Nhận diện tạp chí quốc tế có dấu hiệu 'mạo danh'
Trường Đại học Luật TP.HCM vừa thông báo về một số tiêu chí giúp nhận diện các tạp chí quốc tế không đáng tin cậy. Các tạp chí này thường có truy cập mở được thành lập với mục đích thu tiền của tác giả để đăng bài.
Không được công nhận khi đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học
Trong quy chế xét thi đua khen thưởng, Trường Đại học Luật TP.HCM có áp dụng quy định về khen thưởng công bố quốc tế cho giảng viên. Từ đó, nhà trường thành lập 2 hội đồng xét thưởng công bố quốc tế và đã khen thưởng 28 bài báo của các giảng viên công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín.
Theo đánh giá của Trường Đại học Luật TP.HCM, đây là một kết quả rất đáng mừng, phản ánh được các thành tích trong hoạt động công bố quốc tế của giảng viên của trường, đồng thời thể hiện rõ sự quan tâm, khích lệ của nhà trường đối với hoạt động này. Tuy nhiên, qua quá trình xét thưởng, nhà trường nhận thấy có một số trường hợp giảng viên của trường vì nhầm lẫn hoặc không có thông tin nên đã gửi bài cho những tạp chí không đáng tin cậy.
Cụ thể, nhiều trường hợp các giảng viên gửi cho các tạp chí có dấu hiệu "mạo danh" hoặc "săn mồi".
"Các tạp chí này có truy cập mở (open access) được thành lập với mục đích thu tiền của tác giả để đăng bài. Tình trạng này khiến một số bài báo, mặc dù được các tác giả đầu tư rất công phu nhưng do gửi cho các tạp chí không đáng tin cậy nên không đủ điều kiện để được xét thưởng theo quy định của nhà trường. Không những thế còn có thể không được công nhận khi xem xét, đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên", thông báo của nhà trường nêu rõ.
Trường Đại học Luật TP.HCM đưa ra những cảnh báo để giảng viên có thông tin nhận diện những tạp chí không đáng tin cậy và tránh được các rủi ro khi gửi bài. Hơn nữa, các bài báo quốc tế sẽ không được khen thưởng nếu đăng tại các tạp chí, ấn phẩm quốc tế không đáng tin cậy, không có quy trình biên tập, phản biện.
8 tiêu chí nhận diện tạp chí không đáng tin cậy
Trong thông báo, nhà trường cũng đưa ra một số dấu hiệu cơ bản để nhận biết một tạp chí quốc tế không đáng tin cậy từ kinh nghiệm xét hồ sơ khen thưởng công bố quốc tế.
Thứ nhất, các tạp chí, nhà xuất bản quốc tế được liệt kê trên website: https://beallslist.net. Đây là website thống kê các tạp chí quốc tế mạo danh.
Thứ hai, tạp chí không có quy trình bình duyệt hoặc quy trình bình duyệt sơ sài. Tác giả bài viết nhận được thư chấp nhận đăng từ ban biên tập tạp chí quốc tế sau khi gửi bài và được yêu cầu nộp phí đăng bài. Ngoài ra, ban biên tập tạp chí không trao đổi gì với tác giả về quá trình biên tập, chỉnh sửa bài viết hoặc không đề cập gì đến chuyên môn.
Thứ ba, một số thông tin trên website của tạp chí là giả mạo hoặc sai lệch. Chẳng hạn, tạp chí quảng cáo là có niêm yết trên danh mục ISI, còn gọi là Web of Science - Wos hay trên danh mục Scopus nhưng thực tế không có hoặc đã bị rút khỏi các danh mục này.
Một số cơ sở dữ liệu khác như: DOAJ, Crossref, ABDC, RePEe and IDEAS, ProQuest, EBSCO, Google Scholar... mà tạp chí quảng cáo là đang được niêm yết, nhưng thực tế là đã bị rút tên hoặc chưa từng niêm yết. Lưu ý thêm, một số tạp chí được niêm yết trên website “International Scientific Indexing (ISI)". Thực chất, đây là website giả mạo, sử dụng tên viết tắt dễ gây nhầm lẫn với website chính thức của danh mục ISI là “Institute for Scientific Information" (ISI).
Mã số chuẩn ISSN và E-ISSN quốc tế của tạp chí không trùng khớp với tất cả thông tin được công khai trên website của tạp chí và trên website www.portal.issn.org.
Tạp chí sử dụng các chỉ số impact factor (IF) giả mạo như CiteFactor, IARC Impact Factor, Universal Impact Factor, Global Impact Factor... Các chỉ số IF này giả mạo chỉ số Journal Impact Factor (JIF) của Clarivate (JIF là chỉ số đánh giá tác động khoa học của tạp chí, ấn phẩm khoa học quốc tế của ISI. Trường chỉ công nhận chỉ số JIF của Clarivate làm căn cứ xét thưởng).
Thứ tư, nhà xuất bản thường gửi email mời nộp bài, trong đó hứa hẹn sẽ đăng ở các tạp chí được niêm yết trên danh mục ISI/Scopus, hứa bình duyệt nhanh và xuất bản nhanh.
Thứ năm, các bài báo trên tạp chí chưa từng được trích dẫn hoặc rất ít trích dẫn bởi những tạp chí uy tín khác, mà chỉ được tự trích dẫn (nếu có) trong nội bộ tạp chí đó.
Thứ sáu, tạp chí không có hệ thống nộp bài mà các tác giả phải gửi bài tới một địa chỉ email hoặc gửi trực tiếp cho bất kỳ thành viên nào của ban biên tập.
Thứ bảy, tổng biên tập, thành viên ban biên tập không có hồ sơ nghiên cứu đáng tin cậy.
Cuối cùng, trên website của tạp chí quốc tế có nhiều lỗi ngữ pháp, lỗi chính tả tiếng Anh.
Võ Liên