SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 03/05/2024
  • Click để copy

Quảng Ninh: Bảo tồn và phát huy các giá trị của nghề truyền thống

16:17, 09/10/2023
(SHTT) - Nghề truyền thống không chỉ mang giá trị kinh tế mà còn đóng góp vào bức tranh văn hóa của địa phương. Tại Quảng Ninh hiện cũng có nhiều nghề và làng nghề truyền thống mang đậm nét văn hoá bản địa, góp phần quan trọng tạo công ăn việc làm, hiệu quả kinh tế phục vụ đời sống nhân dân.

 Song do sự phát triển của nền kinh tế và công nghiệp hiện đại, nhu cầu tiêu dùng thay đổi... một số nghề truyền thống cũng đang đứng trước nhiều thách thức thậm chí có nguy cơ dần mai một. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị của nghề truyền thống là rất cần thiết.

Nghề truyền thống - giá trị và thách thức

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có một số nhóm ngành nghề truyền thống như: Nghề gốm sứ, mây tre đan, điêu khắc than đá, chế biến nông, lâm, thuỷ sản... Trong đó, phải kể đến các làng nghề như: Gốm sứ Đức Chính, gốm sứ Vĩnh Hồng (Đông Triều); nuôi cấy ngọc trai ở Hạ Long, than đá mỹ nghệ ở Hạ Long, Cẩm Phả; nghề trồng hoa Hoành Bồ, Đông Triều; nghề làm miến dong Bình Liêu; nghề làm mắm ở Vân Đồn; nghề đan ngư cụ Hưng Học (Quảng Yên)...

1

Nghề làm nước mắm ở Vân Đồn đã có từ khá lâu đời. Ảnh: Mạnh Trường 

Trên thực tế, các nghề truyền thống và làng nghề ở Quảng Ninh phần lớn có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu theo hộ gia đình chưa có sự liên kết giữa các nhóm hộ với nhau nên rất ít nghề, làng nghề đạt tiêu chí công nhận nghề, làng nghề truyền thống. Cùng với đó, hiện nay chính người lao động, các địa phương cũng chưa thực sự quan tâm đến việc công nhận các nghề truyền thống hay làng nghề truyền thống. Thêm nữa, nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ còn thấp, chính sách phát triển nghề còn nhiều bất cập, nhu cầu tiêu dùng thay đổi tạo khó khăn trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ... Vì thế, nhiều ngành nghề truyền thống đang dần bị thu hẹp.

2

Các làng gốm của Đông Triều vang danh từ khoảng những năm 50, 60 của thế kỷ trước. 

Quảng Yên là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, cũng là địa phương sở hữu nhiều nghề và làng nghề truyền thống nhất tại Quảng Ninh. Tính đến nay, Quảng Yên đã được công nhận 3 nghề truyền thống là: Nghề làm bánh gio Phong Cốc, nghề làm bún Hiệp Hoà và nghề đóng tàu thuyền vỏ gỗ đò Chanh. Cùng với đó, hai làng nghề truyền thống cũng được công nhận là làng nghề đan ngư cụ Hưng Học và làng nghề đóng tàu thuyền vỏ gỗ Cống Mương.

Vào những năm cuối thế kỷ 17, những sản phẩm do người dân Nam Hòa (Quảng Yên) làm ra không chỉ được dùng trong sinh hoạt gia đình mà còn để phục vụ nhu cầu đánh bắt của nhân dân vùng ven biển cửa sông Bạch Đằng. Đã có một thời, những chiếc lờ, nơm, đó... của làng nghề đan ngư cụ Hưng Học được những người làm nghề chài lưới ở nhiều địa phương tìm mua, hàng làm ra không đủ bán. Lâu dần, đan ngư cụ đã trở thành nghề thủ công truyền thống có trên 400 năm tuổi và được gìn giữ lưu truyền đến ngày nay. Trước kia làng nghề có hàng trăm hộ gia đình làm nghề đan ngư cụ nhưng nay chỉ còn số ít hộ gắn bó với nghề.

3

Làng nghề đan ngư cụ Hưng Học (TX Quảng Yên) đứng trước nhiều thách thức để bảo tồn nghề. 

Ông Hoàng Văn Dũng sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nhiều đời làm nghề đan ngư cụ ở phường Nam Hòa, chia sẻ: Các sản phẩm ở làng nghề ngư cụ Hưng Học chủ yếu phục vụ cho khai thác, đánh bắt thủy hải sản. Tuy nhiên, những năm gần đây, phương thức sản xuất, đánh bắt thủy hải sản của người dân cũng có nhiều thay đổi nên nhu cầu thị trường ngày một giảm, thu nhập của người lao động thấp đi, làng nghề gặp nhiều khó khăn. Song gia đình tôi và một số hộ trên địa bàn phường Nam Hòa vẫn cố gắng duy trì, gắn bó với nghề như cách để gìn giữ nghề mà cha ông trao truyền lại.

Hướng đi bền vững cho nghề truyền thống

Hiện nay, bên cạnh một số nghề truyền thống có xu hướng mai một dần thì cũng có nhiều làng nghề, nghề truyền thống đã chủ động tìm được hướng đi đúng đắn, phù hợp với nhu cầu phát triển của thị trường. Tại Quảng Ninh, từ việc triển khai thực hiện chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới trong 10 năm qua, đã góp phần hồi sinh, tạo sức sống mới cho nghề truyền thống, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho lao động địa phương. Sản phẩm làng nghề trở nên đa dạng, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường như: Miến dong Bình Liêu, mắm sá sùng Vân Đồn, nem chua Quảng Yên, hải sản khô Cô Tô, gốm sứ mỹ nghệ Đông Triều...

4

 Nghề truyền thống làm miến dong ở Bình Liêu.

Bên cạnh giá trị kinh tế, các nghề và làng nghề truyền thống còn đóng góp vào bức tranh văn hóa của địa phương. Do đó, đưa nghề truyền thống, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch đã và đang trở thành xu hướng phát triển tại nhiều nơi. Anh Trần Văn Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và dịch vụ Húc Động, cho biết: Cùng với tham gia vào chương trình OCOP, phát triển sản phẩm miến dong với quy mô lớn, chúng tôi cũng chuẩn bị các điều kiện để đón du khách đến tham quan, trải nghiệm quy trình làm miến tại xưởng trong hành trình khám phá du lịch Bình Liêu. Tin rằng, mỗi câu chuyện xoay quanh sản phẩm miến dong sẽ tạo nên sự độc đáo, sức hấp dẫn đối với du khách để giới thiệu, quảng bá nhiều hơn nét đẹp văn hóa, bản sắc Bình Liêu.

Trên địa bàn TX Đông Triều có nhiều làng gốm truyền thống còn hoạt động gồm: Ánh Hồng (phường Mạo Khê), Cầu Đất (phường Đức Chính) và các xưởng của gốm Quang Vinh. Ông Trần Đăng An, Giám đốc Halotour (TP Hạ Long), cho biết: Ngoài các tour làng quê, điểm nhấn khi đưa khách về Đông Triều chính là được thăm các làng nghề gốm cổ, được các nghệ nhân say nghề hướng dẫn làm gốm. Đây chính là nguồn nguyên liệu tuyệt vời cho các sản phẩm, hành trình du lịch, đặc biệt là hướng đến đối tượng khách quốc tế muốn tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa Việt Nam.

Thời gian qua, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tổ chức hoạt động truyền dạy kỹ thuật đan ngư cụ tại Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn, để phục vụ khách du lịch đến tham quan tìm hiểu về đời sống sinh hoạt của cư dân làng chài, vừa tạo ra một sản phẩm mới phục vụ phát triển du lịch trên Vịnh Hạ Long vừa thiết thực góp phần bảo tồn làng nghề truyền thống.

Gìn giữ và bảo tồn làng nghề truyền thống là trách nhiệm quan trọng nhằm lưu truyền những tinh hoa của cha ông gửi gắm cho thế hệ mai sau. Song để làm được điều đó, các cấp, ngành, địa phương cần có những biện pháp hiệu quả và quyết liệt hơn, huy động mạnh mẽ các nguồn lực cho công tác bảo tồn như: Tiếp tục tạo điều kiện phát triển nghề gắn với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch; tăng cường công tác đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo nghề.

Nguyễn Dung

Tin khác

Kinh tế 7 giờ trước
(SHTT) - Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu “hạt tiêu” trong hơn 20 năm qua. Mặc dù giá tiêu liên tục tăng, tuy nhiên giá mặt hàng này của nước ta lại xếp chót bảng so với các nước xuất khẩu trên thế giới.
Kinh tế 7 giờ trước
(SHTT) - Startup nền tảng giáo dục trực tuyến Vuihoc vừa lọt top 3 trong bảng xếp hạng “ngôi sao đang lên” của Edtech thế giới năm 2024 do tạp chí TIME (Mỹ) và hãng nghiên cứu thị trường Statista thực hiện...
Kinh tế 7 giờ trước
(SHTT) - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 4/2024 ước đạt 520 triệu USD, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 4 tháng qua, xuất khẩu ngành hàng này mang về 1,804 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ.
Kinh tế 8 giờ trước
(SHTT) - VPBank là ngân hàng đầu tiên trên thị trường triển khai chương trình tài trợ trọn gói cho vay vốn thuê/mua bất động sản khu công nghiệp, cụm công nghiệp (BĐS KCN, CCN) với lãi suất chỉ từ 0,6%/tháng và chấp nhận tài sản đảm bảo là hợp đồng thuê/mua BĐS.
Kinh tế 10 giờ trước
(SHTT) - Thực hiện chỉ đạo của Cục QLTT tỉnh, thời gian qua, các phòng chuyên môn, Đội QLTT các địa phương đã sớm xây dựng kế hoạch kiểm soát thị trường; chủ động phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn.