SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 29/04/2024
  • Click để copy

Tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014: Nhiều trường có thể tuyển sinh riêng

09:00, 11/02/2014
Ngày 10-2, Bộ GD-ĐT đã gặp gỡ báo chí thông tin về công tác chuẩn bị kỳ thi, tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014. Tính đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT đã nhận được đề án thi tuyển sinh riêng của 31 trường, trong đó có 25 trường đạt yêu cầu (10 trường khối văn hóa, nghệ thuật tiếp tục được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đề nghị cho tuyển sinh riêng trong năm 2014 sau khi đã tuyển sinh riêng thành công trong năm 2013, 15 trường có đề án phù hợp với quy định, đã được công bố lấy ý kiến xã hội) và 6 trường còn lại cần hoàn thiện thêm.

Bảo đảm chất lượng đầu vào

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, sau khi tập hợp ý kiến phản biện của người dân, bộ sẽ xem xét để quyết định trường nào được tuyển sinh riêng. Theo kế hoạch, ngày 10-3, Bộ GD-ĐT sẽ công bố những trường được tự chủ tuyển sinh dựa trên cơ sở đảm bảo yêu cầu của dự thảo và được sự đồng tình của dư luận. Bộ GD-ĐT tái khẳng định, theo lộ trình đổi mới thi cử, Bộ GD-ĐT sẽ giao quyền tự chủ cho các trường từ năm 2014. Đến năm 2017, bộ bắt buộc tất cả các trường phải thực hiện tuyển sinh riêng. Từ năm 2014 đến 2017 là 3 năm chuyển tiếp, bộ tiếp tục tổ chức thi “3 chung” cho các trường có nguyện vọng. Tuy nhiên, tất cả các trường phải có đề án tuyển sinh riêng trình bộ vào tháng 9-2014. Các trường có thể áp dụng nhiều phương án, như vừa thi vừa xét tuyển, hay sử dụng kết quả học tập phổ thông. Yêu cầu bắt buộc là các trường phải xác định ngưỡng tối thiểu về kiến thức với thí sinh.

Được biết, sau khi công bố dự thảo công tác thi, tuyển sinh ĐH-CĐ trong giai đoạn 2014 - 2016, bộ nhận được ý kiến đồng tình, nhưng cũng không ít băn khoăn. Có ý kiến góp ý, trong năm 2014 và 3 năm sau nên tiếp tục tổ chức thi “3 chung” và cải tiến điểm sàn để hỗ trợ các trường ngoài công lập trong vấn đề khó tuyển sinh.

Giải thích về điều này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, năm 2013 bộ đã cải tiến xác định điểm sàn theo cách thống kê kết quả thi các trường gửi về, tính mức điểm bình quân của thí sinh ở các khối. “Dựa trên phân tích này, Bộ GD-ĐT đã đưa ra các phương án điểm sàn để hội đồng bàn bạc và quyết định. Các nguyên tắc tuân thủ là bảo đảm chất lượng đầu vào, cơ cấu vùng miền, cơ cấu xã hội nhưng cũng bảo đảm nguồn tuyển tối ưu cho các trường, đáp ứng yêu cầu thí sinh có đủ năng lực theo học ĐH-CĐ, được xã hội đồng tình. Đó là ngưỡng xác định chất lượng tối thiểu đầu vào nên vẫn phải duy trì” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định.

Ngoài ra, thời gian qua có nhiều ý kiến về vấn đề cải tiến thi cử, tuyển sinh, trong đó có 3 ý kiến đáng chú ý. Thứ nhất, để giải quyết những bất cập như thi vào ĐH Y Hà Nội, dù được 27 điểm thí sinh vẫn không đậu (vì yêu cầu học sinh đăng ký thi vào các trường trước khi kỳ thi diễn ra) thì nên để học sinh thi xong, khi có có kết quả thì các em nộp hồ sơ xét vào trường đại học.

Thứ hai, nên nhập 2 kỳ thi thành 1 kỳ thi quốc gia. Thứ ba, đề thi có câu hỏi đơn giản để tốt nghiệp THPT, câu khó để phân loại thí sinh qua 4 bài thi: toán, logic, năng lực, ngoại ngữ… Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, những đề xuất này đều được bộ lắng nghe, tập hợp, lấy ý kiến xã hội để đưa ra quyết định cuối cùng.

Rà soát đội ngũ giảng viên

Sau khi Bộ GD-ĐT quyết định dừng tuyển sinh 207 ngành đại học của 71 cơ sở đào tạo vì không đủ giáo viên cơ hữu, hàng loạt trường đã kêu oan, cho rằng đây là sự nhầm lẫn. Nhiều trường cũng cho rằng cách làm này còn máy móc, gây khó cho các trường, đặc biệt là đối với các ngành đào tạo về nghệ thuật.

Tại buổi họp báo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT Bùi Anh Tuấn cho biết, việc kiểm tra, rà soát, đảm bảo chất lượng đào tạo, đặc biệt là đội ngũ giảng viên đã có trong kế hoạch tổng thể hàng năm của bộ. Theo đó, từ 2010, bộ sẽ rà soát đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ tại các trường ĐH. Sau quá trình thực hiện, bộ đã xử lý một loạt chuyên ngành đào tạo tiến sĩ bị thu hồi giấy phép. “Quyết định dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo hệ đại học trong năm 2014 được đưa ra dựa trên việc rà soát báo cáo của các nhà trường. Bộ làm việc cùng lãnh đạo các trường về việc cân đối, đảm bảo đội ngũ; đồng thời rà soát xác xuất, kiểm tra ngẫu nhiên, kiểm tra những trường cảm thấy báo cáo có vấn đề” - ông Bùi Anh Tuấn khẳng định. Sau khi có quyết định, một số hiệu trưởng giải thích rằng phần báo cáo về giảng viên được thực hiện thời điểm tháng 6, 7 nên chưa bổ sung kịp thời. “Quan điểm của bộ là xử lý nghiêm và kiên quyết. Tuy nhiên, nếu các trường khắc phục, bổ sung được đội ngũ thì chúng tôi sẽ xem xét cho tuyển sinh trở lại. Nếu không khắc phục được, đến năm 2015 sẽ thu hồi quyết định mở ngành đào tạo” - ông Bùi Anh Tuấn nói. Đây được coi là giải pháp cương quyết nhằm chấn chỉnh và nâng cao chất lượng đào tạo, cũng là cảnh báo các trường trong việc tuyển dụng, đào tạo và phát triển đội ngũ. Sắp tới, bộ yêu cầu các trường công khai danh sách giảng viên để xã hội giám sát.

Về phàn nàn của các trường nghệ thuật về việc không tìm được giảng viên là tiến sĩ, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay, bộ đã linh động nếu không có tiến sĩ đúng chuyên ngành thì phải là tiến sĩ ngành gần, có công trình nghiên cứu liên quan. “Các trường có thể mời nghệ sĩ nhân dân về dạy nhưng đào tạo đại học không giống phổ thông, phải có người đầu tàu để dẫn dắt sự phát triển của ngành, phải là tiến sĩ để nghiên cứu, nhìn thấy tương lai phát triển của ngành như thế nào. Ở các nước phát triển tất cả giảng viên đều là tiến sĩ, mình một ngành mà không được 1 tiến sĩ thì không thể duy trì đào tạo” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh. Đi liền với chấn chỉnh yếu kém của các trường trong đào tạo đội ngũ, bộ cũng đang triển khai đề án 911 để bồi dưỡng lực lượng giảng viên của các trường ĐH-CĐ trên cả nước.

Danh sách các trường đã gửi đề án tuyển sinh riêng

Trường Đại học (ĐH) Lạc Hồng; Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng; Trường ĐH Việt Bắc; Trường Cao đẳng (CĐ) Đại Việt; Trường ĐH Phan Chu Trinh; Trường ĐH Đại Nam; ĐH Thái Nguyên; Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM; Trường ĐH Bách khoa Hà Nội; ĐH Đà Nẵng; Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội; Trường ĐH Đồng Tháp; Trường ĐH Thành Đông; Trường ĐH Vinh; Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn; Trường ĐH Kiến trúc TPHCM; Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình; Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An; Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam; Học viện Âm nhạc Huế; Học viện Âm nhạc TPHCM; Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam; Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM; Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương; Trường CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai; Trường CĐ Múa Việt Nam; Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc; Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc; 3 đề án đang tiếp tục được hoàn thiện.

Tin khác

Tin tức 19 giờ trước
(SHTT) - Từ ngày 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5, thí sinh đang học lớp 12 sẽ chính thức thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến. Dự kiến năm nay có trên 1 triệu thí sinh sẽ đăng ký tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tin tức 22 giờ trước
Văn phòng tư vấn về sở hữu trí tuệ miễn phí sẽ được đặt tại 31 Hàn Thuyên, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM, với kỳ vọng thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo cho nhiều doanh nghiệp, trường đại học, sinh viên,…
Tin tức 23 giờ trước
(SHTT) - Theo thông tin từ Hội Hóa học Việt Nam, cả 10 học sinh Việt Nam tham gia kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế Mendeleev lần thứ 58, năm 2024 đều đạt giải với 1 huy chương Vàng, 5 huy chương Bạc và 4 huy chương Đồng. Với thành tích này, Việt Nam xếp hạng 3 toàn đoàn.
Tin tức 1 ngày trước
Tạp chí Tiếp thị & Gia đình vừa bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Tánh (bút danh Pha Lê) làm Trưởng VPĐD miền Nam.
Tin tức 2 ngày trước
(SHTT) - Sáng 26/4, tại Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Trường Đại học Giao thông vận tải tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) năm 2024.