SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Sinh viên Đà Nẵng “biến” rác hữu cơ thành phân bón

10:30, 25/03/2017
Sau thời gian miệt mài nghiên cứu, một nhóm các bạn trẻ đến từ Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) đã sáng tạo thành công máy ép rác hữu cơ thành phân bón phục vụ nông nghiệp.

Khi rác thải trở thành phân bón

Những ngày đầu tháng hai, chàng sinh viên năm ba, ngành điện tại Đại học Duy Tân, Phạm Hữu Cường cùng các bạn trong nhóm vẫn mày mò hoàn thiện các bước cuối cùng của chiếc máy ép rác hữu cơ để chuẩn bị tham gia cuộc thi khởi nghiệp quốc gia thời gian tới. Gặp chúng tôi, dù khá bận rộn với việc học tập trên giảng đường và những buổi làm việc nhóm căng thẳng nhưng Cường vẫn giữ được sự thân thiện, cởi mở trong suốt câu chuyện.

Cường cho biết, từ khi đặt chân vào cổng trường đại học, cậu đã ấp ủ dự định sáng tạo một thiết bị giúp người nông dân, các gia đình thành thị xử lý rác thải, bảo vệ môi trường với chi phí thấp. Rồi mãi đến năm 2015, thông tin bãi rác Khánh Sơn trên địa bàn trở nên quá tải khiến mong muốn phát triển một chiếc máy xử lý rác trong Cường ngày một tăng cao. Sau mỗi giờ lên lớp, Cường lại vùi đầu tại thư viện để tham khảo tài liệu từ khắp nơi. Về nhà, Cường thường tới các nhà hàng, khách sạn khảo sát nhu cầu tiêu thụ và xử lý rác để tìm một hướng đi khởi nghiệp của riêng mình. Sau nhiều tháng tìm tòi, Cường nhận ra việc phân loại rác hữu cơ và rác vô cơ của người dân còn nhiều hạn chế. Trái ngược với xu hướng này là thói quen của người tiêu dùng hiện nay đang trở lại với việc sử dụng phân bón, thực phẩm sạch trong chăn nuôi, trồng trọt. “Nếu như ở nông thôn, thức ăn thừa của người dân được sử dụng trong chăn nuôi thì ở thành thị, một bộ phận không nhỏ người dân phải vứt vào thùng rác vì không có nơi tiêu thụ. Việc thức ăn thừa hay rác hữu cơ đổ trực tiếp vào các bãi rác vô hình chung sẽ gây khó khăn cho công tác phân loại, xử lý rác thải”, Cường nói. Từ thực tế đã tìm hiểu, Cường cùng các bạn trong nhóm đã nghiên cứu và sáng chế một chiếc máy ép rác hữu cơ thành phân bón sinh học với giá thành chưa đến 3 triệu đồng.

sinh vien da nang bien rac huu co thanh phan bon

 Sinh viên Đà Nẵng “biến” rác hữu cơ thành phân bón

Trung bình 1 kg rác hữu cơ cho vào máy ép sẽ ra 0,4kg phân bón phục vụ trong nông nghiệp sạch. Việc làm chủ chiếc máy ép rác theo lời của Cường cũng tương đối đơn giản; sau khi khởi động máy, người dùng có thể dễ dàng bỏ rác như đồ ăn thừa, vỏ hoa quả, bánh kẹo… vào để xay nhuyễn rác thải. Quá trình làm việc, máy ép rác sẽ tự động phun chất phụ gia để lên men vi sinh. Sau khi rác được xay nhỏ, người sử dụng chỉ cần đem chưng cất hoặc ủ trong thời gian từ một đến hai tuần là có thể sử dụng phân bón cho hoa màu. Trong thời gian đầu, cùng với việc giới thiệu sản phẩm giúp người dân nhận thức tốt hơn về việc phân loại rác thải tại nhà, nhóm của Cường còn cam kết sẽ thu gom số phân bón của từng hộ dân để bán lại cho các trang trại trồng trọt, các vùng trồng rau sạch theo chuẩn chặt chẽ.

Đón đầu tương lai

Trong nhiều buổi làm việc nhóm, Cường cùng các bạn đã nhìn nhận thực tế, trong tương lai, vấn đề ô nhiễm môi trường tại Đà Nẵng sẽ trở nên nhức nhối. Và trong khi lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đang nghiên cứu đầu tư xây dựng khu liên hiệp xử lý rác thải rắn ở Hòa Nhơn thì công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ vai trò quan trọng của việc phân loại rác tại nguồn phải được đặt lên hàng đầu. “Tôi còn nhớ cách đây vài năm, Đà Nẵng cũng tiến hành phân loại rác thải ngay tại khu vực đặt thùng rác nhưng rồi chủ trương này cũng “chết yểu” do nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến nhận thức của người dân chưa tốt. Nếu máy ép rác này được sử dụng rộng rãi, bên cạnh những lợi ích mang lại thì người dân đã thực hiện quy trình phân loại rác hữu cơ khỏi các rác thải sinh hoạt khác tại nguồn” – Cường chia sẻ.

Ý tưởng chế tạo máy ép rác hữu cơ thành phân bón sinh học đã được đông đảo thầy cô cùng nhiều chuyên gia tại Đà Nẵng đánh giá cao. Từ thành công ban đầu, nhóm của Cường đã mạnh dạng gửi sản phẩm của mình tham gia cuộc thi khởi nghiệp quốc gia. Vừa qua, tin vui đã đến với nhóm khi sản phẩm máy ép rác hữu cơ của nhóm đã vượt qua hàng loạt dự án khởi nghiệp khác tại miền Trung để vào vòng chung khảo toàn quốc. “Sở dĩ chúng em chọn Đà Nằng là nơi phát triển sản phẩm máy ép rác hữu cơ là vì ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), nơi được xem là vựa rau sạch của thành phố, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch của người tiêu dùng. Qua quá trình đi thực tế, chúng em cũng nhận ra nguyên nhân của tình trạng này là quá trình sản xuất manh mún, quy mô trồng nhỏ lẻ của nông dân. Để thay đổi tư duy đó thì trước mắt chúng ta cần phải áp dụng các phương tiện kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để đem lại nguồn thu nhập ổn định. Trong tương lai, khi vùng rau sạch tại Đà Nẵng phát triển thì nhu cầu sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất của nông dân sẽ tăng lên. Vì thế, chiếc máy ép rác sẽ là một trong những tính toán đón đầu thị trường của bọn em”, bạn Phạm Thị Ly Na, thành viên trong nhóm của Cường chia sẻ.

Theo Lao Động

Tin khác

Khoa học Công nghệ 1 giờ trước
(SHTT) - Công ty xe điện Pega Việt Nam vừa ra mắt sản phẩm xe máy điện mới Pega eSmart AI - sản phẩm được giới thiệu là "chiếc xe máy điện thông minh nhất hiện nay".
Khoa học Công nghệ 7 giờ trước
(SHTT) - Ngày 25/4, tại Hà Nội, "Triển lãm sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo" đã chính thức diễn ra. Chương trình với 20 gian hàng đến từ các đơn vị, doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ trở thành nơi hỗ trợ kết nối, xúc tiến giao dịch công nghệ.
Khoa học Công nghệ 9 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Bộ Giao thông vận tải Hàn Quốc đã có thông báo về việc các nhà sản xuất Hyundai, Kia và hai nhà sản xuất ô tô khác sẽ triệu hồi hơn 200.000 xe ô tô do phát hiện linh kiện bị lỗi được sử dụng lắp đặt.
Khoa học Công nghệ 2 ngày trước
(SHTT) - Ông Trần Xuân Bách, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng sự sáng tạo và đổi mới đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày và một nhân tố quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và xã hội.
Khoa học Công nghệ 2 ngày trước
(SHTT) - VASA-1, công cụ AI mới của Microsoft, có thể chuyển đổi ảnh chân dung thành video nói hoặc hát với âm thanh cho trước một cách chân thực.