SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Nhiều ẩn họa cháy, nổ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

09:25, 30/10/2014
Ngày 20-6-2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 967/CÐ-TTg gửi các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Công điện nêu rõ: Thủ trưởng các bộ, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, trên địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh liên tiếp xảy ra những vụ cháy lớn tại các khu công nghiệp, khu dân cư, gây hậu quả nghiêm trọng.

Hà Nội đang thiếu 5.000 trụ nước chữa cháy

Theo Sở Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy TP Hà Nội, chín tháng qua, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 126 vụ cháy, hai vụ nổ, làm 18 người chết, 14 người bị thương, thiệt hại hơn 185 tỷ đồng. Ðáng lưu ý là các đám cháy xảy ra ở khu công nghiệp, làng nghề cho đến khu chung cư, quán bar, nhà dân...

Chỉ riêng ngày 18-10 vừa qua, người dân Hà Nội phải chứng kiến hai biển lửa trong đêm. Tại Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội), ngọn lửa bùng phát từ kho hàng của Công ty Nippon Express Việt Nam rồi lan sang kho chứa gỗ rộng 13 nghìn m2 của công ty Gỗ Woodsland. Toàn bộ tài sản, thiệt hại hơn 130 tỷ đồng. Tại đường Dương Ðình Nghệ (quận Cầu Giấy, Hà Nội), toàn bộ năm gian hàng lợp tôn, chứa nhiều vật dụng dễ cháy như nhựa, bình ga... nhanh chóng chìm trong biển lửa. Trước đó, ngày 23-9, quán bar Luxury (153 đường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội) xảy ra cháy do chập điện. Khoảng 100 người trong quán hoảng loạn tìm cách thoát ra ngoài. Toàn bộ quán đã bị thiêu rụi, thiệt hại ước tính khoảng 10 tỷ đồng; ngày 3-5, vụ cháy tại quán Ka-ra-ô-kê Nhật Thực (43 Giảng Võ, quận Ðống Ða, Hà Nội) làm năm người chết...

Có thể thấy, tuy ở mức độ khác nhau, nhưng vụ cháy nào cũng gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Ðiều này thể hiện rõ sự chủ quan, lơ là của mỗi người dân, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị... trong công tác phòng, chống cháy nổ. Tại Khu công nghiệp Quang Minh, với mật độ nhà xưởng, kho hàng lớn, nhưng nguồn nước chữa cháy tại chỗ không đủ, đường nội bộ nhỏ hẹp... Tương tự, tại các quán bar, các thiết bị điện, điện tử quá nhiều, tường trần cách âm lại bằng xốp, vật liệu nhựa khiến lửa dễ bén và cháy lan. Trong khi đó, lượng người tập trung đông, nhưng thường mỗi quán chỉ bố trí một cửa ra vào, không có lối thoát hiểm.

Hiện nay, Hà Nội có hơn 1.200 làng nghề, trong đó có 250 làng nghề quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu nằm giữa các khu dân cư đông đúc, chật hẹp. Trong khi đó, nguyên liệu, vật liệu, sản phẩm tại các làng nghề lại là các chất dễ cháy như giấy, vải bông, nhựa, gỗ... Ðơn cử, tại làng nghề Triều Khúc (huyện Thanh Trì, Hà Nội), ngoài các cơ sở chuyên sản xuất phụ kiện may mặc như tơ, sợi, mác quần áo, thì còn có hàng trăm hộ gia đình chuyên thu mua, tái chế phế liệu, phế thải. Ngõ xóm chật hẹp mà người dân lại "vô tư", tự ý đốt rác thải, phế liệu, lửa có thể bùng phát thành đám cháy bất cứ lúc nào.

Tại nhiều khu chung cư, tập thể cả mới và cũ trên địa bàn thành phố, không khó để bắt gặp hình ảnh các bếp than tổ ong được đặt dọc lối đi, hành lang. Nhiều người dân còn hóa vàng mã không đúng nơi quy định; đổ than, tro vào đường ống rác... Ðáng lưu ý hơn khi một số tòa nhà chung cư tại các khu như Nam Trung Yên, Ðền Lừ, Dịch Vọng, Vĩnh Phúc..., dù đã được trang bị đầy đủ hệ thống thiết bị phòng cháy, chữa cháy, thậm chí có nơi có hệ thống chuông báo chữa cháy tự động, nhưng chỉ sau một thời gian là... không thấy đâu.

Ngoài những vấn đề về ý thức PCCC của các cá nhân, đơn vị thì công tác chữa cháy cũng đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Ðại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, Hà Nội đang có 1.558 trụ cấp nước chữa cháy. Nếu theo đúng quy định cứ 150 m đường phố phải có một trụ nước chữa cháy thì Hà Nội đang thiếu khoảng 5.000 trụ nước. Ðáng chú ý, nhiều trụ nước tại các quận nội thành, nơi dân cư đông đúc, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao lại đang thiếu nguồn nước chữa cháy nghiêm trọng. Khoảng một phần tư số hố, bến, bể lấy nước hiện lại không lấy được nước. Ngoài ra, thành phố hiện có 30 quận, huyện, nhưng mới chỉ có 15 phòng Cảnh sát PCCC khu vực, bán kính hoạt động của xe chữa cháy lớn (có nơi lên đến 40 km) nên mất nhiều thời gian lưu thông tiếp cận hiện trường. Phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ hiện cũng còn thiếu thốn.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nhận định, ý thức, kỹ năng PCCC của các lực lượng, nhất là lực lượng tại chỗ còn quá kém, khi xảy ra sự cố thì lúng túng, không biết xử lý. UBND thành phố đã phê duyệt mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng cho công tác PCCC, nhưng quan trọng hơn là ý thức trách nhiệm, nâng cao nhận thức của mỗi công dân; xây dựng được quy hoạch, đề án, chiến lược PCCC lâu dài gắn với quy hoạch phát triển Thủ đô; thực hiện kiểm tra, kiểm soát, xử phạt các hành vi vi phạm một cách nghiêm minh chứ không còn "nể nang", lập biên bản nhưng không xử lý như thời gian vừa qua...

Nhiều ẩn họa cháy khu dân cư ở TP Hồ Chí Minh

Vụ nổ do hóa chất mới đây tại quận 12 (TP Hồ Chí Minh) làm chết ba người, bị thương năm người đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về nguy cơ cháy nổ trong các khu dân cư tại thành phố. Vấn đề tuy không mới, nhưng với những quy định quản lý chồng chéo và bất nhất như hiện nay, thì việc giảm thiểu những vụ cháy nổ thương tâm đang là bài toán làm đau đầu các nhà chức trách tại TP Hồ Chí Minh.

Trong vai khách hàng cần mua hóa chất với số lượng lớn, chúng tôi tìm đến chợ Kim Biên (quận 5). Nơi đây được mệnh danh là chợ hóa chất tại TP Hồ Chí Minh với gần 70 cửa hàng được cấp phép. Hàng trăm chủng loại hóa chất được bày bán ngổn ngang, muốn mua loại gì, số lượng bao nhiêu đều có, nhiều loại hóa chất không có nhãn mác, xuất xứ. Ðiểm đặc biệt, tại khu vực này, dù mật độ dân cư lớn, kinh doanh loại hàng hóa có nguy cơ cháy nổ cao nhưng hầu hết các cửa hàng đều không có lối thoát hiểm.

Không chỉ tại chợ, mà nhiều chung cư tại quận 5, người dân cũng tận dụng mặt bằng để kinh doanh hóa chất. Ðơn cử như chung cư Vạn Tường có gần 20 cửa hàng kinh doanh hóa chất ngay tầng trệt chung cư. Tại đường Phan Văn Khỏa (quận 6) cả một dãy phố người dân cũng sử dụng nhà ở để kinh doanh hóa chất. Nhiều khu dân cư khác cũng luôn trong tình trạng "bà hỏa" rình rập như khu dân cư đường sắt thuộc phường 1, quận 3.

Theo thống kê, tại TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 400 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, sản xuất hóa chất. Trong đó, chỉ có một số ít hoạt động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, còn 249 công ty sản xuất độc lập, có cơ sở ở khắp nơi, kể cả khu đông dân cư và 139 đại lý bán hóa chất. Trong đợt kiểm tra 174 cơ sở có mô hình kinh doanh, sản xuất lớn mới đây, đã có 57 cơ sở vi phạm và tái vi phạm nhiều lần. Chỉ tính từ đầu năm 2014 đến nay, thành phố đã có năm vụ cháy nổ do hóa chất, làm chết bảy người và bị thương 11 người. Nguyên nhân là do vi phạm về an toàn trong quá trình vận chuyển, chế biến, cất giữ hóa chất. Các loại hóa chất nguy hiểm này lại không nằm trong các danh mục cấm sử dụng, mua bán. Người dân, công nhân tại các cơ sở này chưa có ý thức phòng cháy, chữa cháy, chưa được trang bị các trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy tại chỗ.

Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay, những quy định về quản lý nhà nước trong kinh doanh hóa chất đã có nhưng trồng chéo, nhiều bất cập, nhiều sơ hở... Ðơn cử như hóa chất để sản xuất nông nghiệp thì thuộc quản lý của ngành nông nghiệp; hóa chất xếp vào nhóm có tiền chất ma túy, dùng sản xuất tân dược thì thuộc quản lý của ngành y tế; hóa chất cho nghiên cứu thì của Bộ Công an; hóa chất phục vụ sản xuất công nghiệp thuộc Bộ Công thương; trong công nghiệp quốc phòng thì là Bộ Quốc phòng... Do đó, việc kiểm tra, quản lý những cơ sở kinh doanh hóa chất phải thuộc trách nhiệm của nhiều ngành chứ không thể chỉ có lực lượng công an khu vực.

Ông Lâm Thiếu Quân, đại biểu Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh thẳng thắn nhận định: Những vụ cháy nổ nghiêm trọng vừa qua không thể không đề cập yếu tố chủ quan của lực lượng chức năng. Không thể nói phường, xã, công an khu vực không biết các cơ sở đang làm gì, hoạt động như thế nào nên không ngăn chặn được kịp thời. Trách nhiệm lớn nhất thuộc về chính quyền địa phương với vai trò quán xuyến việc quản lý nhà nước trên địa bàn, nhưng phòng cháy, chữa cháy cũng có vấn đề do không quyết liệt phối hợp, kiểm tra và xử lý vi phạm thường xuyên.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân, công tác nắm địa bàn của chính quyền địa phương hiện nay chưa thật sâu sát, thiếu kiểm soát các cơ sở kinh doanh, sản xuất, đặc biệt là các cơ sở chế biến chất nằm trong các khu dân cư. Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu lãnh đạo UBND của 24 quận, huyện cần nghiêm túc xem xét công tác quản lý địa bàn. Lãnh đạo Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy, Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Ðầu tư lập danh sách các cơ sở kinh doanh, sản xuất và sử dụng hóa chất gây nổ; rà soát nguồn gốc hóa chất, nguyên liệu, mục đích sử dụng... Về lâu dài, UBND thành phố sẽ phối hợp với các quận, huyện tìm phương án di dời, giải tỏa những điểm kinh doanh hóa chất trong khu dân cư.

Bài học "mất bò mới lo làm chuồng" vẫn còn nguyên giá trị khi hàng loạt các vụ cháy lớn xảy ra, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản lại "rơi" vào những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Mỗi năm, Thủ tướng Chính phủ đều có Công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nâng cao tuyên truyền, tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn (Bộ Công an) đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra, tập huấn công tác cho từng chuyên đề cháy nổ làng nghề, khu dân cư, khu công nghiệp... Tuy nhiên, mỗi lần xảy ra cháy, nguyên nhân chủ quan, khách quan lại "còn rất nhiều"! Hơn lúc nào hết, để công tác phòng, chống cháy nổ đạt hiệu quả cao, rất cần sự vào cuộc sát sao của các cấp, các ngành, và đặc biệt là ý thức đề cao cảnh giác với "giặc lửa" của chính mỗi người dân, doanh nghiệp.

Ngày 23-10, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn (Bộ Công an) đã yêu cầu công an các địa phương thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao; tập trung kiểm tra các cơ sở trọng điểm về cháy nổ; phúc tra việc khắc phục sơ hở, thiếu sót về phòng cháy, chữa cháy của các cơ sở đã kiểm tra và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy

Nâng cao kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho từng cá nhân, đơn vị

Sáng 29-10, UBND thành phố Hà Nội tổ chức sơ kết việc thực hiện Công điện số 967/CÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ.

Tại hội nghị, Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Công an đề nghị thành phố mạnh dạn chỉ rõ và phê bình các cơ sở, đơn vị vi phạm về PCCC; siết chặt hơn công tác PCCC nhất là với nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục rà soát, tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về PCCC; lập quy hoạch, đề án chiến lược về PCCC lâu dài gắn với phát triển Thủ đô; nâng cao nhận thức, kỹ năng PCCC của từng cá nhân, đơn vị... để hạn chế thiệt hại do cháy gây ra.

Tin khác

Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - Để bảo đảm ANTT cho mùa du lịch biển Sầm Sơn 2024 nói chung, khai mạc Lễ hội du lịch và khánh thành Quảng trường biển - trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn nói riêng, từ đầu tháng 4/2024 Công an tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và triển khai đồng bộ các phương án, kế hoạch bảo đảm ANTT.
Tin tức 17 giờ trước
(SHTT) - Chiều 25/4, tại Trường Đại học Luật Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học "Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)".
Giải trí 18 giờ trước
(SHTT) - Sở Du lịch Thành phố Hà Nội mới đây đã có công văn đề nghị các cơ quan, ban ngành trên địa bàn phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, giữ gìn môi trường du lịch Thủ đô dịp lễ 30/4 và 1/5 sắp tới.
Tin tức 22 giờ trước
(SHTT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp phải quyết tâm cao hơn, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, chú trọng "3 tăng cường" và "5 đẩy mạnh".
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Chiều 24/4, tại Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã chính thức ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo (ABAII).