SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Thầy tôi – GS. Trần Văn Khê

06:00, 24/07/2021
(SHTT) - Đây là bài viết của ông Nguyễn Quốc Thệ - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Vạn Hạnh nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư Trần Văn Khê.

Thầy tôi sinh ngày 24 tháng 7 năm 1921. Hôm nay là sinh nhật 100 của Thầy. Sinh ra tại miền Nam, quê Thầy nằm bên bờ sông Tiền, là vùng đất nổi tiếng Vĩnh Kim có cây lành trái ngọt và con người nhân hậu. Thừa kế gia tài âm nhạc truyền thống từ cha ông, Thầy Khê đã am tường âm sắc Việt khi còn tấm bé. Lớn lên trong thời cuộc rất nhiễu nhương, đất nước còn nô lệ, Thầy đã học được vốn Tây học trên nền Việt học sâu sắc.

Cứ tưởng con đường Thầy đi là Y khoa vì năm 1942, Thầy là cậu sinh viên miền Nam của trường Y Hà Nội. Ấy vậy mà dòng đời lại đưa Thầy về lại với âm nhạc Việt. Thầy được du học Pháp năm 1949 và làm luận án tiến sĩ với đề tài “Âm nhạc truyền thống việt Nam”. Kể từ ấy, âm nhạc là nghề của Thầy, là hơi thở, cũng là tình yêu và khát vọng cháy bổng của ông tiến sĩ âm nhạc người Việt – Trần Văn Khê – Người mang tiếng lòng dân tộc Việt Nam cho bè bạn năm châu biết để hiểu hơn về dân tộc Việt ngoan cường nhưng tâm hồn luôn đầy âm sắc bay bổng này. Thầy tâm sự: “Có người gọi công việc tôi đã làm có tánh tiếp thị âm nhạc Việt Nam đến bạn bè thế giới. Thực ra, tôi chỉ đơn giản muốn mọi người biết về nét đẹp của đất nước mình”.

gs-khe-1

 

“Nét đẹp của đất nước mình” … Ôi! Nét đẹp đó đơn sơ như cây đàn bầu mộc mạc mà thú vị vô cùng, mà sâu sắc vô biên. Chỉ là một thanh tre, nửa trái bầu khô cùng que tre nhỏ và sợi dây tơ mành mà nũng nịu đủ lời, mà chứa cả đất trời âm thanh:

“Một dây nũng nịu đủ lời

Một bầu chứa cả đất trời âm thanh” (Văn Tiến Lê).

“Nét đẹp của đất nước mình” … Ôi! Nét đẹp đó thanh khiết như tiếng đàn tranh mảnh mai, trong trẻo mà dìu dặt, khoan thai làm mát rượi tâm hồn những con người dù đang cầm bút hay đang cầm cày ở cái xứ nhiệt đới đầy nắng gió Việt Nam...

Thầy Trần Văn Khê đã cống hiến cả đời cho những nghiên cứu tỉ mỉ, giá trị của âm nhạc Việt. Thầy làm cho thế giới ngỡ ngàng trước một Việt Nam đẹp mỹ miều không chỉ bởi Hạ Long, Nha Trang hay Cố đô Huế. Thầy làm cho người ta yêu con người Việt Nam không bằng mắt mà bằng tai, không bằng óc mà bằng tim, … bằng Ca trù, Quan họ, Ví dặm, Hát xoan, Nhã nhạc cung đình Huế, Đờn ca tài tử Nam bộ hay bằng tiếng đàn bầu, đàn tranh, đàn kìm, đàn đá, . . . Những giá trị đó là di sản quý báu của tổ tiên sáng tạo, của con cháu giữ gìn để cả nhân loại nhận ra và trân quý rồi muốn lưu giữ muôn đời thành những di sản văn hóa phi vật thể hay kiệt tác truyền khẩu của nhân loại.

Thầy Trần Văn Khê kính yêu đã sống một đời thật đặc biệt như cung bậc âm nhạc truyền thống, có lúc thăng hoa, có lúc trầm lắng. Unesco yêu kính Thầy, Việt Nam yêu kính Thầy và chúng con vô cùng yêu kính Thầy.

tran-van-khe-7-15955687787471226804094

 

Nhớ lại, năm 2000, tôi cùng hơn 200 sinh viên của Đại học Hùng Vương chào đón Thầy Trần Văn Khê đến với môn học Âm nhạc truyền thống Việt Nam. Chúng tôi ấn tượng ngay bởi chất giọng Nam bộ ấm trầm đến lạ lùng của ông thầy giáo 80 tuổi. Cá nhân tôi hoảng hốt, tự hỏi: “ Mình là ai, mình ở đâu?” khi bước vào những bài học âm thanh, khi nghe tiếng lòng của tổ tiên ngàn đời vang vọng từ Thầy. Tôi sửng sốt khi Thầy nói: “Thầy hôm nay vô cùng hạnh phúc vì lần đầu tiên được dạy âm nhạc truyền thống Việt Nam cho sinh viên Việt Nam trên quê hương Việt Nam!”. Và như thế, Thầy đã cho chúng tôi thấy một đất nước, một tổ quốc từ lời mẹ ru, từ tiếng đàn, từ điệu hát và từ chính Thầy, . . .

Tôi may mắn là cậu học trò của Thầy, cậu ấy rất bình thường, ngày ấy chắc Thầy không đủ sức nhớ nổi tên tôi bởi quanh Thầy lúc nào cũng là hàng trăm bằng hữu, học trò, người ái mộ. Tôi học môn Thầy rất chăm chỉ. Tôi bắt đầu tập hát ru, hát quan họ, ca vọng cổ và mê mẩn đàn kìm, đàn bầu. Tôi quyết định đi mua cây đờn kìm, tìm đến chỗ đóng đờn, tôi nói về Thầy Khê, tôi nói tôi mê đờn kìm, … chẳng hiểu sao ông đóng đờn (tôi không còn nhớ tên) nói: “Cho con mang dìa học. Qua cũng là dân Tiền Giang, ái mộ Ông Khê dữ lắm!”. Mấy bạn tôi nói: “Mầy dựa hơi Thầy Khê hay hén!”

Từ năm 2008, tôi bắt đầu đứng trên bục giảng đại học. Tôi gọi là liều lĩnh nhận dạy nhiều học phần thuộc lĩnh vực âm nhạc dân tộc dù dĩ nhiên mình không phải nghệ sĩ, dạy được chủ yếu bằng tình yêu và niềm tự hào về nền âm nhạc truyền thống và bằng âm vang những bài giảng và bóng cả của Thầy Trần Văn Khê. Tôi hãnh diện nói mình là học trò Thầy Khê tại các trường đại học như Tiền Giang, Văn Hiến, Hồng Bàng, Bình Dương, Hutech, Sư phạm. Bao giờ tôi cũng nói đi nói lại về lời dạy của Thầy: “Các con hãy xem âm nhạc dân tộc mình là cơm, âm nhạc nước ngoài là ớt. Mình ăn cơm để sống nhưng cũng cần chút ớt cay cay. Nhưng ai ăn ớt không sẽ chết – chết về mặt tâm hồn, không còn là tâm hồn Việt Nam nữa. Hay các con hãy xem âm nhạc dân tộc mình là nước, của người là rượu. Chúng ta uống nước để sống nhưng cũng cần nhấp nháp chút rượu nồng cay. Còn ai uống rượu không sẽ chết, cũng chết về mặt tâm hồn!”.

gs-khe

 Giáo sư Trần Văn Khê (trái) chụp hình cùng anh Nguyễn Quốc Thệ

Rồi thời gian trôi mau, năm 2014, tôi tìm thăm Thầy tại nhà ở đường Huỳnh Đình Hai khu Bà Chiểu. Mang theo tấm hình chụp với Thầy thời sinh viên, Thầy cảm động và tôi vô cùng xúc động khi lần đầu Thầy biết tên và gọi “Thệ con …”. Thầy gọi “Thệ con” nghe đã thiệt là đã! Tôi vô cùng biết ơn cái duyên gặp ấy. Rồi tôi tổ chức một buổi nói chuyện tại Pháp viện Minh Đăng Quang về văn hóa, âm nhạc và ẩm thực. Mời Thầy nhưng phải lỗi hẹn 1 lần. Đến lần sau mặc dù sức khỏe của Thầy không tốt, Thầy vẫn cố gắng đến. Hôm ấy đã là giữa tháng 3 năm 2015, tiếng của Thầy vẫn còn ấm áp nhưng đã hơi yếu và Thầy hoàn toàn phải ngồi xe lăn.

Đó cũng là lần cuối cùng Thầy nói chuyện trước công chúng. Sức khỏe của Thầy yếu dần và nằm viện liên tục. Chuyện đi về trên cõi đời này dẫu biết là lẽ thường nhưng hàng ngàn người thân, người ái mộ và học trò Thầy vẫn luyến tiếc khôn nguôi bởi Thầy là cây đại thụ của khu rừng âm nhạc Việt Nam. Không ai muốn tiếng đàn kìm trác tuyệt của Thầy phải im tiếng giữa không gian trời đất Việt.

02 giờ ngày 24 tháng 6 năm 2015, tại bệnh viện Gia Định, dây tồn tang của cây đờn kìm tắt lịm … Thầy đã cỡi hạc quy tiên . . .

Hôm nay, ngày 24 tháng 7 năm 2021, Thầy tròn 100 tuổi. Unesco chắc chắn nhớ và nhắc về Thầy. Chúng con phải càng hơn thế. Trong ngày sinh nhật đặc biệt này, chúng con vẫn vững một niềm tin về sự trường tồn của âm nhạc truyền thống giống như là sự trường tồn của văn hóa nước nhà. Chúng con sẽ làm cho giá trị của Thầy để lại – Giá trị Trần Văn Khê ngày càng lớn hơn nữa.

Kính nhớ Thầy Trần Văn Khê kính yêu …

Nguyễn Quốc Thệ

Tin khác

Khoa học Công nghệ 1 giờ trước
(SHTT) - Ngày 25/4, tại Hà Nội, "Triển lãm sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo" đã chính thức diễn ra. Chương trình với 20 gian hàng đến từ các đơn vị, doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ trở thành nơi hỗ trợ kết nối, xúc tiến giao dịch công nghệ.
Khoa học Công nghệ 3 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Bộ Giao thông vận tải Hàn Quốc đã có thông báo về việc các nhà sản xuất Hyundai, Kia và hai nhà sản xuất ô tô khác sẽ triệu hồi hơn 200.000 xe ô tô do phát hiện linh kiện bị lỗi được sử dụng lắp đặt.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Ông Trần Xuân Bách, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng sự sáng tạo và đổi mới đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày và một nhân tố quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và xã hội.
Khoa học Công nghệ 2 ngày trước
(SHTT) - VASA-1, công cụ AI mới của Microsoft, có thể chuyển đổi ảnh chân dung thành video nói hoặc hát với âm thanh cho trước một cách chân thực.
Khoa học Công nghệ 2 ngày trước
(SHTT) - Tối 23/4, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17 (2022 - 2023).