SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 02/05/2024
  • Click để copy

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc và ý nghĩa đối với phong trào thi đua yêu nước ở Việt Nam hiện nay

11:41, 23/04/2023
Trên cơ sở nghiên cứu tư tưởng thi đua yêu nước của Hồ Chí Minh, bài viết nêu bật giá trị của tư tưởng này và rút ra những vấn đề cần thiết đối với phong trào thi đua yêu nước ở Việt Nam hiện nay.

Không chỉ là người yêu nước mẫu mực, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta một di sản tinh thần hết sức quý báu, trong đó có tư tưởng về thi đua yêu nước. Người đã làm rõ mục đích, nội dung, cách thức, phương hướng cũng như kết quả, ý nghĩa của thi đua yêu nước. Trên cơ sở nghiên cứu tư tưởng thi đua yêu nước của Hồ Chí Minh, bài viết đã nêu bật giá trị của tư tưởng này và rút ra những vấn đề cần thiết đối với phong trào thi đua yêu nước ở Việt Nam hiện nay.

Not only being was he an exemplary patriot, President Ho Chi Minh also left the whole Vietnamese communist party, army and people an invaluable spiritual legacy, including the idea of patriotic emulation. He clarified the purpose, content, method, direction as well as results and meaning of patriotic emulation. On the basis of studying Ho Chi Minh's ideology of patriotic emulation, the article highlights the value of this school of thought and give rise to imporstant questions concerning the patriotic emulation movement in Vietnam today.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Yêu nước là một truyền thống quý báu, đứng đầu trong bảng giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam. Chính truyền thống đó góp phần đã hun đúc nên tâm hồn, trí tuệ và khí phách của Hồ Chí Minh. Người mang trong tim khát vọng cháy bỏng là: “Làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”[1], đồng thời hiến dâng cả cuộc đời cho khát vọng đó. Bác cũng đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một kho tàng lý luận hết sức quý giá, trong đó có tư tưởng về thi đua ái quốc. Tư tưởng của Người cho đến nay vẫn có giá trị, ý nghĩa to lớn, dẫn dắt sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đến bến bờ thắng lợi.

2. NỘI DUNG

2.1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc được thể hiện trong rất nhiều bài viết, bài nói điển hình như Lời kêu gọi thi đua yêu nước (1.5.1948), Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11.6.1948), Thi đua ái quốc, hiện tại và tương lai vẻ vang của nước ta (5.7.1951), Thư gửi thanh niên về thi đua ái quốc (1.8.1951), Bài nói tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc (1.5.1952),... Tư tưởng này còn được phản ánh qua cuộc đời hoạt động cách mạng và thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua của Hồ Chí Minh. Người cho rằng yêu nước không chỉ là tình cảm tự nhiên, mang tính tự phát của từng cá nhân con người mà phải được nhân rộng thành phong trào mang tính chất rộng rãi.

Picture1

 Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc bao gồm những điểm chính như sau:

Thứ nhất, mục đích của thi đua ái quốc

Theo Hồ Chí Minh, mục đích của thi đua ái quốc là làm cho nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, có tri thức, làm cho đất nước tự do, độc lập. Bởi vậy, trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11.6.1948), Hồ Chí Minh viết:

“Mục đích thi đua ái quốc là:

Diệt giặc đói,

Diệt giặc dốt,

Diệt giặc ngoại xâm.”[2].

Với cách diễn đạt giản dị, cô đọng, Hồ Chí Minh đã nêu bật được mục đích của thi đua ái quốc theo thứ tự ưu tiên, trước hết là diệt giặc đói, đảm bảo sự sống cho nhân dân; kế đến là diệt giặc dốt, mở mang tri thức cho nhân dân và cuối cùng là diệt giặc ngoại xâm mà trực tiếp là thực dân Pháp xâm lược. Mục đích này đã được Người nhắc lại và nhấn mạnh trong bài viết Thi đua ái quốc, hiện tại và tương lai vẻ vang của nước ta đăng trên báo Nhân dân, số 15 ngày 5 tháng 7 năm 1951, cụ thể là: “Thi đua ái quốc nhằm ba mục đích chính: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Tức là làm cho nhân dân no, ấm, biết chữ, làm cho Tổ quốc độc lập, tự do”[3].

Thứ hai, nội dung của thi đua ái quốc

Hồ Chí Minh cho rằng nội dung của thi đua ái quốc là khơi dậy, phát huy tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân khiến cho mọi người tích cực phấn đấu “làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều”, bất kỳ người nào dù “già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá”[4]. Tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc vào ngày 1 tháng 5 năm 1952, Người vạch ra các nội dung của thi đua ái quốc là tăng gia sản xuất và tiết kiệm; thi đua giết giặc lập công.

“Thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm thì:

- Tăng năng suất: làm mau, làm tốt, làm nhiều.

- Ra sức tiết kiệm: nguyên liệu, vật liệu, sức lao động, thì giờ…()

Thi đua diệt giặc lập công thì:

- Luyện tập giỏi,

- Diệt nhiều địch,

- Khắc phục khó khăn, chấp hành mệnh lệnh, làm tròn nhiệm vụ”[5].

Thứ ba, cách thức và phương hướng thi đua ái quốc

Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, nhân dân có vai trò hết sức to lớn, là cội nguồn của mọi thắng lợi. Vì vậy, Người nhấn mạnh việc phát huy sức mạnh của nhân dân để thi đua ái quốc, lấy sức dân để làm lợi cho dân. Bởi vậy, trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11.6.1948), Hồ Chí Minh vạch ra cách thức thi đua ái quốc là dựa vào:

Lực lượng của dân,

Tinh thần của dân, để gây:

Hạnh phúc cho dân”[6]

Hồ Chí Minh kêu gọi “người người thi đua, ngành ngành thi đua”, mỗi người đều nỗ lực cố gắng thi đua hoàn thành tốt công việc của mình: Các cụ, các bà thì thi đua tham gia Hội mẹ chiến sĩ; nhân dân thì thi đua mua công phiếu kháng chiến, thi đua góp đảm phụ kháng chiến; các đồng bào điền chủ thì thi đua giảm địa tô và thi đua quyên ruộng; các cụ phụ lão và chị em phụ nữ thì thi đua tổ chức đội du kích; các cháu thanh niên thì thi đua tòng quân; cán bộ trong các cơ quan thì thi đua sửa đổi cách làm việc cho hợp lý hơn; các cháu nhi đồng thì thi đua học tập và giúp mọi công việc; kiều bào ở nước ngoài và đồng bào trong vùng tạm bị chiếm đều tuỳ hoàn cảnh mà thi đua.

Bên cạnh cách thức thi đua ái quốc, trong Thư gửi thanh niên về thi đua ái quốc, đăng trên báo Nhân dân, số 22, ngày 23 tháng 8 năm 1951, Hồ Chí Minh chỉ ra các phương hướng thi đua ái quốc, bao gồm:

- Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững, phải nâng cao lòng nồng nàn yêu nước và giác ngộ chính trị của mọi người.

- Thi đua ái quốc phải có kế hoạch tỉ mỉ, do mọi người cùng bàn bạc, thống nhất và tự giác thực hiện. Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, tránh sự sơ suất, đại khái hoặc đặt ra mục tiêu quá cao, phiền phức.

- Thi đua ái quốc phải điều hoà giữa nhiệm vụ tăng gia sản xuất, công việc hằng ngày và học tập.

- Thi đua ái quốc phải có sự lãnh đạo đúng. Trước khi thi đua phải chuẩn bị đầy đủ; trong lúc thi đua, phải thiết thực đôn đốc, giúp đỡ; sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi.

- Tiến hành tự phê bình và phê bình để đẩy mạnh thi đua.

- Thi đua phải lâu dài và rộng khắp, không phải chỉ trong một thời gian nào, không phải chỉ riêng ngành nào, nhóm người nào[7].

Thứ tư, kết quả và ý nghĩa của thi đua ái quốc

Với mục đích diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm, kết quả của thi đua ái quốc được Hồ Chí Minh xác định là:

Toàn dân đủ ăn đủ mặc,

Toàn dân biết đọc, biết viết,

Toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới, để diệt ngoại xâm,

Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn”[8].

Theo Người, đạt được kết quả như trên nghĩa là chúng ta thực hiện được ba chủ nghĩa mà nhà cách mạng Tôn Trung Sơn đặt ra đó là: Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc.

Picture2

 Bác Hồ phát biểu trong Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước năm 1966.

Bên cạnh kết quả của thi đua ái quốc, Hồ Chí Minh cũng nêu bật ý nghĩa của thi đua. Trước kia mỗi thành phần trong xã hội ai làm việc đấy, chưa có cảm tình với nhau, sau nhờ thi đua mà gắn kết lại với nhau cùng thực hiện nhiệm vụ chung là tăng gia sản xuất, giết giặc lập công. Vì vậy, thi đua là đoàn kết, “thi đua tăng cường đoàn kết, mà đoàn kết đẩy mạnh thi đua. Đoàn kết ấy là đoàn kết thật sự và rất chặt chẽ”[9]. Hồ Chí Minh cũng cho rằng việc thi đua khiến hiệu quả công việc từ tăng gia sản xuất đến giết giặc lập công đều tăng lên, thi đua trở thành một cách yêu nước thiết thực và tích cực, “thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”[10]. Bên cạnh bồi dưỡng tinh thần đoàn kết và tinh thần yêu nước của dân tộc ta, trong tư tưởng Hồ Chí Minh thi đua là tinh thần quốc tế, “làm cho nhân dân ta đoàn kết với nhân dân lao động thế giới”[11]. Ở đây nhân dân nước ta thi đua với nhân dân nước bạn, học tập kinh nghiệm của nước bạn, đồng thời vui mừng khi chứng kiến những thắng lợi của nhau. Kế tiếp đó, theo Hồ Chí Minh, trong quá trình thi đua, nhân dân ta đã góp phần tiêu diệt lực lượng của Pháp, Mỹ, làm cho phe hòa bình và dân chủ ngày càng thịnh vượng, như thế là “góp sức gìn giữ hòa bình và dân chủ thế giới”. Mặt khác, thi đua còn có ý nghĩa “cải tạo con người” [12], khiến cho công nông binh thì trí thức hóa, trí thức thì lao động hóa.

Có thể nói, với cách diễn đạt xúc tích, cô đọng, Hồ Chí Minh đã đưa ra một hệ thống các quan điểm về thi đua ái quốc một cách toàn diện, sâu sắc. Mặc dù vậy, những nội dung mà Người đề cập này không chung chung mà hết sức cụ thể, thiết thực, gắn chặt với những hoạt động thường ngày của con người, từ đó khơi dậy được tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết và sự nỗ lực cố gắng của mọi thành phần, tầng lớp, qua đó ngày càng hoàn thiện bản thân mình, góp phần vào gìn giữ hòa bình và dân chủ trên thế giới.

2.2. Ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh với phong trào thi đua yêu nước ở Việt Nam hiện nay

thi dua

 Ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh trong phong trào thi đua yêu nước ở Việt Nam hiện nay là rất quan trọng.

Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11.6.1948) đến nay đã hơn 70 năm. Hiện nay, Việt Nam đã hoàn toàn độc lập, nhân dân đã được sống trong hòa bình; toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tích cực thi đua, phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đa số người dân đều nhận rõ trách nhiệm của mình, khát khao cống hiến, góp sức, góp công phục vụ, làm lợi đối với đất nước. Mặc dù vậy, đất nước vẫn còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn; các thế lực thù địch trong và ngoài nước vẫn đang từng ngày, từng giờ thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng. Trong khi đó, có một bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên, nhân dân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thậm chí có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vì lẽ đó, việc phát huy truyền thống yêu nước, thi đua ái quốc vẫn vô cùng cấp bách và có ý nghĩa thiết thực. Ở đây, những nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc chính là kim chỉ nam cho toàn Đảng, toàn dân ta vượt qua chông gai, vững bước trên con đường đã chọn.

Thứ nhất, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc không những là cơ sở cho các quan điểm về thi đua yêu nước mà còn là cơ sở xây dựng đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bản thân mục tiêu tổng quát mà Đảng ta đặt ra qua các kỳ đại hội cũng hướng đến mục tiêu làm cho dân có cuộc sống ấm no, làm cho đất nước độc lập. Mục tiêu đó được Đảng ta xác định là tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa... Trong đường lối chung hay trong thi đua yêu nước, trên tinh thần tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng cũng luôn quán triệt quan điểm lấy dân làm gốc, phát huy quyền dân chủ của nhân dân, coi đó là phương thức để lãnh đạo cách mạng, tổ chức phong trào thi đua yêu nước. Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã rút ra bài học là “trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”[13]

Thứ hai, tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như những kinh nghiệm tổ chức thi đua ái quốc mà Người hướng dẫn, thực hiện là cơ sở thực tiễn để tổ chức được nhiều phong trào yêu nước, điển hình như: cuộc vận động “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”; phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; Phong trào “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu” của cán bộ, công chức; Phong trào “Thi đua dạy tốt, học tốt” của giáo viên, sinh viên, học sinh và cán bộ quản lý giáo dục; Phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” của phụ nữ; Phong trào “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” của thanh niên; Phong trào “Thi đua quyết thắng”  của quân đội nhân dân Việt Nam; Phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”…

Những phong trào trên đã khơi dậy lòng yêu nước, nâng cao tính tích cực xã hội trong mỗi con người, mỗi tổ chức, đơn vị, tạo nên những động lực mới cho sự nghiệp cách mạng. Đây là hình thức tốt nhất để tập hợp, giác ngộ cách mạng và nâng cao nhận thức cho quần chúng. Mặt khác, phong trào yêu nước cũng góp phần giúp cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chính trị; rèn luyện năng lực lãnh đạo, tổ chức, quản lý.

Để tiếp tục phát huy giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, và đẩy mạnh phong trào yêu nước ở Việt Nam hiện nay, thiết nghĩ chúng ta cần làm tốt những công việc như sau:

- Đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương và phong cách của chủ tịch Hồ Chí Minh; nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, kết quả và tác dụng của phong trào thi đua yêu nước.

- Tiếp tục phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước với hình thức và nội dung phong phú, đa dạng; phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điểm điển hình tiên tiến rộng khắp ở các ngành, các cấp trong cả nước từ Trung ương đến cơ sở.

- Tăng cường giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức tự lực tự cường, nêu bật những yêu cầu đối với tinh thần yêu nước trong thời kỳ đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Gắn việc giáo dục tinh thần yêu nước với giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

- Đẩy mạnh việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phòng chống các biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, xây dựng lòng tin của nhân dân, tạo ra sự đồng thuận trong toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát động các phong trào thi đua.

- Gắn phong trào thi đua yêu nước với việc phát động toàn dân tăng cường đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng đời sống mới.

3. KẾT LUẬN

Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về thi đua ái quốc. Với mục đích mưu cầu hạnh phúc của nhân dân, đấu tranh giành độc lập dân tộc nên Người luôn trăn trở với việc tổ chức phong trào thi đua ái quốc, động viên sức lực của toàn dân tham gia vào sự nghiệp cách mạng. Ngày nay, đất nước ta đã hòa bình, độc lập, song khó khăn, thử thách vẫn còn rất nhiều. Để thực hiện thắng  lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực cố gắng, nỗ lực thi đua trong phát triển kinh tế, nâng cao trình độ tri thức, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia. Trong quá trình này, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc luôn là ngọn đuốc soi đường, chỉ lối cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.  

[1] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, t.12, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.517.

[2] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, t.5, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.556.

[3] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, t.6, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.236.

[4] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, t.5, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.556

[5] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, t.6, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.470 - 471.

[6] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, t.5, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.556.

[7] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, t.6, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.271.

[8] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, t.5, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.556.

[9] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, t.6, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.473.

[10] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, t.6, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.473.

[11] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, t.6, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.474.

[12] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, t.6, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.475.

[13] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.627 - 28.

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

2. Hồ Chí Minh (2000). Toàn tập. t.5. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

3. Hồ Chí Minh (2000). Toàn tập, t.6. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội

4. Hồ Chí Minh (2000). Toàn tập. t.12. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

5. Hội đồng lý luận Trung ương (2021). Những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật. Hà Nội.

Thông tin liên hệ:

Thượng tá, Tiến sĩ Nguyễn Quỳnh Anh

Phó Trưởng Khoa Lý luận Chính trị và Khoa học xã hội nhân văn

Trường Đại học An ninh Nhân dân

ĐT: 0982233480

Email: [email protected]

Thượng tá, Tiến sĩ Nguyễn Quỳnh Anh

Phó Trưởng Khoa Lý luận Chính trị và Khoa học xã hội nhân văn

Trường Đại học An ninh Nhân dân

Tin khác

Tin tức 42 phút trước
AI Day 2024 sẽ diễn ra tại The Adora Center (TP.HCM) với chủ đề “Ứng dụng AI - Chìa khóa kinh doanh bứt phá”. Đây là sự kiện giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận kiến thức, công cụ và ứng dụng AI để tối ưu chi phí vận hành, nâng cao hiệu suất và tạo lợi thế cạnh tranh.
Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024 được tổ chức tại Quảng Ninh, dự kiến từ ngày 4 đến 9/11/2024.
Tin tức 2 giờ trước
(SHTT) - Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), trong quý I/2024, lĩnh vực quản lý nhà nước và báo chí truyền thông đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, được dư luận xã hội quan tâm, ghi nhận.
Tin tức 2 giờ trước
(SHTT) - Gần đây, một giáo viên trung học ở Mỹ đã bị bắt vì sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giả mạo giọng nói của hiệu trưởng, tạo ra nội dung phát ngôn xúc phạm học sinh và đồng nghiệp. Những phát ngôn này sau đó được lan truyền rộng rãi và gây ra phản ứng tiêu cực trong cộng đồng.
Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - Dự án “Những bức chân dung từ lụa vụn” ra đời nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng để cải thiện điều kiện lao động cho những “nghệ nhân” đặc biệt – những người đứng sau các tác phẩm tranh lụa đầy ấn tượng của Vụn Art.