SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 03/05/2024
  • Click để copy

Những người lặng thầm cho ‘làng hoa không tàn’ sắc thắm

10:17, 09/02/2024
Tháng Chạp, tiết trời mưa bụi mờ trắng, hoa tươi nụ còn xanh, cánh đồng lúa sau mùa gặt rơm rạ lụi dần cũng là lúc hoa giấy làng Thanh Tiên (Phú Mậu, TP Huế) bước vào những ngày rực rỡ.

Khi hoa giấy cắm lên chông vác đi khắp phố chợ vào tháng Chạp là lúc nhà nhà đều sửa soạn đón Tết. Những cành hoa mộc mạc tựa “thôn nữ làng” gợi nhiều kỷ niệm thanh tao, ấm áp điểm tô bản sắc Tết Huế và những thương hiệu nghề truyền thống trứ danh.

Xuân bốn mùa trên làng hoa không tàn Thanh Tiên

Hạ lưu sông Hương, gần ngã ba Sình cách trung tâm thành phố 5 km, về Phú Mậu thoáng nhìn đã cảm được lòng yêu hoa của người dân Thanh Tiên qua những vườn cúc, thạch thảo. Đón chúng tôi là chủ nhân của không gian Liên Hoa Thanh Tịnh Viên - nghệ nhân, họa sĩ Thân Văn Huy.

Nghệ nhân Huy là người xác lập kỷ lục người đầu tiên phục hồi sen giấy trở lại sau 70 năm thất truyền. Liên Hoa Thanh Tịnh Viên là điểm đến từng đón nhiều khách tham quan, trải nghiệm, dự triển lãm và tổ chức 3 kỳ Festival làng nghề với lễ hội “Sắc màu Thanh Tiên”.

Đứng giữa ngôi nhà rường, hoa giấy như một người bạn cùng khoe sắc đón khách đường xa.

Ôn tồn, họa sĩ Thân Văn Huy giới thiệu sản phẩm độc đáo của làng hoa giấy Thanh Tiên cho đoàn khách đến từ Tây Ban Nha: “Trên tay tôi là hoa giấy Thanh Tiên được làm bằng nguyên liệu giấy và tre. Tất cả hoa ở trên cành hoa này do người dân trong làng Thanh Tiên đóng góp sáng tạo từ nhiều đời mà thành. Do vậy, hoa giấy Thanh Tiên không có tổ nghề và chỉ xuất hiện trong dịp Tết cổ truyền của người Huế”.

4ff5f8bf81182b467209

  Hoa giấy Thanh Tiên như “cánh én” báo tin xuân về

Xưa hoa giấy Thanh Tiên chỉ dùng để đặt lên bàn thờ những nơi như: trang Ông, trang Bà, am, cảnh và Ông Táo. Khi dâng hoa mới lên, hoa cũ hạ xuống và đốt đi gọi là “Tấu” hay “Hóa”. Hơn 3 thế kỷ, hoa giấy làng Thanh Tiên sớm đi vào đời sống, văn hóa trong tín ngưỡng dân gian của người Huế nói riêng và người Việt Nam nói chung.

Bàn tay khéo léo của nghệ nhân Huy vân vê, nâng niu cả vườn xuân trên tay với những cây hoa giấy nhuận sắc được chế tác công phu để mô phỏng bông bìm bìm, hoa cúc đơn, hoa cúc kép, hoa thược dược (hoa quỳ), hoa tường vy, hoa hồng, hoa mắm nêm… và hoa sen.

Cánh hoa được cắt bởi bộ đục, lá được làm từ giấy hoặc thanh tre được chẻ mỏng, vót ở đầu. Tre còn để làm cành, làm cuống. Xưa, người dân thường dùng những loại hạt, nhựa cây có trong tự nhiên để nhuộm màu cho hoa, lá còn giờ đây người dân dùng giấy thủ công thay thế.

Làm hoa giấy công phu nên cần nhiều người tham gia. Mỗi người một công đoạn: trẻ con sẽ cắt nhụy, vấn nhụy còn người lớn đục cánh hoa, dán hồ, ghép thành bông, thành cành.

Thanh tien

Nghệ nhân Thân Văn Huy (áo trắng) tại Liên Hoa Thanh Tịnh Viên.

Sau năm 1975, giấy rất hiếm nên khoảng 2 – 3 năm dân làng Thanh Tiên dùng giấy vở của học sinh đã viết để nhuộm màu và làm hoa bán.

Đặc biệt, nụ hoa hình tượng trái ớt làm từ ruột cây điên điển hoặc ruột sắn phơi, gọt. Sinh ra trong gia đình nhiều đời có truyền thống làm hoa giấy, theo ông Huy, cành hoa giấy Thanh Tiên là sản phẩm sáng tạo của cả làng qua nhiều đời. Riêng hoa tường vy, từ nhỏ, ông nghe nhiều người làng nói đó là sáng tạo của người thân trong gia đình.

“Tôi nhớ khi xưa nhà đông, đến tháng Chạp quây quần tập trung cùng làm hoa. Trời lạnh, rang một ít bắp bỏ vào túi. Vừa làm vừa bốc ăn rất vui, đỡ lạnh. Tay làm hàm nhai, nói chuyện quên cả thời gian”, ông Huy nhớ lại.

Vào tháng Chạp mưa lất phất, trời chuyển rét lạnh. Hoa được cắm vào chông, bọc ni lông bên ngoài rồi vác đi cho khỏi ướt. Ngày xưa, người dân Thanh Tiên vác hoa giấy đi bán không có xe đạp, xe máy, họ cứ vác trên vai mà đi bộ, đi đò.

“Nhà tôi có mẹ và ba người em gái thay phiên nhau vác hoa đi bán. Bán được thì ở nhà mua sắm đồ Tết nhưng bán không được thì phải đốt hoa chỉ cầm chông về, rất khó nhọc”, nói đến đây mắt họa sĩ Thân Văn Huy nhòe đi vì xúc động.

Thấy hoa giấy Thanh Tiên là thấy “bầu trời” kỷ niệm

Bà Phan Thị Thanh – vợ ông Thân Đình Diệu, người thân của nghệ nhân Thân Văn Huy, ngoài giờ chạy chợ Đông Ba còn học làm nghề truyền thống. Trong ngôi nhà ba gian bình dị, du khách không khỏi trầm trồ trước khả năng “biến hóa” từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Huế làm nên những búp hoa xinh.

“Tôi là người ở phố cổ Gia Hội. Khi trẻ, thấy hoa giấy đẹp quá nên theo chồng về làm dâu rồi ở lại làng và theo nghề. Nhiều du khách tới đây họ nói đây là ngôi làng thú vị nhất Việt Nam. Giờ con cái lớn khôn, hai vợ chồng lấy việc đón khách lui tới làm vui”, bà Thanh thổ lộ.

Tạo vân hoa, dán, xếp những cánh hoa giấy và trải nghiệm với sự hướng dẫn của bà Thanh, nhà thiết kế Nguyễn Thị Đoan Trang cho hay: “Nghệ thuật làm hoa giấy Thanh Tiên rất hay. Mỗi lần nhìn thấy hoa giấy Thanh Tiên là như thấy ký ức đẹp và ấm áp vì nhớ khi xưa cứ đến Tết mẹ thường mua về để thờ cúng, dùng để trang trí. Hoa đẹp nhờ tâm hồn, nhờ giá trị lịch sử”.

83eb93c2fd65573b0e74

 1.      Làng Thanh Tiên có 2 dòng dòng hoa ngũ sắc và dòng sen giấy cao cấp, tinh xảo.

Vì nổi tiếng, có nhiều giai thoại nửa hư nửa thực quanh hoa giấy Thanh Tiên. Có một số bài viết cho rằng hoa giấy Thanh Tiên từng được tiến vua Gia Long. Chuyện kể, vị quan người làng Thanh Tiên làm ở Bộ Lễ chức Tả Hữu Đồng Nghị dâng lên nhà vua loài hoa ngũ sắc làm hoàn toàn bằng giấy thủ công với ý nghĩa Tam Cương – Ngũ Thường. Ba cành hoa ở giữa tượng trưng cho Trung – Hiếu – Nghĩa. Chiếc hoa màu vàng hoặc đỏ được làm lớn nhất tượng trưng cho đấng minh quân, còn 5 bông hoa hai bên tượng trưng cho Nhân – Lễ - Trí – Tín.

Nghệ nhân Thân Văn Huy cho biết chỉ mới nghe giai thoại đó gần đây trên mạng (!) và có thể đó chỉ là sự “vẽ vời” để bán hoa. Dành hàng chục năm khôi phục lại hoa giấy, họa sỹ Thân Văn Huy không khỏi chạnh lòng trước những người ở nơi khác cũng nhận vơ, nhận quàng mình là người được “thừa kế” nghề. Một vài người còn dùng cả từ “hoa giấy Huế” làm người tiêu dùng và khách du lịch nhầm lẫn là hoa giấy Thanh Tiên.

a1fc9df0f5575f090646

 Màu hoa hoài niệm của làng hoa không tàn Thanh Tiên.

 “Chúng tôi hướng dẫn cho du khách đến trải nghiệm tuy nhiên những bí quyết không thể chia sẻ, nhất là không thể bán đồ nghề. Bán đồ nghề là mất nghề”, nghệ nhân Huy đau đáu với việc bảo vệ thương hiệu làng nghề dường như trái tim ông luôn trăn trở để “làng hoa không tàn” luôn thắm sắc.

Đâu đó, vài người “bắt chước”, mang nghề hoa giấy Thanh Tiên ra khỏi làng. Theo nghệ nhân Thân Văn Huy, họ chỉ mới học được hình tượng của hoa giấy Thanh Tiên như chiếc nón không có xương, có lá thì không thể là chiếc nón… Loại giấy người ta dùng là giấy ngoại mua ngoài thị trường thì không phải hoa giấy Thanh Tiên.

“Tôi cứ tiếp tục làm, làm để giữ nghề, làm để nhiều người biết đâu là hoa giấy Thanh Tiên”, nghệ nhân Thân Văn Huy nói.

Hiện làng hoa giấy Thanh Tiên có khoảng 10 hộ còn lưu giữ nghề truyền thống. Người dân xứ Huế xa quê mua hoa giấy Thanh Tiên mang đi mọi miền đất nước và cả những kiều bào muốn đón Tết “kiểu Huế”. Hoa giấy Thanh Tiên còn trang trí không gian sống, không gian nghệ thuật, góp thêm một “tín hiệu” xuân về. Loài hoa không tàn “xanh xanh đỏ đỏ vàng vàng”, giờ đây không chỉ tháng Chạp mới làm mà được làm quanh năm.

Bảo Hòa 

Tin khác

Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - Đó là yêu cầu được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đưa ra tại phiên họp lần thứ 4 của Tổ công tác về cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ diễn ra vào sáng nay, ngày 3/5.
Tin tức 4 giờ trước
Từ ngày 8 - 11/5/2024, Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, TP.HCM.
Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu khẩn trương điều trị cho bệnh nhân, tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ việc khiến nhiều người ngộ độc tại Đồng Nai.
Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ra quyết định thành lập 63 đoàn kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức coi thi tại 63 tỉnh, thành phố.
Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Nữ sinh Nghệ An Nguyễn Quỳnh Mây là một trong 30 người trên toàn thế giới nhận được học bổng toàn phần của Đại học Oxford năm 2024, thu hút nhiều sự quan tâm.