo Tuổi Trẻ, từ đầu những năm 1900, người ta đã chứng minh được Acid benzoic và muối benzoate khi gặp vitamin C có trong thực phẩm sẽ tạo thành phản ứng sinh ra benzene. Mà benzene đã được kết luận là chất gây ung thư từ những năm 1980 và được khuyến cáo tránh hấp thu benzene qua đường thở (không khí ô nhiễm), hoặc đường ăn uống (thực phẩm).

Trên thị trường Mỹ vào năm 2008, các nhà khoa học của FDA (Cục Quản lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ) đã phát hiện benzene trong một số mẫu nước giải khát sử dụng muối benzoate như chất bảo quản.

Đa số các loại rau củ quả, trái cây đều chứa vitamin C, nên việc sử dụng muối benzoate trong quá trình bảo quản các sản phẩm từ rau củ quả, trái cây, nước chấm có ớt hay cà đều làm tăng khả năng sinh ra benzene. Hơn nữa, bản thân nhóm benzoic - benzoate cũng gây độc ở người nếu chúng ta tiêu thụ nhiều hơn 5mg/kg thể trọng mỗi ngày, theo WHO.

Những nước cấm dùng Axit benzoic

Malaysia đã cấm dùng axit benzoic và các benzoate trong chế biến thực phẩm có chứa vitamin C theo một đạo luật ban hành từ năm 1985. Theo luật này, mức phạt tối đa là 5 năm tù giam hoặc chịu phạt đến 20.000 ringgit cho kẻ vi phạm.

Tháng 1-2018, công ty chế biến thực phẩm EHH Food Industry Sdn Bhd ở nước này đã bị phạt 10.000 ringgit vì đưa ra thị trường loại mì Laksa Pendek có chứa chất cấm này.

Năm 2007, Cơ quan thanh tra thực phẩm Cộng hòa Czech đã ra lệnh cho chuỗi siêu thị Billa phải thu hồi toàn bộ lô dưa chuột ngâm dấm có dùng axit benzoic. Qua kiểm tra, hàm lượng chất bảo quản này lên đến 356 mg trong 1 kg sản phẩm.

Lô hàng này do một doanh nghiệp ở Ba Lan sản xuất và xuất khẩu sang Czech dưới dạng đóng gói 500g/bao. Cơ quan chức năng Czech đã báo cáo sự việc lên Ủy ban châu Âu và gửi thông báo khẩn đến các nước thuộc khối EU.

Hiện nay, các nước EU đang gây áp lực với các hãng sản xuất thực phẩm lớn để họ tự nguyện thôi dùng benzoate sodium làm chất bảo quản. Nhiều hãng truyền thông châu Âu đã mở chiến dịch vận động chính phủ ban hành lệnh cấm dùng chất này trong chế biến thực phẩm.

Lượng tiêu thụ an toàn

Theo khuyến cáo của Tổ chức Nông nghiệp thế giới (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), không nên tiêu thụ axit benzoic và các benzoate nhiều hơn 5mg/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày.

Tức, liều lượng nhóm benzoic – benzoate tối đa mà cơ thể có thể xử lý được mỗi ngày là 5 mg/kg thể trọng. Theo đó, một người nặng 50kg không nên dùng quá 0,25g các chất này mỗi ngày.

Do vậy, cách tốt nhất là nên hạn chế sử dụng thường xuyên các sản phẩm sử dụng axit benzoic và natri benzoate để tránh cơ thể bị quá tải. Việc chú ý đọc kỹ nhãn mác thực phẩm trước khi mua là một thói quen rất tốt để nhận biết axit benzoic có trong thành phần của sản phẩm.

Cách nhận biết axit benzoic qua nhãn mác

Trong thành phần ghi trên nhãn mác, có thể nhận biết axit benzoic qua tên gọi hoặc qua mã điện tử là E210. Vì sao lại là E210?

Tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm được thiết lập bởi Ban kỹ thuật Codex quốc tế về Vệ sinh thực phẩm (CCFH – Codex Committee on Food Hygiene).

Tất cả phụ gia thực phẩm đều được phân nhóm và đánh số chi tiết theo mã codex. Đó chính là con số thường ghi trong ngoặc sau tên hóa học của các thành phần ghi trên bao bì thực phẩm và đồ uống. Riêng đối với các nước EU, Úc, New Zealand, Israel và gần đây là Canada, thì mã có thêm tiền tố là chữ E (ký hiệu để chỉ Europe/Europa nghĩa là châu Âu).

Các chất bảo quản mang mã số từ 200 – 299. Trong đó, axit benzoic mang mã số 210, benzoate sodium có mã số 211, benzoate kali là mã 212 và benzoate calci có mã 213.

Một số nhóm chính thường gặp cần nhận biết như:

– Chất tạo màu tạo cho thức ăn có màu sắc như ý muốn mang mã số từ 100-199;

– Chất ngăn cản tiến trình ôxy hoá mang mã số từ 300-399;

– Chất tạo tạo đặc, chất ổn định và chất nhũ hóa có mã số từ 400-499;

– Các chất điều vị (thực chất là các loại bột ngọt, siêu bột ngọt) mang mã số 600 – 699;

– Các phụ gia hỗn hợp (gồm chất bao bề mặt, khí, chất tạo vị ngọt) mang mã số từ 900 – 999.  

Minh Thư

Tin khác

Tin tức 5 giờ trước
Thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả là một trong những sản phẩm tạo ra siêu lợi nhuận. Do đó, tình trạng làm hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi hơn.
Tin tức 5 giờ trước
Ngày 26/4, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) phối hợp cùng Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại khu vực phía Nam.
Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, TikTok đã thông báo sẽ đình chỉ tính năng kiếm tiền gây tranh cãi trên nền tảng tại các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu. Được biết, đây là những động thái được đưa ra sau những cảnh báo từ Ủy ban Châu Âu.
Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Sáng nay (26/4), tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt – Xô diễn ra Lễ phát động Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2024.
Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Sáng 26/4, tại Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Trường Đại học Giao thông vận tải tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) năm 2024.