SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 28/04/2024
  • Click để copy

Rút BHXH một lần: Nên thiết kế các phương thức linh hoạt hơn để cho người lao động lựa chọn

10:57, 16/08/2023
(SHTT) - PGS.TS Đinh Dũng Sỹ- Chuyên gia pháp luật đề nghị Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cho rằng nên cho người lao động lựa chọn giữa bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng hưu hoặc nhận BHXH một lần nếu có nhu cầu. Nếu người lao động lựa chọn bảo lưu thì sẽ được hưởng các quyền lợi bổ sung.

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội Khóa XV. Dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 – tháng 10/2023 và thông qua tại kỳ họp thứ 7 – tháng 5/2024. Trên cơ sở Tờ trình số 362/TTr-CP và dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội ngày 31/7/2023, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, Chuyên gia pháp luật đề nghị Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã có những trao đổi, góp ý về một số nội dung sửa đổi lớn của dự án Luật như sau.

ds-1692087028450614245968

 PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, Chuyên gia pháp luật

Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội: Để tránh những cách hiểu không đúng đề nghị gộp Điều 28 với Điều 27 và viết lại

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung chương III về trợ cấp hưu trí xã hội (từ Điều 27 đến Điều 31). Theo đó, Điều 27 dự thảo Luật quy định: "Đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí xã hội là công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật".

Điều 28 quy định về điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là "Đối tượng quy định tại Điều 27 có đủ các điều kiện sau:

- Đủ 75 tuổi trở lên;

- Không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác theo quy định của Chính phủ".

Theo chúng tôi, về khía cạnh kỹ thuật lập pháp, cách thể hiện ở hai điều luật trên là không chính xác.

Viết như Điều 27 sẽ dẫn đến hai cách hiểu đều sai: thứ nhất, công dân Việt Nam cứ đủ tuổi nghỉ hưu thì sẽ được hưởng chế độ trợ cấp hưu trí xã hội; thứ hai, cũng có thể suy diễn là người muốn được hưởng chế độ này thì phải tham gia BHXH, vì có BHXH mới có chế độ hưu trí.

Trong khi đó, đối tượng hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, ngoài một số đối tượng đặc thù thì chủ yếu là người cao tuổi cứ đủ 75 tuổi không tham gia BHXH, không có bất kỳ chế độ trợ cấp BHXH nào thì đương nhiên được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội theo Luật này.

Đây thực chất chính là chế độ bảo trợ xã hội (trợ cấp cho người cao tuổi) đang được quy định tại Luật Người cao tuổi hiện hành được kế thừa và chuyển về dự án Luật BHXH (sửa đổi).

Từ đó, để tránh những cách hiểu không đúng như nói trên chúng tôi đề nghị gộp Điều 28 với Điều 27 và viết lại như sau:

"Điều 27. Đối tượng, điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội

1. Công dân Việt Nam khi có đủ các điều kiện sau:

a) Đủ 75 tuổi trở lên;

b) Không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác theo quy định của Chính phủ.

2. Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng chế độ trợ cấp hưu trí xã hội quy định tại điểm a khoản 1 Điều này phù hợp với điều kiện phát triển KT – XH và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ".

trocap-1692086214428769084871

 

Mặt khác, cũng có ý kiến cho rằng, không nên đưa quy định này vào Luật BHXH. Vì đây là chính sách bảo trợ xã hội đang được quy định và thực hiện theo Luật Người cao tuổi hiện hành.

Chúng tôi đồng tình với việc bổ sung hình thức trợ cấp hưu trí xã hội vào Luật này. Vì chế độ trợ cấp này cũng chính là một loại hình của an sinh xã hội, nên đưa vào Luật này để thống nhất và kết nối các chính sách.

Tuy nhiên, cái lợi lớn hơn là dự thảo Luật đã thiết kế các quy định nhằm liên kết, hỗ trợ, linh hoạt giữa các chính sách BHXH, đem lại an sinh lớn hơn cho người dân. Cụ thể, dự thảo luật đã đề xuất giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi (theo Luật Người cao tuổi hiện hành) xuống 75 tuổi.

Theo tính toán của cơ quan trình Luật, nếu theo phương án giảm xuống 75 tuổi thì dự kiến sẽ có thêm 1,1 triệu người được hưởng trợ cấp xã hội, trong đó 800.000 người do hạ tuổi và 300.000 người do liên kết tầng trợ cấp hưu trí xã hội với BHXH bắt buộc.

Đề xuất này sẽ tăng diện được hưởng trợ cấp hằng tháng mà ngân sách không phát sinh thêm nhiều, bởi trợ cấp hưu trí xã hội do BHXH chi trả.

Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định: nếu người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp xã hội (75 tuổi), thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng từ số tiền họ đã đóng BHXH. Mức trợ cấp hằng tháng của nhóm này tùy thuộc thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH.

Trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng, những người này cũng được bảo hiểm y tế do ngân sách chi trả. Đây là những nội dung bổ sung rất quan trọng, tăng giá trị an sinh cho người dân từ chế độ BHXH; đồng thời hạn chế phần nào việc rút BHXH một lần.

Cũng cần phải nói thêm rằng, theo Tờ trình của Chính phủ thì việc bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội là để thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về hình thành hệ thống BHXH đa tầng.

Tuy nhiên, trên thực tế đây cũng không phải là một chế độ hoàn toàn mới mà là kế thừa và tiếp tục cụ thể hóa quy định về chính sách bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi đang được quy định tại Luật Người cao tuổi.

Do vậy, chúng tôi cho rằng, về cơ bản lần sửa đổi này chúng ta cũng chưa bổ sung được sản phẩm bảo hiểm mới để hình thành hệ thống BHXH đa tầng như yêu cầu của Nghị quyết 28.

bhxh-1692086354270949083516

 

Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc: Đề xuất 2 giải pháp

 Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với: (i) Chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh;

(ii) Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

(iii) Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương;

(iv) Người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt);

(v) Trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019.

Việc bổ sung các đối tượng trên đảm bảo phù hợp với những quy định mới của Bộ luật Lao động, gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc; thể hiện định hướng từng bước mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện.

Xung quanh vấn đề này có hai câu chuyện cần trao đổi:

- Thứ nhất, đó là tính khả thi của các quy định này. Làm thế nào để các đối tượng này tham gia BHXH một cách đầy đủ (theo thống kê có gần 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh, 270.346 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Đó là chưa kể 3 loại đối tượng khác chưa thống kê được).

Tức là câu chuyện của tổ chức thực thi. Cần phải có các giải pháp mới trong tổ chức thực hiện: đó là trách nhiệm, là quy trình, thủ tục của các cơ quan triển khai chính sách. Đặc biệt là các thủ tục hành chính cần hết sức đơn giản, thậm chí cơ quan BHXH nên làm thay các thủ tục hành chính cho các đối tượng mới bổ sung này theo phương châm "đến từng nhà, rà từng đối tượng".

Và nếu phải làm như vậy thì cơ quan BHXH có làm nổi không? Mặt khác, đã là bắt buộc thì phải có chế tài, có kiểm soát và thực hiện xử phạt nghiêm minh. Vấn đề này chúng ta có giải pháp gì mới? Khả thi đến đâu? Nếu không thì chính sách sẽ chỉ nằm trên giấy, không thể đi vào cuộc sống.

Thực tiễn tình trạng trốn, nợ đóng BHXH đối với các đối tượng dễ quản lý và xử lý hơn đã và vẫn đang là câu chuyện chưa có lời giải hiệu quả.

- Thứ hai, từ câu chuyện thứ nhất chúng tôi đề nghị Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích bước đầu đối với các đối tượng này. Chính sách nào thì cần suy nghĩ, thiết kế phù hợp để các đối tượng này nhận thấy sự hấp dẫn của việc tham gia BHXH bắt buộc. Thậm chí họ vui vẻ tham gia như một sự tự nguyện chứ không phải là bắt buộc.

xh-1692086895633929097524

 

Theo đó, cần thiết kế các chính sách ưu đãi đi kèm với chính sách BHXH bắt buộc đối với các đối tượng này. Để đạt được các mục tiêu to lớn về an sinh xã hội, cao cả và nhân văn thì Nhà nước cũng cần chịu thiệt một chút về kinh tế. Nếu được thì nên giao cho Chính phủ thiết kế, ban hành các chính sách ưu đãi, khuyến khích này. Chúng tôi xin mạnh dạn đề xuất 2 giải pháp:

1) Có thể quy định mức đóng của các đối tượng này thấp hơn các đối tượng khác nhưng chế độ thì nên tính toán thiết kế đầy đủ để tạo sự thành công của chính sách (Nhà nước nên xác định chịu thiệt (bù đắp) một phần cho chính sách này như đề cập ở trên). Chính sách ưu đãi này được thực hiện trong một thời gian nhất định (ví dụ là 5 năm kể từ thời điểm người dân tham gia BHXH bắt buộc). Đồng thời, có thể giao cho Chính phủ nâng dần mức đóng của các đối tượng này cho tương xứng với các đối tượng khác theo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và mức thu nhập của người tham gia BHXH.

2) Cũng có thể thiết kế một chính sách BHXH bắt buộc linh hoạt đối với các đối tượng này theo nguyên tắc đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều. Tức là đưa ra nhiều mức đóng tương ứng với các chế độ thụ hưởng khác nhau để họ lựa chọn tùy theo khả năng đóng của mỗi người.

Ngoài ra, nhằm từng bước hướng tới chính sách BHXH bắt buộc đối với toàn bộ người lao động có việc làm, có thu nhập và tiền lương khi có đủ điều kiện cần thiết theo tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW, tại khoản 6 Điều 3 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) giao Chính phủ quy định việc tham gia BHXH bắt buộc đối với các đối tượng khác có thu nhập ổn định, thường xuyên phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ. Chúng tôi đồng tình với quy định này như lập luận của cơ quan trình Luật.

Về bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn (tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ BHXH bắt buộc):

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ BHXH bắt buộc như các đối tượng khác.

Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với đề xuất sửa đổi này. Vì hiện nay chế độ BHXH bắt buộc bao gồm: ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và chế độ tử tuất. 

Tuy nhiên, đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn mới chỉ tham gia BHXH bắt buộc với hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Điều này tạo ra sự không bình đẳng và thiếu hấp dẫn của chế độ BHXH bắt buộc đối với các đối tượng này. 

Đành rằng Bảo hiểm xã hội bắt buộc với đầy đủ các chế độ dựa trên đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, như chúng tôi đã đề xuất ở trên, cần có chính sách để tạo sự hấp dẫn của chế độ BHXH bắt buộc đối với các đối tượng này cũng như các đối tượng khác mà chúng ta dự kiến mở rộng ở trên.

bhvn-1692086747866459790642

 

Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, đề nghị cũng cần từng bước mở rộng sang các chế độ khác

Về bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện (Mục 1 Chương VI từ Điều 99 đến Điều 103):

Chúng tôi đồng tình với đề xuất nghiên cứu thiết kế các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng, tăng tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện. 

Vì hiện tại BHXH tự nguyện mới chỉ có chế độ hưu trí, tử tuất. Điều này cũng là thể chế hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW của Đảng. Dự thảo Luật quy định người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2.000.000 đồng cho một con (bằng mức mà NSNN đang hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số). 

Chế độ trợ cấp thai sản của BHXH tự nguyện do NSNN đảm bảo, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ không phải đóng thêm so với hiện hành.

Bổ sung trợ cấp thai sản do ngân sách nhà nước bảo đảm như đề xuất của dự thảo Luật là rất tốt. Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị cũng cần từng bước mở rộng sang các chế độ khác, dựa trên đóng góp của người lao động. Nếu thấy ở thời điểm này chưa khả thi khi quy định cứng trong Luật thì nên trao quyền cho Chính phủ quy định mở rộng các chế độ BHXH tự nguyện theo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ. 

Đối với BHXH tự nguyện, chúng tôi cho rằng phải thúc đẩy phát triển mạnh hơn nữa, cần thiết kế nhiều sản phẩm linh hoạt và phù hợp để người dân lựa chọn tùy theo khả năng đóng của họ.

Đề nghị Luật nên quy định giảm số năm tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội xuống 10 năm

Về giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm, chúng tôi rất ủng hộ đề xuất sửa đổi nói trên và coi đây là một trong những chính sách đặc biệt quan trọng và có giá trị trong lần sửa đổi này, nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu (Điều 71).

Tuy nhiên chúng tôi cũng đặt ra một câu hỏi là, tại sao chúng ta không hạ thấp số năm đóng BHXH hơn nữa? có thể là 10 năm hoặc thấp hơn nữa theo nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Cơ chế này không chỉ nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu, từ đó khuyến khích họ một điều là tham gia BHXH không bao giờ là muộn. 

Ngoài ra, cơ chế này còn hạn chế được tình trạng người đã hết tuổi lao động phải nhận BHXH một lần do chưa đủ số năm đóng BHXH bắt buộc. Như vậy, một mũi tên trúng hai đích, chúng ta nên làm!

 Theo đó, chúng tôi đề nghị Luật nên quy định giảm số năm tối thiểu đóng BHXH xuống 10 năm và thiết kế các chế độ hưởng lương hưu phù hợp theo nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Nghị quyết số 28-NQ/TW của Đảng cũng đã cho định hướng này. Trường hợp các nhà kinh tế tính toán chưa thể hạ xuống 10 năm ở thời điểm hiện nay thì Luật nên giao cho Chính phủ quy định vấn đề này khi điều kiện kinh tế - xã hội cho phép.

bh-1692086543315346538339

 

Rút BHXH một lần: Nên thiết kế các phương thức linh hoạt hơn để cho người lao động lựa chọn

Về rút BHXH một lần, đây là vấn đề lớn và cũng rất nóng thời gian qua. Hai phương án mà cơ quan trình Luật đưa ra đều có cái hay nhưng cũng đều có những nhược điểm như trong Tờ trình đã phân tích. 

Chúng tôi nhận thấy, cả hai phương án đều chưa phải là những phương án hay nhất. Theo chúng tôi nên thiết kế các phương thức linh hoạt hơn để cho người lao động lựa chọn. Theo đó, chúng tôi xin đề xuất phương án sau đây: 

Cho phép người lao động được lựa chọn giữa bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng hưu hoặc nhận BHXH một lần nếu có nhu cầu. Nếu người lao động lựa chọn bảo lưu thì sẽ được hưởng các quyền lợi bổ sung như dự kiến của dự thảo Luật (Điều 77 khoản 6 quy định: Người lao động sau một năm nghỉ việc không nhận BHXH một lần mà tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH thì được hưởng bảo hiểm y tế do Quỹ BHXH đóng, thời gian hưởng BHYT tối đa bằng thời gian đóng BHXH của người lao động). 

Đồng thời cho phép tái tục BHXH khi người lao động muốn quay lại đóng tiếp BHXH sau thời gian ngưng đóng. Trường hợp người lao động lựa chọn nhận BHXH một lần thì không được nhận các quyền lợi bổ sung. Tức là về nội dung chính sách như dự thảo Luật nhưng không nên chia thành hai diện đối tượng, gây bất bình đẳng và sự phức tạp của chính sách, làm tăng chi phí tuân thủ.

Đồng thời chúng tôi đề nghị bổ sung quy định: người lao động không rút BHXH một lần thì có thể được dùng sổ BHXH để cầm cố vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi để có tiền giải quyết những khó khăn trước mắt. Tất nhiên cần phải quy định chặt chẽ điều kiện vay vốn của NHCSXH, trong đó phải có điều kiện là mất việc làm, không có thu nhập và không có khả năng đóng tiếp BHXH. 

Nếu người lao động tìm được việc làm mới, có thu nhập thì hoàn trả vốn vay và tiếp tục tham gia đóng BHXH. Trường hợp đến hạn trả nợ mà người lao động không trả được nợ thì NHCSXH sẽ thu hồi khoản nợ thông qua sổ BHXH đang cầm cố. 

Thực tiễn nhiều trường hợp người lao động rút BHXH một lần không phải vì họ sốt ruột không đợi được đến khi nghỉ hưu mà vì mất việc, không còn thu nhập và quá túng quẫn nên buộc phải rút BHXH để trang trải cuộc sống. 

Nếu được cho vay với lãi suất hợp lý từ NHCSXH thì sẽ xử lý được các trường hợp này và người lao động có thể tái tục việc đóng BHXH khi có việc làm, thu nhập, đồng thời hạn chế được tình trạng tín dụng đen đang hoành hành, làm bần cùng hóa người nghèo hiện nay. Đây lại là một mũi tên trúng hai đích, chúng ta nên nghiên cứu, bổ sung vào Luật.

Như vậy, với kiến nghị nêu trên đã cho người lao động tới 3 sự lựa chọn và luôn mở cửa, khuyến khích để người lao động tái tục, quay trở lại tham gia BHXH khi có điều kiện. Kể cả trường hợp người lao động rút một lần nếu muốn tái tục thì cần hoàn trả lại số tiền đã rút một lần và đóng tiếp cho số năm tạm ngưng đóng, có thể cộng thêm một mức lãi suất nhất định, hợp lý để bảo đảm quyền lợi của cả nhà nước và cả người lao động mà hai bên có thể chấp nhận được. Thậm chí có thể thêm cả phương án 2 (được rút 50%) như đề xuất của cơ quan trình Luật thì sẽ có tới 4 sự lựa chọn cho người lao động.

xhbh-1692087255953404334144

 

Bổ sung chế tài xử lý đối với các cơ quan nhà nước, người có trách nhiệm có liên quan khi không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về xử lý các trường hợp trốn đóng, chậm đóng BHXH

Về bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH (từ Điều 36 đến Điều 44):

Theo Tờ trình của Chính phủ, thời gian qua, cơ quan BHXH và các cơ quan liên quan đã có nhiều cố gắng, thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH và cũng đã có những chuyển biến tích cực nhất định. 

Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận một thực trạng là tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương, bình quân trên 10.000 tỷ đồng/năm, đặc biệt vẫn còn tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH diễn ra thời gian dài dẫn đến tình trạng khó có khả năng thu hồi, ảnh hưởng tới việc giải quyết chế độ BHXH của người lao động. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có việc chưa xác định, quản lý chặt chẽ đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, các giải pháp, biện pháp xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH (Điều 36). Đặc biệt, đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng trốn đóng BHXH (Điều 44) như: 

(i) quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (như lĩnh vực thuế);

 (ii) quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 06 tháng trở lên;

 (iii) quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên;

 (iv) cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự;

 (v) Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động (khoản 6 Điều 26).

Chúng tôi ủng hộ việc bổ sung các biện pháp, chế tài đủ mạnh như nói trên để phòng chống tình trạng trốn, chậm đóng BHXH – một vấn đề khá nan giải và cũng rất bức xúc hiện nay. Chúng tôi chỉ xin góp thêm 2 ý kiến như sau:

- Thứ nhất, để bảo đảm tính khả thi của các quy định trên thì khâu tổ chức thực thi phải thực sự nghiêm túc. Chúng ta quy định chế tài mạnh mẽ như dự thảo nhưng cần kiên quyết, nghiêm túc trong tổ chức thực thi thì mới đem lại hiệu quả. 

Nếu thiếu kiên quyết, hời hợt, thiếu phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong tổ chức thi hành như giai đoạn vừa qua thì cũng không có chuyển biến tích cực, không đem lại hiệu quả như mong muốn.

- Thứ hai, cần bổ sung các quy định ràng buộc trách nhiệm, bổ sung chế tài xử lý đối với các cơ quan nhà nước, người có trách nhiệm có liên quan khi không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về xử lý các trường hợp trốn đóng, chậm đóng BHXH. 

Ví dụ như Bộ luật Hình sự đã quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi trốn đóng BHXH, nhưng thử hỏi trên thực tế chúng ta đã truy tố, xử lý hình sự được bao nhiêu trường hợp? Vậy trách nhiệm của các cơ quan liên quan như thế nào, nhất là cơ quan điều tra, khởi tố, truy tố? 

Do đó chúng tôi đề nghị cần rà soát, bổ sung cơ chế kiểm soát quyền lực, trách nhiệm của các cơ quan trong phối hợp thực hiện các biện pháp nói trên. Đặc biệt là khi cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự, nếu không quyết định khởi tố thì cơ quan điều tra có trách nhiệm phản hồi lại cơ quan BHXH một cách công khai, rõ ràng, thuyết phục về lý do không khởi tố.

PGS- TS. Đinh Dũng Sỹ 

Tin khác

Tin tức 9 giờ trước
(SHTT) - Bộ GD&ĐT vừa có văn bản yêu cầu các trường học trên toàn quốc kiểm tra, đánh giá hoạt động của các công trình nước sạch, công trình vệ sinh trong trường.
Tin tức 9 giờ trước
(SHTT) - Từ ngày 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5, thí sinh đang học lớp 12 sẽ chính thức thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến. Dự kiến năm nay có trên 1 triệu thí sinh sẽ đăng ký tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tin tức 12 giờ trước
Văn phòng tư vấn về sở hữu trí tuệ miễn phí sẽ được đặt tại 31 Hàn Thuyên, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM, với kỳ vọng thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo cho nhiều doanh nghiệp, trường đại học, sinh viên,…
Tin tức 14 giờ trước
(SHTT) - Theo thông tin từ Hội Hóa học Việt Nam, cả 10 học sinh Việt Nam tham gia kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế Mendeleev lần thứ 58, năm 2024 đều đạt giải với 1 huy chương Vàng, 5 huy chương Bạc và 4 huy chương Đồng. Với thành tích này, Việt Nam xếp hạng 3 toàn đoàn.
Tin tức 1 ngày trước
Tạp chí Tiếp thị & Gia đình vừa bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Tánh (bút danh Pha Lê) làm Trưởng VPĐD miền Nam.
Liên kết hữu ích