Những sản phẩm thân thiện từ cỏ bàng
Làng Phò Trạch, xã Phong Bình (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) từ lâu đã rất nổi tiếng với các sản phẩm từ cây cỏ bàng, một loại cỏ mọc tự nhiên với đặc tính khi khô sẽ rất dai và chắc chắn.
Ngôi làng gắn với cỏ bàng
Bà Nguyễn Thị Ái (80 tuổi) – người làng Phò Trạch - chia sẻ: “Trẻ con làng này sinh ra đã tiếp xúc với cỏ bàng, theo bố mẹ làm đệm từ nhỏ. Có thể sau khi học xong, mỗi đứa mỗi nghề nhưng vẫn hiểu và biết kĩ thuật đan. Nhiều người dân nơi đây sau khi nghỉ hưu sẽ trở lại với nghề. Còn gì vui hơn khi về già vừa có công việc an nhàn, vừa được sum vầy bên con cháu”.
Về làng Phò Trạch, dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều chị em xúm lại với nhau ngồi đan những tấm đệm nhỏ, họ vừa làm vừa kể những câu chuyện gia đình. Ngày chưa có internet, trò chơi của những đứa trẻ con nơi đây là đan những sản phẩm nhỏ như hộp bút, tấm lót ly chén và những sản phẩm “vu vơ”,...
Nghề đan cỏ bàng mang tính chất thủ công, thu nhập thấp. Nhưng đối với mỗi người con Phò Trạch, đó là niềm vui trong cuộc sống hằng ngày. Gắn bó với nghề là cách để họ thể hiện sự biết ơn ông bà, tình yêu quê hương.
Đệm Phò Trạch rất đặc biệt, các sợi bàng được đan chéo giúp đường đan chặt và đẹp hơn. Khi đan đệm phải dùng lực tay thật đều, mạnh để siết các đường đan khít vào nhau. Công đoạn khó nhất khi đan đệm bàng là khóa múi. Khi tiến hành khóa múi, người ta sẽ bắt 2 sợi đè tiếp lên 2 sợi, cho đến khi vừa đủ thì bắt đầu vặn chỉnh cho đệm đúng với kích thước yêu cầu và tránh cho chúng bị bung ra.
Ít ai biết câu hát “tiếng ai giã bàng nhịp nhàng như tiếng lòng tôi” trong bài hát “Con kênh xanh xanh” của nhạc sĩ Ngô Huỳnh chính là tiếng giã cỏ bàng, âm thanh quen thuộc và bình yên trong đời sống của người dân Phò Trạch. Cỏ bàng rỗng thân, giã bàng là cách để làm dập thân cây thành sợi dẹt. Giã bàng là công việc rất tốn thời gian, công sức. Cối giã bàng có hình dáng gần giống cối giã gạo, to và nặng.
Cỏ bàng phải được giã mềm thì mới có thể đan và tạo hình sản phẩm. Ngoài ra, chất lượng cỏ khi xử lý cũng quyết định rất nhiều đến chất lượng thành phẩm. Cỏ bàng thu hoạch về được phân loại theo kích thước để làm ra những sản phẩm khác nhau.
“Cỏ bàng được phơi nắng để khô nước, cỏ được phơi từ 3 - 5 nắng to là đẹp nhất. Những hôm gặp “trời động” phải phơi dài ngày, lúc đó cỏ bàng hay bị sẫm màu, chỉ có thể làm những sản phẩm gia dụng đơn giản. Cỏ bàng đẹp phải đảm bảo các tiêu chí: Thân bàng to, sợi cỏ được giã mềm, màu vàng dịu, sáng bóng”, ông Ngô Văn Trừ - Tổ trưởng tổ sản xuất làng nghề đệm bàng Phò Trạch - cho biết.
Sản phẩm “xanh” bảo vệ môi trường
Trước khi có đồ gia dụng công nghiệp thì những sản phẩm của làng Phò Trạch như chiếu, giỏ xách, bao,... rất phổ biến. Sau này, sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp nhựa đã khiến nghề đan đệm có nguy cơ thất truyền, diện tích trồng cỏ bàng ngày càng bị thu hẹp.
Sự thịnh hành đúng lúc của xu hướng sản phẩm “xanh” đã góp phần “hồi sinh” làng nghề đan đệm truyền thống. Đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm nặng nề và hậu quả lâu dài của rác thải nhựa, người ta lại cần đến những sản phẩm thân thiện với môi trường. Đây chính là lúc làng nghề có cơ hội vươn lên, mang đến cuộc sống “xanh” và tinh khiết cho mọi người.
“Bây giờ, người ta bắt đầu quan tâm, chú trọng đến sức sống của cây cỏ bàng. Vì từ đây họ có thu nhập, một tháng dệt có thể mang lại thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng, thậm chí hơn”, ông Trừ cho hay.
So với những sản phẩm khác, quy trình làm ra các sản phẩm từ cỏ bàng hoàn toàn thủ công. “Chỉ có ánh nắng và bàn tay lao động của con người, sự tỉ mỉ khi đan đệm bàng không máy móc, thiết bị nào có thể đáp ứng được”, ông Trừ khẳng định.
Với định hướng xây dựng Thừa Thiên Huế theo hướng đô thị “di sản, văn hoá, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường”, thời gian gần đây, các chương trình bảo vệ môi trường, vận động bà con tiểu thương hạn chế sử dụng túi nilông đang được triển khai quyết liệt. Sản phẩm từ cỏ bàng là một trong những giải pháp.
“Tiến hóa” để phát triển
Các sản phẩm được đan bằng nguyên liệu cỏ bàng như đệm, túi xách, mũ, chiếu,… đang được thị trường ưa chuộng vì nó có màu đẹp, bền chắc và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó còn có các sản phẩm dùng trong sinh hoạt và trang trí như: Túi thời trang, giỏ rác, chụp đèn,… Một số sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn mới của châu Âu, trong đó chú trọng đến tính tiện lợi và thân thiện với môi trường.
Vượt ra khỏi “tầm” ảnh hưởng của một nghề thủ công, ngày nay các sản phẩm của đệm bàng ở Phò Trạch đã không ngừng tiến bộ, cải tiến mẫu mã. Các sản phẩm được đem đi triển lãm, hội thi sản phẩm thủ công,… và đạt nhiều giải thưởng cao.
Sự kết hợp văn hóa dân gian vào những sản phẩm của làng nghề đệm bàng đã tạo được hiệu ứng tốt với thị trường, đưa ra hướng đi mới và cơ hội để khẳng định lại vị trí, chỗ đứng của sản phẩm làm từ cỏ bàng. Các mặt hàng lưu niệm, đồ du lịch như túi xách, mũ, nón… với hoa văn tinh tế, cách phối màu độc đáo mang lại giá trị nghệ thuật cao.
Nghệ nhân làng nghề Việt Nam – ông Nguyễn Viết Nam - chính là một trong những người góp công tạo ra xu hướng “tinh chế” sản phẩm cỏ bàng. Theo ông Nam, sản phẩm của bà con làm ra chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị thấp, xuất phát từ việc thiếu kĩ thuật và hướng đi mới.
Để nâng cao giá trị của sản phẩm từ cỏ bàng, tìm kiếm nguồn khách hàng, ông Nam đã thu mua, đặt hàng sản phẩm thô của bà con, sau đó chế tác lại để tạo ra những sản phẩm cầu kì, giàu tính nghệ thuật. Từ những sản phẩm có giá từ vài ngàn đến vài trăm ngàn đồng, qua sự sáng tạo của người nghệ nhân, các sản phẩm từ cỏ bàng đã có giá cao hơn nhiều lần.
Thực tế, các sản phẩm nhựa hay một số sản phẩm thủ công khác có chất lượng cao mà giá thấp hơn nhiều so với sản phẩm cỏ bàng. Do đó, việc cải tiến mẫu mã chính là giải pháp cạnh tranh để tìm lại chỗ đứng cho sản phẩm từ cỏ bàng trên thị trường.
Ông Nam nói thêm: “Màu sắc trên các sản phẩm được phối hài hòa, điểm thêm các hình ảnh quen thuộc từ làng quê hoặc những công trình mang tính biểu tượng như: Đại nội Huế, chùa chiền, lăng tẩm, hoa cỏ,...”. Mỗi tháng, gia đình ông Nam chế tác được từ 500 - 600 sản phẩm. Vào mùa Tết, các đơn hàng tăng lên, thu nhập của ông và người dân cũng được cải thiện.
Đến nay, sản phẩm từ cỏ bàng đã được phân phối hầu hết trên toàn quốc và đã vươn ra thị trường Đức, Pháp, Mỹ, đem đến cái nhìn mới cho mọi người về làng nghề truyền thống.
Quỳnh Viên